Ủy ban Pháp luật của Quốc hội kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống
VOV.VN - Tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh Ủy ban Pháp luật phải là trụ cột về xây dựng pháp luật của Quốc hội
Chiều 29/2, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống (4/3/1946-4/3/2016). Tới dự có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, đại diện lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, các thành viên Ủy ban Pháp luật qua các nhiệm kỳ.
Diễn văn tại Lễ kỷ niệm do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày đã nêu bật những đóng góp của Ủy ban Pháp luật trong chặng đường 70 năm hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam. Từ Tiểu ban Pháp chính được thành lập trong Quốc hội khóa 1 đến Ủy ban dự án pháp luật và Ủy ban Pháp luật ngày nay, Ủy ban Pháp luật đã phục vụ 13 nhiệm kỳ của Quốc hội trong các hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, đưa các hoạt động này ngày càng hiệu quả, thực chất hơn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại lễ kỷ niệm |
Cùng với các cơ quan liên quan, Ủy ban Pháp luật đã giúp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng và triển khai chương trình lập pháp; sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất. Đặc biệt trong nhiệm kỳ khóa XIII, Ủy ban Pháp luật đã phục vụ Quốc hội thông qua Hiến pháp 2013 và nhiều luật, bộ luật quan trọng như Luật tổ chức Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân, Bộ luật dân sự, hình sự…
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chúc mừng và biểu dương những thành tích Ủy ban Pháp luật đạt được trong 70 năm qua. Đồng chí khẳng định, đoàn kết, gắn bó, lấy thượng tôn pháp luật làm đầu, phát huy tinh thần, trí tuệ tập thể trong hoạt động chính là truyền thống quý báu mà Ủy ban Pháp luật cần phát huy để góp phần đưa các hoạt động của Quốc hội ngày càng thực chất, hiệu quả hơn.
Nhấn mạnh Ủy ban Pháp luật là cơ quan chịu trách nhiệm trước Quốc hội và nhân dân về Hiến pháp và pháp luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, thời gian tới, hoạt động của Ủy ban cần tiếp tục đổi mới, nhất là trong công tác xây dựng pháp luật.
“Nói tới Quốc hội là phải nói tới công tác xây dựng Hiến pháp và pháp luật. Nói tới công tác xây dựng Hiến pháp và pháp luật thì phải nói tới Ủy ban Pháp luật. Do đó Ủy ban Pháp luật phải là trụ cột, trung tâm tập hợp tất cả các lực lượng để làm, phải đảm bảo tính khoa học, đảm bảo tính pháp lý./.