Sáp nhập còn bao nhiêu tỉnh thành là vừa?

VOV.VN - Nhiều đại biểu Quốc hội nêu quan điểm về số lượng tỉnh, thành sau sáp nhập để đảm bảo cho sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Tại Kết luận số 126 ban hành ngày 14/2, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao Đảng ủy Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Quốc hội, các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan nghiên cứu định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Các cơ quan cũng cần nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện).

Liên kết vùng còn rất hạn chế

Trả lời phóng viên Báo điện tử VTC News, ông Vũ Trọng Kim, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa XV nhận định, thời điểm này đã chín muồi để nghiên cứu sáp nhập tỉnh thành.

"Nếu bây giờ không làm thì sau này sẽ rất khó làm. Bởi hiện nay công nghệ thông tin đã phát triển rất mạnh, các điều kiện về hạ tầng, đường sá đã rất tốt. Thêm vào đó, vấn đề biên chế, chi ngân sách cho bộ máy của chúng ta quá lớn", ông Kim nói, đồng thời nhấn mạnh trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang được thực hiện, cần nghiên cứu và thực hiện quyết liệt việc này.

Theo ông Kim, trước đây, một số nơi thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính dựa trên nhiều tiêu chí về quy mô dân số, diện tích, tuy nhiên, giờ không nên dựa vào 2 yếu tố này.

"Phải nghiên cứu yếu tố để tạo ra động lực cho sự phát triển. Cần xây dựng lại hệ thống tiêu chí, nếu chỉ tính theo diện tích, dân số thì sẽ diễn ra tình trạng cào bằng", ông Kim nói.

Vị đại biểu Quốc hội này cũng đề xuất nên chia thành 7 vùng và giữ lại một số thành phố lớn, thành phố đặc biệt trực thuộc Trung ương. Như vậy chỉ cần hơn 10 tỉnh thành và vùng trọng điểm.

Đại biểu Kim dẫn ví dụ Nam Định - Thái Bình cùng có biển, đồng bằng trồng lúa thì nên sáp nhập với nhau. Khi thực hiện theo phương án này, quan trọng nhất là bài toán liên kết vùng.

"Chính quyền phải phát huy lợi thế, đặc điểm của vùng. Ví dụ vùng định hướng phát triển nông nghiệp thì các yếu tố thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai, nguồn vốn… cần nghiên cứu thế nào để phát huy lợi thế", nguyên Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nói.

Theo ông Kim, Việt Nam hiện có 7 vùng kinh tế - xã hội (Trung du và miền núi phía Bắc; Đồng bằng sông Hồng; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long) nhưng tính liên kết giữa các vùng chưa hiệu quả.

Đơn cử như vùng Đông Nam Bộ, cầu Cát Lái nối kết TP.HCM và Đồng Nai được đưa ra từ nhiều năm nhưng đến nay chưa làm được. Mặc dù tỉnh Đồng Nai rất muốn thực hiện, trong khi sân bay Long Thành đang làm rồi.

Nên giảm một nửa số tỉnh thành

Đánh giá chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính phù hợp trong bối cảnh hiện nay, ĐBQH Phạm Văn Hòa cho biết, ông đã có ý kiến về vấn đề này cách đây 5 - 6 năm.

"Tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, lần đầu tiên, tôi đã suy nghĩ vấn đề hợp nhất đối với các địa phương dân số ít, diện tích nhỏ. Có tỉnh hiện chỉ hơn 300.000 người là quá ít so với các tỉnh thành có hàng triệu dân", ông Hòa nói.

Vừa qua, các cơ quan Trung ương thực hiện sáp nhập các bộ, ban, ngành nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, ông Hòa cho rằng đây là tiền đề quan trọng đến hướng tới việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Vị đại biểu này nhìn nhận với dân số hơn 100 triệu người nhưng có đến 63 tỉnh, thành phố là quá nhiều.

"Ngay nước láng giềng Trung Quốc, với dân số hơn 1,4 tỷ người nhưng cũng chỉ có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh (gồm 23 tỉnh, 5 khu tự trị, 4 thành phố trực thuộc Trung ương và 2 đặc khu hành chính). Trong khi Việt Nam chúng ta nhiều lần tách nhập để phát triển, nhưng vẫn chưa triệt để", ông Hòa dẫn thực tế.

Góp ý về phương án sáp nhập tỉnh thành, ông Phạm Văn Hòa nhấn mạnh, phải nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí cụ thể để thực hiện.

Bên cạnh quy mô dân số, diện tích tự nhiên, cần tính đến những tiêu chí về văn hóa, lịch sử, an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền, vị trí địa chính trị, văn hóa của cộng đồng dân cư… nhằm đảm bảo sự ổn định để phát triển kinh tế - xã hội trong thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Theo vị ĐBQH đoàn Đồng Tháp, việc quyết định cụ thể sẽ phải dựa trên nghiên cứu, đánh giá đầy đủ các yếu tố, tiêu chí và do cơ quan có thẩm quyền quyết định.

"Có thể đưa số đơn vị cấp tỉnh về mốc 40 hoặc dưới 40 là phù hợp. Bởi hiện nay hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là đường sá, đã phát triển mạnh, hệ thống thông tin liên lạc cũng đầy đủ, thông suốt, đảm bảo cho việc quản lý địa bàn rộng, dân số đông", ông Phạm Văn Hòa nêu quan điểm.

Trước các ý kiến nhập lại các tỉnh trước kia đã tách ra, ông Hòa cho rằng, việc sáp nhập cần theo tình hình thực tiễn, quy mô kinh tế - xã hội, quy hoạch vùng.

"Tôi đề xuất nghiên cứu theo vùng kinh tế như tỉnh công nghiệp, tỉnh nông nghiệp, tỉnh phát triển kinh tế biển, thành phố dịch vụ… Nên phân theo từng vùng, từng lĩnh vực, ngành nghề để thuận lợi cho đầu tư. Trung Quốc rất rõ ràng tỉnh nào là du lịch, tỉnh nào là phát triển kinh tế công nghiệp, dịch vụ…", ông Hòa nói.

Cùng quan điểm về việc giảm số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cho rằng từ 63 tỉnh thành nên giảm xuống một nửa là phù hợp.

Theo ông Tiến, trước đây chúng ta từng nhập rồi tách một số tỉnh Hà Bắc (Bắc Ninh - Bắc Giang), Hải Hưng (Hải Dương – Hưng Yên), Nghệ Tĩnh (Nghệ An - Hà Tĩnh)… để công tác quản lý thuận lợi hơn.

Sau thời gian dài, chúng ta thấy một đất nước không phải rộng với dân số không quá nhiều nhưng phân bổ không đồng đều thì nên sáp nhập để cộng hưởng nguồn lực là hợp lý.

"Chúng ta không phê phán trước kia tách là sai, bây giờ nhập là đúng, trong mỗi giai đoạn lịch sử thì phải quyết định cho phù hợp", ông Lê Như Tiến nói.

Đồng tình với các ý kiến trên, ĐBQH Hồ Thị Minh cho rằng những năm 1975 -1976 nước ta chỉ khoảng hơn 30 đơn vị hành chính cấp tỉnh nhưng vẫn hoạt động tốt.

"Hiện nay, khi đất nước đã phát triển cả về cơ sở hạ tầng lẫn công nghệ, số hóa… thì không có lý gì chúng ta lại duy trì con số trên 30 tỉnh, thành phố", bà Minh bày tỏ.

Đại biểu Hồ Thị Minh nói thêm: "Hiện nay, nước ta có 43 cán bộ/vạn dân. Trong khi các nước trong khu vực chỉ có 13-15 cán bộ/vạn dân. Sáp nhập phải tính toán tinh gọn cán bộ trước khi tính tới tinh gọn đơn vị hành chính. Nếu không tinh gọn được con người thì việc sáp nhập chỉ mang tính chất cơ học".

Giảm số lượng Ủy viên Trung ương sau sáp nhập

Đề cập đến vấn đề công tác nhân sự khi thực hiện sáp nhập, đặc biệt là cơ cấu Ủy viên Trung ương Đảng khi số lượng tỉnh thành giảm đi, ông Vũ Trọng Kim nhấn mạnh, quan điểm tùy vào phân công, bố trí lãnh đạo theo địa bàn, ngành nghề, lĩnh vực.

"Ví dụ như địa giới hành chính lớn như thế thì 1 tỉnh thành hay 1 vùng có thể có 2 - 3 Ủy viên Trung ương", ông Kim nêu.

Với cơ cấu số lượng 180 Ủy viên Trung ương chính thức và 20 Ủy viên dự khuyết như hiện nay, theo ông Vũ Trọng Kim, khi sáp nhập tỉnh thành đương nhiên phải giảm.

"Cùng với việc giảm, phải chú ý cơ cấu Ủy viên Trung ương cho các ngành nghề, lĩnh vực. Ví dụ Ủy viên Trung ương phụ trách ngành chè, Ủy viên Trung ương phụ trách ngành bô xít… được trực tiếp thảo luận tại Trung ương và làm luôn chứ không phải báo cáo qua lại như hiện nay", ông Kim kiến nghị.

Ông Vũ Trọng Kim cũng nêu thực tế, cơ cấu Ủy viên Trung ương trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ hiện nay không nhiều, cần tăng thêm. Hay các lĩnh vực văn học, nghệ thuật cũng cần được xem xét lại.

Chia sẻ thêm, ông Kim nhận định, độ tuổi của Ủy viên Trung ương cũng cần xem xét lại. Độ tuổi vào Trung ương và bổ nhiệm lãnh đạo hiện nay hơi cao, cần thêm người trẻ.

"Làm sao để trước 30 tuổi có thể tham gia lãnh đạo các cấp. Thời đại khoa học công nghệ, giới trẻ làm chủ công nghệ rất tốt", nguyên Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim nói thêm.

Cùng quan điểm này, đại biểu Hồ Thị Minh cho rằng việc giảm số lượng các tỉnh thành sau sáp nhập trước thềm Đại hội XIV của Đảng giúp giảm cả số lượng các Ủy viên Trung ương Đảng.

"Nếu việc sáp nhập làm trước Đại hội XIV cũng giúp cán bộ khỏi tâm tư. Không còn phải “đau đầu” chọn ai, bỏ ai, ai xứng, ai không…", bà Hồ Thị Minh nêu.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hải Phòng hoàn thiện sắp xếp tổ chức bộ máy sau sáp nhập
Hải Phòng hoàn thiện sắp xếp tổ chức bộ máy sau sáp nhập

VOV.VN - Chiều nay (21/2), Thành uỷ Hải Phòng tổ chức Hội nghị công bố quyết định về sắp xếp tổ chức bộ máy và công tác cán bộ của hệ thống chính trị thành phố.

Hải Phòng hoàn thiện sắp xếp tổ chức bộ máy sau sáp nhập

Hải Phòng hoàn thiện sắp xếp tổ chức bộ máy sau sáp nhập

VOV.VN - Chiều nay (21/2), Thành uỷ Hải Phòng tổ chức Hội nghị công bố quyết định về sắp xếp tổ chức bộ máy và công tác cán bộ của hệ thống chính trị thành phố.

Bỏ cấp huyện, sáp nhập cấp tỉnh: Mô hình tiến bộ được nhiều nước áp dụng
Bỏ cấp huyện, sáp nhập cấp tỉnh: Mô hình tiến bộ được nhiều nước áp dụng

VOV.VN - Theo ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nếu sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh sẽ phát huy được các lợi thế, tạo ra không gian rộng hơn để phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời, tạo ra môi trường rộng lớn hơn để thu hút tiềm năng, nguồn lực cho phát triển.

Bỏ cấp huyện, sáp nhập cấp tỉnh: Mô hình tiến bộ được nhiều nước áp dụng

Bỏ cấp huyện, sáp nhập cấp tỉnh: Mô hình tiến bộ được nhiều nước áp dụng

VOV.VN - Theo ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nếu sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh sẽ phát huy được các lợi thế, tạo ra không gian rộng hơn để phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời, tạo ra môi trường rộng lớn hơn để thu hút tiềm năng, nguồn lực cho phát triển.

Khối Quốc hội giảm mạnh đầu mối sau sắp xếp tinh gọn bộ máy
Khối Quốc hội giảm mạnh đầu mối sau sắp xếp tinh gọn bộ máy

VOV.VN - Trước khi sắp xếp, khối Quốc hội có 14 cơ quan, sau khi sắp xếp còn 9 cơ quan, giảm 5 cơ quan, đạt tỷ lệ giảm 37,5%. Về phía các vụ, đơn vị trực thuộc Văn phòng Quốc hội, sau sắp xếp giảm trên 51% đầu mối.

Khối Quốc hội giảm mạnh đầu mối sau sắp xếp tinh gọn bộ máy

Khối Quốc hội giảm mạnh đầu mối sau sắp xếp tinh gọn bộ máy

VOV.VN - Trước khi sắp xếp, khối Quốc hội có 14 cơ quan, sau khi sắp xếp còn 9 cơ quan, giảm 5 cơ quan, đạt tỷ lệ giảm 37,5%. Về phía các vụ, đơn vị trực thuộc Văn phòng Quốc hội, sau sắp xếp giảm trên 51% đầu mối.