Tránh chồng chéo, phân tán chính sách vùng dân tộc thiểu số
VOV.VN -Trước phiên thảo luận, một số đại biểu cho rằng, chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải đi đôi với nguồn lực thực hiện.
Hôm nay 1/11, Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về Đề án tổng thế phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.
Quốc hội thảo luận về Đề án tổng thế phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.Việc ban hành chính sách tránh chồng chèo
Tại phiên thảo luận sáng nay, các đại biểu đánh giá, khi triển khai Đề án này sẽ góp phần tránh được tình trạng chồng chéo việc ban hành các chính sách làm phân tán hiệu quả đầu tư nguồn lực của Nhà nước đầu tư phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Các đại biểu Nguyễn Phước Lộc, đoàn thành phố Hồ Chí Minh; Nguyễn Bắc Việt, đoàn Ninh Thuận; Cao Thị Giang, đoàn Quảng Bình; Đàm Thị Mỹ Hương, đoàn Ninh Thuận... và nhiều đại cho rằng: hiện có 118 chính sách của Đảng, Nhà nước đã bao phủ hầu hết các lĩnh vực kinh tế xã hội, đặc biệt chính sách tín dụng cho hộ nghèo thực sự là bà đỡ có hiệu quả.
Đại biểu Nguyễn Phước Lộc, đoàn TP.HCM |
Vì vậy, đời sống kinh tế xã hội, diện mạo buôn làng không ngừng vươn lên, tạo động lực, niềm tin mới cho đồng bào các dân tộc. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm tới 25% tổng số hộ nghèo của cả nước, còn 222 nghìn hộ thiếu đất sản xuất, gần 81 nghìn hộ thiếu đất ở, hơn 370 nghìn hộ chưa được sử dụng nước hợp vệ sinh.
Nêu rõ thực trạng "bội thực" chính sách dẫn đến chồng chéo, phân tán, đại biểu Đinh Duy Vượt, đoàn Gia Lai cho rằng: “Đề án đã nêu rõ nguyên nhân, tồn tại nhưng có thể khái quát tình trạng bội thực chính sách dẫn đến chồng chéo phân tán, thậm chí chính sách này suy giảm, triệt tiêu hiệu quả chính sách khác; lại có chính sách “quan cần nhưng dân chưa vội”; lại có chính sách “quan có vội, quan lội quan sang”. Tình trạng mất rừng, thiếu đất, sa mạc hóa đã và đang thu hẹp không gian sống, không gian văn hóa ngay trên nơi chôn nhau cắt rốn ngàn đời. Đây là vấn đề lớn, cận kề nghiêm trọng phải kịp thời giải quyết”.
Đại biểu Đinh Duy Vượt, đoàn Gia Lai |
Các đại biểu đề nghị đề án phải hướng đến mục tiêu chính là phải tích hợp các nội dung chính sách, thu gọn đầu mối quản lý. Theo đó, cần phải có giải pháp tổng thể, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhằm thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển và mức thu nhập của đồng bào so với cả nước.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, đoàn Đồng Tháp đề nghị làm rõ cơ chế tích hợp hay cộng dồn cơ học những chính sách hiện hành mà chưa đánh giá những yếu tố nội dung phù hợp đang phát huy hiệu quả của những chính sách để tiếp tục duy trì.
“Đề nghị cần quan tâm làm rõ thêm việc có thêm chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhưng chưa rõ được mối quan hệ cũng như phân biệt phạm vi, đối tượng so với 2 chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay đang thực hiện là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững”- Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị.
Đồng tình với 11 chính sách với 8 dự án thành phần của Đề án, đại biểu Y- Khút-Niê, đoàn Đắc Lắk đề nghị cần nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh nội dung chính sách nào thực hiện trước và nội dung nào thực hiện sau và thực hiện cả chu kỳ của dự án nhằm đem lại hiệu quả cao nhất khi đề án đi vào hoạt động, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Về kinh phí thực hiện đề án, đại biểu Y Khút-Niê cho rằng, giải pháp huy động mọi nguồn lực của toàn xã hội, trong đó sự vươn lên của người dân giữ vai trò quan trọng, nguồn ngân sách nhà nước là quyết định.
Đại biểu Y Khút-Niê đề nghị việc huy động mọi nguồn lực đầu tư cần phải tập trung 1 đầu mối để điều chỉnh thống nhất từ trung ương đến địa phương, tránh mỗi bộ ngành 1 đầu mối. Mỗi lĩnh vực phân tán, mạnh ai lấy làm, để rồi giảm suy yếu hiệu quả của đề án, về sử dụng nguồn vốn, làm khó khăn cho việc thực hiện đánh giá đề án. Đối với nguồn lực ngân sách nhà nước, theo tôi từ trung ương đến địa phương nên phân bổ theo tỷ lệ phần trăm thích hợp hoặc theo số tuyệt đối đã được phân kỳ đầu tư hàng năm của dự án vào hạng mục ngân sách hàng năm để cơ quan thực hiện đề án chủ động tổ chức triển khai thực hiện đề án 1 cách thuận lợi nhất.
Tình trạng bất bình đẳng giới kìm hãm sự phát triển
Báo cáo của Chính phủ, các tổ chức trong nước và quốc tế đều nhận định bình đẳng giới, chống bạo hành giới, nâng quyền cho phụ nữ là một vấn đề hết sức quan trọng trong giảm nghèo và phát triển bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Một trong những hạn chế lớn nhất góp phần kìm hãm sự phát triển của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi là tình trạng bất bình đẳng giới.
Đại biểu Nguyễn Thị Thảo, đoàn Đại Nghệ An cho rằng, sự bất bình đẳng giới chính là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số đi vào luẩn quẩn.
“Sự bất bình đẳng giới giữa nam và nữ tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số là rất lớn mặc dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng không đáng kể. Phụ nữ vùng dân tộc thiểu số và miền núi phải chịu rất nhiều thiệt thòi trong cuộc sống do nhiều nguyên nhân khác nhau như điều kiện sinh hoạt, tập quán, nhận thức của cộng đồng về vai trò của người phụ nữ và thậm chí là từ nhận thức của chính người phụ nữ. Sự cam chịu của chính họ khiến công tác bình đẳng giới khó đạt được kết quả như mong muốn. Tuy nhiên, phần thực trạng của đề án lại chưa chỉ rõ được những hạn chế, bất cập này”- đại biểu Nguyễn Thị Thảo nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Thảo cũng đề nghị ban soạn thảo xem xét bổ sung cụ thể hơn nữa vấn đề này vào nội dung của đề án khi “kiến thức của người phụ nữ nghèo nàn, bị phong tục tập quán chi phối, trẻ em gái không được đến trường, nạn tảo hôn, đói nghèo và cuối cùng là không có cơ hội phát triển kiến thức và chất lượng cuộc sống”.
Theo Đại biểu Dương Tấn Quân, đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu, Dự án 6 về bình đẳng giới và giải quyết vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em là một dự án rất nhân văn thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với phụ nữ và trẻ em, nhất là phụ nữ và trẻ em người dân tộc thiểu số. Hiện nay phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số là nhóm có nguy cơ cao bị để lại phía sau do tính dễ bị tổn thương kép khi vừa là phụ nữ, vừa là người dân tộc thiểu số.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, đoàn Đồng Tháp |
Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, đoàn Đồng Tháp cho rằng, dù nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về bình đẳng giới nhưng xét về tổng thể vẫn còn nhiều hạn chế để phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số có cơ hội phát triển: “Xét ở bình diện chung, khi chúng ta phân tích về cơ hội chính sách, nếu đồng bào dân tộc thiểu số là góc khuất thì phụ nữ dân tộc thiểu số sẽ là điểm khuất trong góc khuất đối với cơ hội tiếp cận tới bình đẳng và phát triển.
Đề án đã thực hiện lồng ghép giới thông qua Dự án thành phần số 6 là bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em trên các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe , xóa mù chữ, phát triển nhân lực. Tuy nhiên đối chiếu với quy định của luật bình đẳng giới, đề án vẫn chọn phương án trung tính về giới và các tiểu đề án còn lại cũng chưa thể hiện rõ vấn đề lồng ghép giới. Như vậy thì khó thay đổi được vị thế của phụ nữ và trẻ em gái ở vùng dân tộc thiểu số”.
Theo đó, vị đại biểu tỉnh Đồng Tháp đưa ra những kiến nghị về giải pháp để dự án tiệm cận hơn với thực tế: “Thứ nhất, cần đưa nguyên tắc lồng ghép giới vào quan điểm xây dựng đề án. Thứ hai, phải xác định mục tiêu bình đẳng giới trong hệ thống các chỉ tiêu của đề án tương tự như mục tiêu số 5 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Đó là đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả trẻ em gái. Thứ ba, nghiên cứu bổ sung yêu cầu lồng ghép giới vào các tiểu dự án còn lại . Thứ tư, nên quy định rõ trong đề án vai trò và trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ trong việc triển khai thực hiện đề án cũng như giám sát quá trình triển khai thực hiện đề án”.
Theo tờ trình của Chính phủ, nước ta có 53 dân tộc thiểu số (DTTS) với hơn 14 triệu người, gần 3 triệu hộ, cư trú thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5266 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 382 xã biên giới, chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung, chiếm 3/4 diện tích cả nước./.