Quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của Tướng Giáp
VOV.VN - Trước giờ nổ súng ở lòng chảo Điện Biên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phải quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ đánh nhanh, giải quyết nhanh sang đánh chắc, tiến chắc. Đây cũng là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của ông.
Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 là một trong những chiến công vĩ đại trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng này cũng ghi đậm dấu ấn và công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ đánh nhanh, giải quyết nhanh sang đánh chắc, tiến chắc.
Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911-25/8/2021), phóng viên Chương trình phát thanh QĐND phỏng vấn Thiếu tướng Đào Tuấn Anh, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng về quyết định khó khăn này.
PV: Thưa Thiếu tướng, để quyết chiến với thực dân Pháp tại lòng chảo Điện Biên thì Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã hạ quyết tâm sẽ giải quyết xong trong 3 đêm 2 ngày. Vậy, vì sao mà trước giờ nổ súng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ đánh nhanh, giải quyết nhanh sang đánh chắc, tiến chắc?
Thiếu tướng Đào Tuấn Anh: Lúc đầu, ta chủ trương đánh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trong thời gian 3 đêm 2 ngày, để bảo đảm đánh chắc thắng thì Đại tướng đã chuyển sang phương châm đánh chắc, tiến chắc bởi vì địch đã bố trí lực lượng lớn, ban đầu là 12 tiểu đoàn và 7 đại đội độc lập, sau đó tăng thêm 2 tiểu đoàn và 4 đại đội dù cùng rất là nhiều phương tiện, pháo binh. Chúng tổ chức phòng ngự theo tập đoàn cứ điểm vững chắc, hình thành 3 phân khu với 49 cứ điểm, có cả pháo binh, không quân chi viện.
Về ta, kinh nghiệm đánh tập đoàn cứ điểm chưa nhiều và cũng chưa có kinh nghiệm đánh hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, liên tục, dài ngày. Như vậy là nếu đánh nhanh, thắng nhanh trong điều kiện như vậy sẽ không bảo đảm chắc thắng, điều đó không đúng với phương châm chỉ đạo là đánh chắc, chắc thắng.
PV: Về mặt nghệ thuật tác chiến thì với phương châm đánh chắc, tiến chắc chúng ta sẽ có nhiều ưu thế hơn đối phương?
Thiếu tướng Đào Tuấn Anh: Về mặt nghệ thuật chiến dịch, đánh chắc, tiến chắc có lợi hơn là cho phép ta ưu thế binh hỏa lực cho từng trận đánh, bảo đảm chắc thắng cho từng trận, mà trong điều kiện so sánh chung trong toàn chiến dịch thì ta không có ưu thế đó. Thứ hai là phù hợp với trình độ tác chiến và cách đánh của ta lúc đó, lúc đó ta chỉ mới có kinh nghiệm đánh các tiểu đoàn độc lập thôi. Thứ ba là ta cũng có thêm điều kiện để nghiên cứu nắm chắc địch ở từng mục tiêu tiến công, giành và giữ quyền chủ động, bảo đảm đánh chắc, chắc thắng mới đánh.
PV: Chuyển từ phương châm đánh nhanh giải quyết nhanh sang đánh chắc, tiến chắc có nghĩa là mọi công tác chuẩn bị chúng ta sẽ phải làm lại từ đầu, phải chăng cũng chính vì thế mà trong hồi ký Đại tướng có viết, đây là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của mình?
Thiếu tướng Đào Tuấn Anh: Phương châm đánh chắc, tiến chắc đặt ra cho chúng ta quyết tâm rất lớn. Bởi vì, đánh chắc, tiến chắc thì công tác chuẩn bị phải kéo dài, mà thời gian chiến dịch càng kéo dài thì nhiều khó khăn mới phát sinh. Trong khi đó, chúng ta đã chuẩn bị phương án đánh nhanh, giải quyết nhanh rồi nên công tác chuẩn bị phải làm lại từ đầu. Trong khi đó địch lại có thời gian để củng cố công sự trận địa, tăng thêm lực lượng. Do vậy, ngay từ ngày đầu không phải mọi người đều thông suốt với phương án đánh chắc, tiến chắc mà Đại tướng đưa ra.
Hơn nữa, trước khi ra chiến dịch, Bác Hồ có dặn Đại tướng, trận này rất quan trọng phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng thì không đánh.
Cũng theo Đại tướng, Người nói là chiến trường ta hẹp, người của ta không nhiều nên ta chỉ được thắng, không được bại. Vì vậy, trong hồi ký của mình Đại tướng có viết, đây là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời của ông.
PV: Trước khi ra chiến trường, Bác Hồ có dặn Đại tướng là tướng quân tại ngoại, toàn quyền do Đại tướng quyết định. Từ quyết định mang tính bước ngoặt và dám chịu trách nhiệm trước tập thể của Đại tướng như vậy, điều này để lại bài học gì trong lãnh đạo, chỉ huy bộ đội hiện nay?
Thiếu tướng Đào Tuấn Anh: Lời Bác Hồ dặn Đại tướng trước khi ra trận, tôi thấy bài học sâu sắc nhất là tôn trọng thực tế, nắm vững quan điểm thực tiễn, không chủ quan duy ý chí, và phải luôn bám sát sự phát triển của thực tiễn. Khi thấy tình hình thay đổi nhưng mục tiêu tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ thì Đại tướng đã kiến quyết thay đổi phương châm, cách đánh, dù cách đánh ấy đã thành nghị quyết, đang triển khai.
Bài học để lại hiện nay trong chỉ huy bộ đội là phải bám sát tình hình thực tiễn, nhận định đánh giá những thuận lợi khó khăn và giữ vững nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, phát huy trí tuệ tập thể gắn liền với tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thực hiện chủ trương một, biện pháp mười để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
PV: Học tập theo quyết định của Đại tướng, mỗi cán bộ, chỉ huy trong Quân đội cần phải nêu cao nguyên tắc tập thể lãnh đạo và đặc biệt là phải dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước đơn vị?
Thiếu tướng Đào Tuấn Anh: Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách là sự cụ thể hóa nguyên tắc tập trung dân chủ, khi tổ chức Đảng đã có nghị quyết thì mọi đảng viên đều phải phục tùng nghị quyết, có ý kiến khác thì có quyền bảo lưu nhưng vẫn phải chấp hành nghị quyết của Đảng. Cho dù người chỉ huy là người ra quyết định cao nhất trong đơn vị mình nhưng phải luôn nêu cao nguyên tắc lãnh đạo tập thể. Mọi quyết định của người chỉ huy đều phải trong phạm vi nghị quyết mà tổ chức đảng cùng cấp đề ra.
Mặt khác, tổ chức đảng phân công cá nhân phụ trách và từng cá nhân phải chịu trách nhiệm từng mặt công tác được phân công. Tuy nhiên trong từng hoạt động cụ thể, đặc biệt là trong chiến đấu, trước những tình huống phức tạp, đòi hỏi phải giải quyết nhanh chóng mà không có điều kiện họp cấp ủy thì người chỉ huy có toàn quyền quyết định với đơn vị, nhưng phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy và người chỉ huy cấp trên và cấp ủy cùng cấp về quyết định của mình.
Vì vậy người chỉ huy phải là người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong từng tình huống cụ thể để giành thắng lợi. Có thể nói, trên cương vị là chỉ huy trưởng và Bí thư Đảng ủy Mặt trận trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không những chấp hành đúng nguyên tắc các tổ chức lãnh đạo của Đảng mà còn vận dụng rất sáng tạo, linh hoạt nguyên tắc đó vào tình huống cụ thể trong chiến đấu. Đây là kinh nghiệm rất quý đối với người chỉ huy các cấp trong Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay.
PV: Xin cảm ơn Thiếu tướng./.