Văn bằng, chứng chỉ đối với cán bộ công chức như một kiểu “giấy phép con”
VOV.VN - Việc yêu cầu nhiều loại văn bằng, chứng chỉ đối với công chức, viên chức trong xét tuyển, thi nâng hạng-ngạch không khác gì một kiểu "giấy phép con".
Đề cập tình trạng loạn chứng chỉ “hành” công chức, viên chức trong xét tuyển, bổ nhiệm, trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội chiều 25/10, ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, đây là tình trạng “sính” bằng cấp trong các cơ quan hành chính Nhà nước.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi. |
Ông cũng được nhiều người “phàn nàn” rằng, năm nào cũng phải trình diện bằng cấp, chứng chỉ, nếu thiếu thì phải học và thi. Rồi bằng nhiều cách vận dụng, trong đó có cả bằng tiền, cán bộ cũng có được những chứng chỉ này.
Theo ông, ở nước ta, bằng cấp, chứng chỉ rất quan trọng, nhưng đó chỉ là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ. Điều kiện đủ của con người, của cán bộ công chức là năng lực thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, ngành nghề lĩnh vực phù hợp với cán bộ công chức đó. Trong đó, người sử dụng lao động cần tuyển dụng dựa vào năng lực của ứng viên, dù người đó có bằng cấp hay không, đều phải đánh giá trên công việc thực tế.
Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng “các cơ quan Nhà nước cần bỏ thủ tục hành chính và nếu phải trình diện, báo cáo văn bằng, chứng chỉ thì nên thực hiện một lần khi cán bộ, công chức trúng tuyển, không nên yêu cầu quá nhiều lần gây bức xúc cho cán bộ. Đồng thời, chỉ kiểm tra những bằng cấp nào có liên quan đến công việc, chức năng, nhiệm vụ của cán bộ. Ví dụ một người mà công việc không bao giờ tiếp xúc với người nước ngoài mà đòi hỏi phải có bằng ngoại ngữ B, C, bắt buộc họ phải “tìm cách” đi mua.
Các đợt thi tuyển công chức, viên chức hay các đợt thi nâng hạng, nâng ngạch năm 2019, các thí sinh ngoài việc có đầy đủ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học văn phòng thì cần phải có chứng chỉ hạng, ngạch mà chính công chức, viên chức đó đang được bổ nhiệm.
Còn trong xét tuyển, thi tuyển công chức, ngoài yêu cầu về những văn bằng, chứng chỉ cụ thể và cần thiết, cán bộ công chức, viên chức còn cần nhiều chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, chứng chỉ hạng ngạch mà công chức đang đảm nhiệm. Tình trạng loạn chứng chỉ không chỉ “hành” cán bộ công chức, viên chức mà còn gây tốn kém, làm ảnh hưởng đến công việc chuyên môn.
Thảo luận tại hội trường Quốc hội về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (đoàn Bình Thuận) nêu thực tế cán bộ được thi nâng ngạch thì cần rất nhiều tiêu chuẩn, chủ yếu thể hiện trên văn bằng, chứng chỉ.
“Rất nhiều người sợ thi môn ngoại ngữ, vì trình độ ngoại ngữ hạn chế. Có người nộp hồ sơ thi bị gạt ra vì không có chứng chỉ ngoại ngữ, mấy hôm sau có chứng chỉ ngoại ngữ lại được chấp nhận và cơ quan chấp nhận một cách rất đơn giản. Rõ ràng có chuyện tiêu cực. Chưa kể Bộ Nội vụ quy định việc lấy tiêu chuẩn tiếng dân tộc. Tiếng dân tộc được miễn thi, nhưng thực tế quy định phải có cơ sở được phép đào tạo tiếng dân tộc công nhận, còn cơ quan xác nhận thì không chấp nhận. Tôi cho đây là vấn đề khó khăn” – đại biểu nêu rõ.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng cho rằng, việc quy định liên ngành về chuẩn nghề nghiệp, chức danh đều phải bổ sung nhiều loại chứng chỉ như vậy chỉ hợp lý với từng chuyên môn, ngành nghề, lĩnh vực, từng đối tượng và từng ngạch.
Đại biểu Phạm Văn Hòa. |
“Nếu quy định như vậy thì không khác nào "giấy phép con" ràng buộc gây khó khăn cho cán bộ, công chức, viên chức được thi tuyển hay chuyển ngạch” – ông Hòa nói và nhấn mạnh đây là vấn đề đòi hỏi các cơ quan chức năng cần xem xét để không gây phiền hà và gây tốn kém cho ngân sách Nhà nước, gây tốn kém cho công chức, viên chức.
Đại biểu đoàn Đồng Tháp nhận định, tuyển dụng người có tài năng không nhất thiết phải tuyển chọn những người có học hàm, học vị. Bởi người có tài năng sẽ thể hiện bằng khả năng, trình độ trong quá trình thực tiễn làm việc cụ thể có trách nghiệm, sáng kiến, sáng tạo, công việc đạt chất lượng được các cấp thẩm quyền công nhận, tin tưởng, được đồng nghiệp quý mến hay không.
Do vậy, phải xem xét cán bộ, công chức, viên chức trên góc độ năng lực, hiệu quả công việc, đạo đức, tinh thần trách nhiệm, chứ không phải chỉ dựa trên bằng cấp, chứng chỉ./.
“Không phải vì tinh giản biên chế mà giảm bớt 1 Phó Chủ tịch HĐND”
Bỏ “viên chức suốt đời” sẽ làm giảm khả năng thu hút lao động