Viện trưởng Lê Minh Trí trả lời chất vấn về vụ phân bón Thuận Phong
VOV.VN - “Nếu chưa có kết quả từ cơ quan chuyên môn về giám định thì chưa có căn cứ xác định vi phạm pháp luật hình sự hay không”.
Phân bón của Thuận Phong có giả hay không?
Liên quan đến vụ “phân bón Thuận Phong” mà dư luận quan tâm được đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đặt ra trên nghị trường tại phiên chất vấn sáng 31/10, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí cho biết, vấn đề là xác định Công ty này có sản xuất, mua bán, nhập khẩu phân bón giả hay không.
VKSNDTC thấy có dấu hiệu vi phạm nên đã yêu cầu VKSND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định huỷ quyết định không khởi tố vụ án hình sự và yêu cầu thụ lý theo tố tụng.
Công an Đồng Nai tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm và đề nghị Bộ NN-PTNT, Công Thương, KH-CN giám định trả lời phân bón có giả hay không, có giả mạo nhãn mác hay không. Bộ NN-PTNT có văn bản trả lời nhưng két quả chưa đạt yêu cầu giám định điều tra, còn hai Bộ chưa trả lời.
Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí: Chưa xác định Thuận Phong có vi phạm pháp luật hình sự hay không |
“VKSNDTC khẳng định, nếu chưa có kết quả từ cơ quan chuyên môn về giám định thì chưa có căn cứ xác định vi phạm pháp luật hình sự hay không. Hiện nay đang vướng chỗ đó” – ông Lê Minh Trí nói.
Không hài lòng với câu trả lời này, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội giơ biển tranh luận. Theo ông Cương, vụ việc được chất vấn xuyên qua 2 nhiệm kỳ, đã có văn bản của 6 bộ ngành thống nhất giám định 2 lần. Bộ Tư pháp có văn bản 789 kết luận là sản xuất phân bón giả, tàng trữ vận chuyển hàng cấm.
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu các Bộ ngành liên quan nhanh chóng trả lời về giám định phục vụ công tác điều tra của cơ quan tư pháp. Đây là vụ việc mà dư luận quan tâm nên đề nghị Viện trưởng có báo cáo cho đại biểu.
Chống oan sai nhưng không bỏ lọt tội phạm
Trong ngày làm việc 30/10, đại biểu Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cũng nhấn mạnh, việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung là việc mà pháp luật cho phép nhưng có giới hạn, có điều kiện vì nó liên quan đến thời hạn tạm giam, thời hạn áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng như hoãn xuất cảnh, kê biên, phong toả tài khoản và một số biện pháp hạn chế quyền công dân, ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, Quốc hội mới có Nghị quyết 55 yêu cầu hạn chế đến mức thấp nhất việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.
Sau phần trả lời của Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí, trong sáng nay, một số đại biểu tiếp tục đặt câu hỏi chất vấn và yêu cầu người đứng đầu đưa ra giải pháp để hạn chế tình hình trên.
Giải đáp các băn khoăn của đại biểu, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí cho rằng giữa yêu cầu chống oan sai và chống bỏ lọt tội phạm “có ranh rất dễ vi phạm” và việc trả hồ sơ cũng liên quan đến vấn đề này.
Nhấn mạnh chỉ đạo của ngành là chống oan sai nhưng theo ông Lê Minh Trí, với tinh thần tấn công tội phạm thì “chống lọt” là yêu cầu không thể xem nhẹ. Còn chống oan sai thì ý thức phải làm
“Có trường hợp không trả hồ sơ để chứng minh chứng cứ thì “lọt”. Có trường hợp hồ sơ không chặt chẽ, không trả loại thì lại “oan”. Nó là sự biến động nhất định ở vụ án cụ thể. Tinh thần chung là hạn chế thấp nhất chứ không thể nói không với việc trả hồ sơ” – Viện trưởng Lê Minh Trí khẳng định.
Người đứng đầu ngành Kiểm sát cũng chia sẻ thêm, hiện nay cán bộ điều tra, kiểm sát viên, thẩm phán “có 4 vòng kim cô” lúc nào cũng phải cân nhắc khi thực thi nhiệm vụ. Đó là Quy định 102 về kỷ luật Đảng viên vi phạm, Kỷ luật ngành nào cũng nghiêm ngặt, Luật trách nhiệm bồi thường cũng khiến cán bộ thực thi nhiệm vụ cân nhắc, Các hoạt động nếu có tham nhũng, tiêu cực thì cơ quan điều tra VKSNDTC sẽ cuộc.
Ông Lê Minh Trí cho biết, năm 2018, cơ quan điều tra VKSTC khởi tố tăng 39,5% các vụ án, bắt cán bộ liên quan thuộc công an, VKS, thẩm phán và cán bộ thi hành án. Điều này thể hiện sự nghiêm minh, cố gắng làm trong sạch bộ máy./.
Không để “chìm xuồng” vụ phân bón giả của Công ty Thuận Phong