Trình Quốc hội Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật

VOV.VN - Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19...

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật trong ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp bất thường sáng 4/1, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19; đơn giản hóa thủ tục đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Cụ thể, đối với Luật Đầu tư công, dự thảo luật sửa đổi theo nguyên tắc phân quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với các dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do cơ quan, tổ chức mình quản lý.

Đối với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công sử dụng vốn ngân sách trung ương do Bộ, cơ quan trung ương quản lý hoặc sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

Cùng với đó, phân quyền quyết định chủ trương đầu tư cho Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm B và C theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị

Đối với Luật Đầu tư, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung để thực hiện phân quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị. Thủ tướng Chính phủ chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị trong các trường hợp: dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 300 ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên; dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ I của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt.

Dự thảo cũng phân quyền cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi bảo vệ II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt.

Theo quy định của dự thảo luật, việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt sẽ phải tuân thủ các yêu cầu, điều kiện và phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Đối với Luật Đấu thầu, nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, thúc đẩy giải ngân, đưa dự án hoàn thành đúng thời hạn, đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ, xây lắp trong các dự án ODA, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung quy định các hoạt động thực hiện trước đối với dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo hướng: việc lập, trình duyệt, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, xác định danh sách ngắn đối với các hoạt động mua sắm của các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi được thực hiện trước khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Đồng thời dự thảo luật đề xuất giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.

Nhà nước thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải

Đối với Luật Điện lực, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 4 Luật Điện lực theo hướng quy định nhà nước độc quyền trong “vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng”; “Nhà nước thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trừ các dự án lưới điện do nhà nước đầu tư được xác định trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia theo từng thời kỳ”; “Các tổ chức hoạt động điện lực và sử dụng điện đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật được quyền đấu nối vào lưới điện do thành phần kinh tế đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải thực hiện theo đúng quy hoạch phát triển điện lực”.

Đối với Luật Doanh nghiệp, một trong những điểm sửa đổi, bổ sung đáng chú ý trong dự án luật là Chính phủ quy định chi tiết việc tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh là doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn do doanh nghiệp nhà nước quy định tại khoản 2 Điều 88 Luật Doanh nghiệp nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Đối với Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, dự án luật bổ sung về Biểu thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt so với mức hiện hành trong 5 năm đầu, kể từ khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều có hiệu lực thi hành; từ năm thứ 6 trở đi, điều chỉnh tăng mức thuế suất đối với xe ô tô điện chạy pin (áp dụng cả đối với xe nhập khẩu và xe sản xuất, lắp ráp trong nước).

Đối với Luật Thi hành án dân sự, dự án luật làm rõ hơn trường hợp “ủy thác thi hành án từng phần” trên cơ sở luật hóa các nội dung trước đây giao Chính phủ quy định chi tiết; đồng thời bổ sung cơ chế ủy thác xử lý tài.

Đối với cơ chế ủy thác xử lý tài sản, dự thảo Luật quy định rõ căn cứ ủy thác xử lý tài sản, cụ thể: Trường hợp bản án, quyết định tuyên kê biên, phong tỏa hoặc tuyên xử lý tài sản để đảm bảo thi hành án mà tài sản ở nhiều địa phương khác nhau thì cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản trên địa bàn, đồng thời có thể ủy thác xử lý tài sản cho cơ quan thi hành án dân sự nơi có tài sản.

Thừa ủy quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, đa số các ý kiến của Ủy ban đều tán thành về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung dự án Luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy trình, thủ tục để thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; thể chế hóa các văn kiện của Đảng và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.

Tuy nhiên, do những chính sách quy định tại dự thảo Luật có tác động lớn đến cả lĩnh vực kinh tế và xã hội, Ủy ban Kinh tế đề nghị báo cáo bổ sung ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của một số chính sách, ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trực tiếp; dự tính tác động tới thu ngân sách nhà nước, quyền lợi của nhà đầu tư và của người dân; dự kiến các tình huống, sự cố có thể xảy ra và biện pháp xử lý./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Trình Quốc hội quyết định đầu tư thêm 729km tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông
Trình Quốc hội quyết định đầu tư thêm 729km tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông

VOV.VN - Giai đoạn 2021-2025 đầu tư 729km trên các tuyến Bãi Vọt – Cam Lộ, Quảng Ngãi – Nha trang và Cần Thơ – Cà Mau, chia thành 12 dự án thành phần có thể vận hành khai thác độc lập.

Trình Quốc hội quyết định đầu tư thêm 729km tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Trình Quốc hội quyết định đầu tư thêm 729km tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông

VOV.VN - Giai đoạn 2021-2025 đầu tư 729km trên các tuyến Bãi Vọt – Cam Lộ, Quảng Ngãi – Nha trang và Cần Thơ – Cà Mau, chia thành 12 dự án thành phần có thể vận hành khai thác độc lập.

Quốc hội xem xét gói 350.000 tỷ đồng để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KTXH
Quốc hội xem xét gói 350.000 tỷ đồng để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KTXH

VOV.VN - Chương trình phục hồi kinh tế gồm: tổng quy mô giải pháp tài khóa khoảng 291.000 tỷ đồng, giải pháp tiền tệ khoảng 46.000 tỷ đồng, khoảng 10.000 tỷ đồng qua từ các quỹ khác nhau và một số khoản khác.

Quốc hội xem xét gói 350.000 tỷ đồng để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KTXH

Quốc hội xem xét gói 350.000 tỷ đồng để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KTXH

VOV.VN - Chương trình phục hồi kinh tế gồm: tổng quy mô giải pháp tài khóa khoảng 291.000 tỷ đồng, giải pháp tiền tệ khoảng 46.000 tỷ đồng, khoảng 10.000 tỷ đồng qua từ các quỹ khác nhau và một số khoản khác.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu Quốc hội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu Quốc hội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

VOV.VN - Sáng 4/1: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu Quốc hội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh trước phiên khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu Quốc hội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu Quốc hội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

VOV.VN - Sáng 4/1: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu Quốc hội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh trước phiên khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.