“Vụ trưởng trở lên mới được làm Đại sứ thì có đủ cán bộ để bổ nhiệm?”
VOV.VN - Đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, cần có đặc thù của ngành ngoại giao chứ không phải cứ từ Vụ trưởng mới được làm Đại sứ.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài bổ sung quy định cụ thể về tiêu chuẩn bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền. Quy định này tạo cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định trong quá trình bổ nhiệm nhằm lựa chọn cán bộ xứng đáng và có thể đóng góp hiệu quả cho công tác đối ngoại.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên phát biểu trên Hội trường, sáng 3/11
Thảo luận tại Hội trường về dự thảo luật, sáng nay (3/11), về ý kiến cho rằng người được bổ nhiệm làm Đại sứ phải từ tầm Vụ trưởng, Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (đoàn Sóc Trăng) băn khoăn: “Cứ Đại sứ phải tầm Vụ trưởng thì không biết Bộ Ngoại giao có đủ Vụ trưởng để bổ nhiệm? Cần có đặc thù của ngành ngoại giao chứ không phải cứ Vụ trưởng mới được làm Đại sứ”.
Đồng quan điểm, đại biểu Đôn Tuấn Phong (đoàn An Giang) cho rằng, tiêu chuẩn như đề xuất của Chính phủ là phù hợp. Nếu quy định cứng là Vụ trưởng trở lên thì không phù hợp thực tế. Vị đại biểu này nhấn mạnh, cần tạo không gian lựa chọn cán bộ bổ nhiệm Đại sứ và thực tế công tác lựa chọn từ trước đến nay rất kỹ. Người được bổ nhiệm cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi nhận nhiệm vụ.
Không để trường hợp đặc biệt thành phổ biến
Dự thảo Luật quy định Đại sứ phải trong độ tuổi đủ để hoàn thành ít nhất một nhiệm kỳ công tác (36 tháng), trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ.
Đại biểu Đôn Tuấn Phong bày tỏ đồng tình với dự thảo, đồng thời cho rằng không nên quy định quá cứng và nên cân nhắc vì những người có tuổi không đủ một nhiệm kỳ nhưng có uy tín ở nước sở tại, có kiến thức, kinh nghiệm vẫn có thể được trao nhiệm vụ. Tuy nhiên, đại biểu cũng nhấn mạnh cần quy định chặt chẽ để tránh trường hợp đặc biệt lại thành phổ biến.
Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội – cơ quan thẩm tra dự án luật cũng tán thành hướng quy định như dự thảo nhưng trên nguyên tắc phải được luật hóa cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn nhằm tránh áp dụng đại trà và phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan có thẩm quyền.
Ngoài ra, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cũng đề nghị Bộ Ngoại giao tiếp tục mở rộng đối tượng bổ nhiệm Đại sứ, các thành viên cơ quan đại diện. Thực tế thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các ngành liên quan đề xuất bổ nhiệm Đại sứ đối với một số trường hợp đủ tiêu chuẩn và điều kiện làm việc ở các cơ quan đại diện từ các cơ quan của Quốc hội, Ban Đối ngoại Trung ương...
Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu sáng 3/11 |
Phát biểu giải trình làm rõ một số vấn đề tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, nhìn chung các ý kiến đại biểu Quốc hội mong muốn có đội ngũ Đại sứ có tầm và năng lực đại điện cho dất nước. Đây cũng là điều mà Chính phủ và cơ quan soạn thảo rất quan tâm khi bổ sung dự thảo luật quy định về tiêu chuẩn đối với Đại sứ.
Ông Phạm Bình Minh cũng cho biết, quy trình đề cử Đại sứ hết sức chặt chẽ, công phu và qua nhiều cấp. Nhân sự phải được Ban cán sự Đảng Chính phủ trình Ban tổ chức Trung ương, rồi trình Ban Bí thư trước khi UBTVQH phê chuẩn bổ nhiệm/miễn nhiệm và Chủ tịch nước quyết định bổ nhiệm/miễn nhiệm.
Về ý kiến mở rộng đối tượng bổ nhiệm Đại sứ, Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nói: “Từ trước đến nay, việc lựa chọn, bổ nhiệm Đại sứ dựa trên tiêu chuẩn và đối tượng không chỉ ở Bộ Ngoại giao mà còn ở các bộ ngành tiến cử và theo quy trình chặt chẽ”./.