Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã không phải là phép cộng cơ học
VOV.VN - Hiệu quả thực chất của việc sắp xếp không thể là phép cộng cơ học của những con số cắt giảm được bao nhiêu đơn vị, bao nhiêu cán bộ mà cần được đánh giá thực chất từ hiệu quả của bộ máy chính quyền và chất lượng thụ hưởng của người dân.
Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã tinh gọn, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, là xu thế tất yếu, không thể chậm trễ và không thể đảo ngược được. Tuy vậy, đây là vấn đề khó, nhạy cảm, đụng chạm đến nhiều đối tượng nên nếu không tính toán kỹ lưỡng và có những giải pháp đồng bộ sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của cán bộ, người dân, dễ tạo bức xúc trong dư luận.
Sắp xếp đơn vị hành chính các cấp đã kết thúc giai đoạn 2019-2021 với việc giảm 8 huyện và 561 xã, 3.437 cơ quan, tổ chức ở cấp xã và 429 cơ quan, tổ chức ở cấp huyện. Ở những nơi được sắp xếp, bộ máy tinh gọn hơn, biên chế cũng được tinh giản, đời sống người dân ổn định. Ngân sách Nhà nước giảm chi trên 2.000 tỷ đồng từ việc sắp xếp này.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện xã nói riêng, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế nói chung không chỉ giúp tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước, mà còn tác động rất rõ để tạo ra một nguồn lực tài chính, thực hiện cải cách chính sách tiền lương.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, sắp xếp bộ máy, giảm đơn vị hành chính cấp huyện, xã, giảm tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp, chúng ta cơ cấu lại, tinh giản biên chế, giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước tác động rất lớn, tạo ra nguồn lực cải cách tiền lương. Tới đây nữa, tiếp tục thực hiện việc này để có thêm nguồn lực, cơ cấu lại đội ngũ gọn hơn, đầu mối của các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp cũng như cấp huyện, cấp xã tinh gọn hơn.
Mặc dù đã giảm bớt số lượng đơn vị hành chính, giúp tiết kiệm ngân sách, mở rộng nguồn lực về đất đai, nhân lực..., nhưng việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc. Một loạt vấn đề đã được đặt ra sau sáp nhập như sắp xếp cán bộ dôi dư; xử lý tài sản công; các huyện, xã sau sáp nhập ở địa bàn quá rộng, giao thông đi lại khó khăn....
Từ thực tế này, Kết luận số 48 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 37 năm 2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, khuyến khích các địa phương chủ động đề xuất sắp xếp đơn vị hành chính tinh gọn, phù hợp với thực tiễn địa phương (kể cả các đơn vị hành chính đã bảo đảm tiêu chuẩn). Theo đó, sẽ thực hiện 2 giai đoạn, 2023-2025 và 2026-2030. Giai đoạn 1 được đề xuất hoàn thành trong năm 2024, để đầu năm 2025 các địa phương triển khai Đại hội Đảng bộ các cấp.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp Hội khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là vấn đề lớn, tác động đến nhiều chủ thể. Đó không chỉ là vấn đề về tổ chức bộ máy mà còn liên quan đến an ninh trật tự, đời sống và quyền lợi, nghĩa vụ của người dân. Vì thế, quá trình thực hiện cần được tính toán bài bản, khoa học, khách quan, công khai, đặc biệt là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Để thực hiện mục tiêu đặt ra trong Kết luận 48 của Bộ Chính trị cũng như Đề án của Bộ Nội vụ đã trình và đã được phê duyệt, ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh 3 vấn đề. Thứ nhất, dù là cơ quan Trung ương hay các cơ quan địa phương đều phải có tính quyết tâm. Bởi vì cán bộ công chức đã thống nhất thông suốt rồi thì mới có thể thực hiện được tốt. Thứ hai là phải đảm bảo cùng đồng hành với nhau, từ Quốc hội, Chính phủ, Bộ nội vụ và các địa phương cùng đồng hành ngay từ đầu. Thứ ba là ứng dụng công nghệ thông tin cũng như chuyển đổi số vào việc sáp nhập lần này.
Sắp xếp đơn vị hành chính tác động rất nhiều mặt, cả về tâm tư, tình cảm của đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân trên địa bàn; tác động nhiều chiều, cả kinh tế, văn hoá, xã hội, chính trị, an ninh quốc phòng. Vì vậy, hiệu quả thực chất của việc sắp xếp không thể là phép cộng cơ học của những con số cắt giảm được bao nhiêu đơn vị, bao nhiêu cán bộ mà cần được đánh giá thực chất từ hiệu quả của bộ máy chính quyền và chất lượng thụ hưởng của người dân cũng như sự phát triển kinh tế, xã hội ở những địa bàn này. Đó cũng là cơ sở vững chắc để việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp ở giai đoạn tiếp theo đạt được thành công.