Sự áp đặt sai trái và thiếu thiện chí

“Đến hẹn lại lên”, bản báo cáo Nhân quyền năm 2008 của Bộ Ngoại giao Mỹ năm nay lại tiếp tục đưa ra những nhận xét sai trái, thiếu khách quan đối với nhiều nước, trong đó có Việt Nam.  

Từ nhiều năm nay, cứ vào dịp đầu năm, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thường đưa ra bản báo cáo về nhân quyền, nhằm thực hiện điều mà Mỹ tự cho là để bảo vệ nhân quyền cho các quốc gia và dân tộc trên thế giới. Năm nay cũng vậy, khi công bố báo cáo về vấn đề này ngày 25/2, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho rằng: “Hoa Kỳ không những ra sức theo đuổi lý tưỏng nhân quyền trên đất Mỹ mà còn xúc tiến sự tôn trọng nhân quyền nhiều hơn khi tiếp cận với các quốc gia và dân tộc khác trên khắp thế giới”.

Thế nhưng, dư luận nhiều nước đã bác bỏ và phản đối báo cáo này, bởi những đánh giá không đúng về tình trạng nhân quyền của nước mình cho thấy Mỹ đã và đang hành động không như họ nói. Những phán xét sai trái của các tác giả báo cáo này về tình trạng nhân quyền Việt Nam càng khẳng định thực tế đó.

Khi cho rằng, năm 2008, chính quyền Việt Nam tiếp tục đàn áp báo chí, tôn giáo, bắt giữ cái gọi là “những tù nhân chính trị” như nêu trong báo cáo, chính là đã trà đạp lên những quyền cơ bản nhất của con ngưòi. Ở Việt Nam không có cái gọi là tù nhân chính trị, hay tù nhân lương tâm. Và cũng không có đàn áp tôn giáo, báo chí. Mà chỉ có việc thực thi pháp luật.

Thực tế, những phần tử mà các nhà soạn thảo báo cáo đang ra sức bảo vệ, thời gian qua đã có nhiều hành động chống phá Nhà nước, lật đổ chế độ Xã hội chủ nghĩa – thành quả mà nhiều thế hệ ngưòi Việt Nam yêu nước đã đổ biết bao máu xuơng máu trong suốt 64 năm qua mới có được. Việc chính quyền các cấp có những biện pháp ngăn chặn những hành vi chống đối đó, không phải là vi phạm nhân quyền, mà chính là nhằm cho nguời dân được sống trong đất nước hoà bình, ổn định - một trong những quyền thiêng liêng nhất của con người.

Tương tự, việc một số nhà báo bị xét xử vì đã thông tin sai sự thật, hoàn toàn không phải là ngăn chặn quyền tự do báo chí, dân chủ, mà để ngưòi dân được thụ hưởng ngày càng đầy đủ hơn quyền được thông tin khách quan, đúng bản chất sự việc.

Điều cần thiết của một báo cáo về tình hình nhân quyền, trước hết phải xem Chính phủ quốc gia đó đã làm được gì cho người dân có cuộc sống ngày càng đầy đủ hơn cả về vật chất và tinh thần, nhất là ở những nước nghèo, đang phát triển. Đó là những nội hàm rất cơ bản của nhân quyền. Thế nhưng, các nhà soạn thảo báo cáo nhân quyền của BNG Mỹ, lại không hề làm như vậy.

Năm 2008, do tác động  của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế. Mặc dù vậy, Chính phủ vẫn rất quan tâm tới các thành phần, đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, đặc biệt là những người nghèo, bằng những quyết định thắm đượm tính nhân văn sâu sắc, như trợ cấp tiền cho các hộ nghèo, nguời nghèo ăn Tết, người lao động mất việc được hỗ trợ, vay vốn để học nghề, tự tạo việc...

Điều cũng đáng nói hơn nữa là trong những ngày này đông đảo phụ nữ Việt Nam đang rất phấn khởi đón chào ngày lễ của mình – ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, với niềm tự hào về vai trò, vị trí ngày càng được nâng cao trong xã hội. 

Hiện nay ở Việt Nam, tỷ lệ lao động nữ có chuyên môn kỹ thuật bậc cao trên các lĩnh vực đạt ở mức trên 47%, tỷ lệ phụ nữ được tiếp cận với dịch vụ y tế tăng trên 85%. Tỷ lệ phụ nữ trong Quốc hội xếp thứ 31 trên thế giới và dẫn đầu 8 nước ASEAN có Nghị viện.

Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia đạt được sự thay đổi nhanh nhất về xoá bỏ khoảng cách giới trong 20 năm qua ở khu vực Đông Nam Á. Với những thành tựu này, làm sao có thể gọi là “Việt Nam phân biệt đối xử, kỳ thị phụ nữ “ – như nhận xét trong báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Đó cũng là thêm một bằng chứng cho thấy, báo cáo này không có giá trị và không thể được coi là một văn kiện chính xác chuẩn mực về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam.

Nhân dân Việt Nam đang đuợc hưởng những thành quả của các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước, được sống, học tập, làm việc trong đất nước bình yên, xã hội ổn định, với những điều kiện vật chất và tinh thần ngày càng đầy đủ hơn.  Và đối với mỗi ngưòi dân Việt Nam, đó là những quyền cơ bản nhất.

Cố tình không hiểu sự thật đó để đưa ra nhận xét sai trái về tình hình nhân quyền Việt Nam, báo cáo về nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ năm nay,  rõ ràng vẫn duy trì quan điểm sai trái và định kiến đối với Việt Nam.

Tổng thống Barack Obama đã cam kết rằng nước Mỹ sẽ thay đổi. Cho dù đã có sự thay đổi, nhưng, chính quyền mới của Mỹ vẫn chưa có thay đổi nào trong cách nhìn nhận về vấn đề nhân quyền - một vấn đề cũng có những tác động không nhỏ tới quan hệ của Mỹ với các nước.

Đối với Việt Nam, Mỹ cần có cách tiếp cận khách quan, toàn diện, tôn trọng sự thật trong lĩnh vực nhân quyền. Có như vậy, quan hệ hợp tác Việt Nam –Hoa Kỳ mới được thúc đẩy và phát triển, đáp ứng lợi ích của nhân dân hai nước./.                                                        

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên