"Quy hoạch cần chú ý tới hành lang phát triển, vùng động lực, cực tăng trưởng"

VOV.VN - Thủ tướng nhấn mạnh phải coi trọng tính khả thi của quy hoạch; cần xem xét các hành lang phát triển, vùng động lực, cực tăng trưởng.

Sáng 14/9, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thẩm định quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đây là lần đầu tiên, Việt Nam thực hiện quy hoạch cấp quốc gia nhằm đánh giá lại hiện trạng một cách thực chất, tổng thể, qua đó đề xuất định hướng bố trí, sắp xếp lại không gian phát triển của đất nước, mở ra không gian phát triển mới, cơ hội phát triển mới, động lực phát triển mới để đạt mục tiêu, khát vọng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ trưởng các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây Dựng, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; lãnh đạo các ban bộ ngành trung ương và các nhà chuyên gia. 

Tại hội nghị, đa số các đại biểu đồng tình với mục tiêu quy hoạch tổng thế quốc gia tuy nhiên các đại biểu cũng yêu cầu cần làm rõ quy hoạch về nguồn nhân lực, nguồn tài lực, các vấn đề về môi trường. Ông Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng cần phải tính đến việc bố trí kinh tế quốc gia và nên tách các vùng lớn thành các tiểu vùng.

"Chúng ta cần phải tính đến việc bố trí kinh tế quốc gia như nào, bản chất của nền kinh tế có biên giới nhiều có nghĩa là không thể không mở cửa được và mở cửa là một sức mạnh. Cho nên bố trí kinh tế như thế nào để tận dụng được không gian mở cửa một cửa này là cái điều mà chúng ta phải thường xuyên lưu ý.  Tôi nói chúng ta mở cửa tốt nhưng mà tận dụng lợi thế mở cửa cho đến giờ chưa thật sự tốt. Bởi vì chúng ta chưa tạo ra được những năng lực cần thiết để biến những thời cơ, những lợi thế mà mở cửa mang lại. Cho nên là điểm đấy là điểm mà tôi cho rằng rất quan trọng trong quy hoạch", ông Trần Đình Thiên nêu quan điểm.

Ông Cao Viết Sinh - nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: "Tôi nghĩ rằng chúng ta chấp nhận là quy hoạch theo 6 vùng kinh tế xã hội như thế này. Tuy nhiên, chúng tôi ủng hộ nên tách các vùng lớn như vùng trung du miền núi phía Bắc có hai tiểu vùng Tây Bắc và Đông Bắc hoặc là vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung chia ra hai tiểu vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung là phù hợp. Nam Trung bộ sẽ gắn chặt chẽ với Tây Nguyên thì nó sẽ thuận là cửa ngõ của Tây Nguyên ra với biển thì tôi cho rằng như vậy là hoàn toàn đúng".

Bên cạnh đó, lãnh đạo các bộ ngành cũng đã cho ý kiến, đề xuất các vấn đề liên quan đến lĩnh vực tài nguyên môi trường, phát triển vùng đồng bào dân tộc miền núi, giáo dục, khoa học công nghệ, tài chính… đặc biệt về lĩnh vực văn hóa, Bộ trưởng ộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nêu ý kiến: “Tôi đề nghị là mong muốn được có đánh giá sâu về lĩnh vực văn hóa này, đặc biệt là đánh giá về tài nguyên văn hóa của Việt Nam để nhận được sự khác biệt, thấy được cái tín đồ sộ phong phú đa dạng bản sắc, để chúng ta tập trung vào khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên văn hóa này, trong lúc các nguồn tài nguyên khác chúng ta dần dần sẽ cạn đi và cũng bắt đầu trên cơ sở này để định hướng về phát triển công nghiệp văn hóa”.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị nghiên cứu, đánh giá tác động của xu hướng di dân ngày càng cao đến các vùng đô thị lớn, đồng thời làm rõ vai trò, mối quan hệ cũng như phạm vi ranh giới giữa các vùng đô thị lớn đối với các vùng kinh tế trọng điểm như vùng kinh tế động lực đã được đề xuất tại bản quy hoạch tổng thể quốc gia và giữa các hệ thống các đô thị trọng điểm, các cực tăng trưởng gắn với không gian của các hành lang kinh tế như 8 hành lang kinh tế Đông Tây và hành lang kinh tế Bắc Nam, và đề nghị bổ sung nội dung phương hướng phát triển đối với hệ thống đô thị ven biển và hải đảo, đồng thời bổ sung một định hướng quy hoạch phát triển về quản lý đối với các mô hình đô thị mới như là đô thị xanh, đô thị thông minh đô thị, phát triển bền vững, đô thị ứng phó biến đổi khí hậu".

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, công tác quy hoạch có ý nghĩa rất quan trọng. Theo Thủ tướng, quy hoạch phải tuân thủ các quy định của pháp luật, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng; điều quan trọng hơn là công tác thẩm định; đánh giá chất lượng quy hoạch như thế nào, có bảo đảm không, đúng, phù hợp đất nước không?

Thủ tướng nhấn mạnh: “Quy hoạch là phải có tư duy đổi mới có tầm nhìn chiến lược mà động lực thì bắt nguồn từ sự đổi mới mà sức mạnh bắt nguồn từ lòng dân sức mạnh, từ nhân dân. Tư duy đổi mới này nó đã tạo ra một là nguồn lực, hai là tạo ra động lực, tầm nhìn chiến lược là làm sao quy hoạch chỉ ra được những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội lợi thế cạnh tranh, để rồi chúng ta có giải pháp bám sát vào đấy để mà phát huy nội lực của mình bởi, nội lực là cơ bản là chiến lược lâu dài là quyết định, là quan trọng, còn nguồn lực bên ngoài là nguồn lực quan trọng và đột phá. Vậy huy động nguồn lực thế nào để cho thực hiện được quy hoạch của chúng ta, rồi tính khả thi của quy hoạch, đây cũng là một việc khó, nhưng mà ta có nguyên tắc lại càng khó càng phức tạp, nhạy cảm thì lại càng phải phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể và quyết định theo đa số”.

Cùng với đó Thủ tướng chỉ rõ, phải coi trọng tính khả thi của quy hoạch; cần xem xét các hành lang phát triển, vùng động lực, cực tăng trưởng.

Về xác định không gian phát triển theo vùng lãnh thổ, Thủ tướng cho rằng đây là nhiệm vụ đã được nghiên cứu, triển khai từ lâu, việc xây dựng Quy hoạch cần có kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển về nội dung này.

Thủ tướng gợi ý quy hoạch cần xác định các ngành mũi nhọn sát tình hình thực tiễn, điều kiện và hoàn cảnh đất nước, gồm nông nghiệp; các ngành công nghiệp nền tảng như công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp vật liệu, công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; các ngành dịch vụ như logistics, dịch vụ tiêu dùng, ngân hàng, tài chính, thương mại điện tử, công nghiệp văn hóa…

Việc xây dựng Quy hoạch cần quán triệt và cụ thể hóa phát triển nhanh nhưng bền vững, phát triển hài hòa kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường, đặt văn hóa ngang tầm kinh tế, chính trị, xã hội, xác định văn hóa lịch sử truyền thống là một nguồn lực, "văn hóa còn thì dân tộc còn"; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Thủ tướng cũng đặt vấn đề mở rộng không gian phát triển gồm không gian ngầm, không gian biển và bầu trời; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế ban đêm; phát triển không gian văn hóa gắn với du lịch.

Thủ tướng lưu ý nhiệm vụ chuyển đổi cơ cấu kinh tế; xác định thứ tự ưu tiên để bố trí, ưu tiên nguồn lực phù hợp; bảo đảm môi trường sinh thái, xử lý các vấn đề môi trường; vấn đề di dân để quy hoạch không gian gắn với phát triển dân số hài hòa, hợp lý.

Lưu ý thêm việc đánh giá tác động của việc thực hiện quy hoạch, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến tại hội nghị, tiếp tục hoàn thiện các hồ sơ, văn bản liên quan, triển khai các thủ tục theo quy định để xin ý kiến Bộ Chính trị, trình Chính phủ trước khi trình Quốc hội thông qua.

Sau khi Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tiếp thu ý kiến của các đại biểu, kết thúc Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã công bố kết quả kiểm phiếu của hội đồng thẩm định, theo đó với 44 thành viên hội đồng đã nhất trí thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với 100% số phiếu tán thành. Trong đó 37 % đồng ý thông qua nhưng yêu cầu tiếp thu chỉnh sửa hoàn thiện quy hoạch trước khi trình Chính phủ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên