Viện trưởng VKSNDTC chỉ ra “nút thắt” khiến các vụ án tham nhũng bị kéo dài
VOV.VN - Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí chỉ ra các nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến các vụ án tham nhũng bị kéo dài, trả hồ sơ nhiều lần.
Về câu hỏi của đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) về các vụ án tham nhũng kéo dài, trả hồ sơ nhiều lần hoặc chuyển tội danh từ tội danh tham nhũng sang kinh tế, có yếu tố bỏ lọt tội phạm tham nhũng cũng như việc thu hồi tài sản thấp.
Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí trả lời tại phiên chất vấn sáng 18/11 |
Ông Lê Minh Trí cho rằng, thực trạng này thuộc trách nhiệm của các cơ quan tố tụng, trong đó có ngành kiểm sát. Nhưng nó có nhiều nguyên nhân cả khách quan, chủ quan.
Trước hết, án này là án truy xét, hành vi thực hiện phạm tội cũng như phát hiện rất lâu, xảy ra trên lĩnh vực quản lý Nhà nước, đối tượng là những người có quan hệ, có chức vụ quyền hạn, có kiến thức… để có thể tác động vào quá trình điều tra vụ án.
Chính vì vậy, nó đặt ra vấn đề khó khăn đầu tiên là kết quả giám định tư pháp, riêng với vụ án Phạm Công Danh phải giám định 5 lần mới có cơ sở xử lý vụ án. Giám định tư pháp là điều kiện gắn liền với các vụ án kinh tế, tham nhũng, vì tham nhũng xảy ra trên nhiều lĩnh vực, kiến thức chuyên môn, chuyên ngành các cơ quan tố tụng còn nhiều hạn chế, nếu nắm chắc Luật hình thức và các Luật tố tụng vẫn là chưa đủ để đánh giá phân tích, đặc biệt đánh giá thiệt hại của các vụ án.
Luật giám định tư pháp chưa xác định được thời hạn để trả lời kết quả giám định.
Vừa qua, yêu cầu giám định một số vụ án phải chờ chủ trương của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN, vì quy mô dự án lớn tới mức nghìn tỷ, đòi hỏi xác định thiệt hại của các dự án đang “đắp chiếu hay chưa đưa vào sử dụng” là rất khó khăn.
Vì thế, chủ trương của Ban Chỉ đạo PCTN T.Ư là điều tra rõ đến đâu thì truy tố, xét xử đến đó, phần còn lại sẽ đưa vào khởi tố, điều tra một vụ án khác, chính vì vậy mà vừa rồi mới đưa được một số vụ án tham nhũng ra xét xử.
Nếu thông thường, với quy mô lớn mà không đánh giá thì không thể đưa ra xét xử được, nên không thể cầu toàn.
Ông Trí cũng chỉ ra một nguyên nhân khác của việc kéo dài vụ án, là việc phải phụ thuộc vào thời gian cung cấp tài liệu của các cơ quan chuyên môn, vào nội dung kết luận của cơ quan giám định.
“Chúng tôi nghiêm túc trong trách nhiệm và thực hiện nhiệm vụ của mình, nhưng phải thấy thực trạng với nhiều vụ án Ban chỉ đạo đưa ra xét xử thì một phần phải đảm bảo tiến độ, nhưng cũng phải đảm bảo giải quyết triệt để vụ án về đối tượng, hành vi phạm tội, yêu cầu thu hồi tài sản, giải quyết vấn đề dân sự”, ông Trí nêu rõ.
Nội dung liên quan đến phân tích đánh giá các án tham nhũng, kinh tế là những quy định mới đặt ra những yêu cầu mới về trách nhiệm thực hiện pháp luật của các cơ quan tố tụng.
Nguyên nhân chính của việc trả hồ sơ nhiều lần để điều tra bổ sung, ông Trí cho rằng thẳng thắn mà nói có liên quan đến năng lực, trình độ, trách nhiệm của các cán bộ thuộc cơ quan tố tụng, trong đó có VKS. Đặc biệt là năng lực, kiến thức trong quản lý tài chính, kinh tế nên tiến hành tố tụng còn hạn chế.
Một vấn đề đặt ra nữa theo ông Trí là tâm lý sợ oan sai dẫn đến cầu toàn trong quá trình điều tra, đánh giá chứng cứ dẫn đến trả hồ sơ nhiều lần, nhằm an toàn về trách nhiệm của mình.
Thực tế nhận thức và áp dụng pháp luật của các cán bộ trong cơ quan tố tụng có thể còn khác nhau, bên cạnh đó, trách nhiệm pháp lý và bồi thường Nhà nước cũng tác động đến góc nhìn và các cơ quan “sợ trách nhiệm” khi thực hiện nhiệm vụ của mình.
Vấn đề cơ quan tố tụng phải tranh luận tìm ra chân lý, nhưng không phải lúc nào cũng thống nhất một cách dễ dàng. Sự phối hợp chưa tốt của các cơ quan tố tụng và các bước tố tụng cũng là nguyên nhân.
Hiện VKS đang nghiên cứu phương án biệt phái KSV ở cấp tối cao tham gia vụ án xét xử ở cấp địa phương, nắm chắc nội dung vụ án để đảm bảo tranh tụng ở phiên toà thuyết phục hơn, đảm bảo chất lượng của các phiên toà xét xử. Vì thực tế có vụ án hàng chục nghìn trang hồ sơ, nhưng KSV ở địa phương không thể nào tiếp cận nổi, đây cũng là khó khăn.
Lớn nhất là kết quả giám định ngăn cản, kéo dài nhiều vụ án, chúng tôi kiến nghị, chủ trì phối hợp xây dựng thông tư liên tịch quy định hướng dẫn các trường hợp cần thiết giám định trong giải quyết án tham nhũng, kinh tế để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc này, đặc biệt để ngăn chặn việc lợi ích, việc giám định để cản trở, kéo dài giải quyết vụ án, việc giám định không chính xác khiến phải giám định lại nhiều lần. Thông tư này phấn đấu ban hành trước 1/1/2018./.