"Sứ mệnh" của lá phiếu tín nhiệm

VOV.VN - Việc lấy phiếu tín nhiệm là để người được lấy phiếu "tự soi", "tự sửa", thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện...

Việc lấy phiếu tín nhiệm là để người được lấy phiếu “tự soi”, “tự sửa”, thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện; là kênh thông tin để tổ chức bồi dưỡng, đào tạo, sắp xếp đúng người, đúng việc… Thế nhưng còn đó những cảm xúc, tham lam, lợi ích nhóm và cá nhân, thành kiến không vì “cái chung” mà vì “cái riêng” khiến lá phiếu tín nhiệm không phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của cử tri, nhân dân.

Lá phiếu để cán bộ “tự soi”, “tự sửa”

Những ngày cuối năm 2023, tại một số địa phương trên cả nước, HĐND tỉnh, thành phố đã tiến hành tổ chức và công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm những chức danh do HĐND bầu. Những thông tin về kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh… được đông đảo cử tri và nhân dân cả nước quan tâm.

Họ quan tâm là bởi không khí đổi mới và dân chủ đã tạo điều kiện để người dân bày tỏ ý nguyện đánh giá, lựa chọn cán bộ… Sau khi có kết quả phiếu tín nhiệm thì kết quả đó sẽ phát huy như thế nào và được sử dụng ra sao?

Đợt sinh hoạt chính trị này là thực hiện theo Quy định 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết 96, ngày 23/6/2023 của Quốc hội, về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ  chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm, người được lấy phiếu tín nhiệm “tự soi”, “tự sửa”, thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác trong thời gian tới. Lá phiếu tín nhiệm không chỉ phản ánh ý nguyện của đại biểu HĐND - người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đức tài, uy tín của người được đưa ra lấy phiếu, mà cả trình độ dân trí, chất lượng và hiệu quả của công tác tổ chức lấy phiếu.

Nghị quyết 96 nêu rõ, việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm, giúp họ thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ…

Trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” trở lên thì HĐND tiến hành miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Qua quan sát, đánh giá của nhiều cử tri, lãnh đạo HĐND tỉnh, thành phố thì hoạt động lấy phiếu tín nhiệm ở một số tỉnh, thành phố diễn ra minh bạch, đúng quy định. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm với những người giữ các chức danh do HĐND tỉnh, thành bầu phản ánh khá thực chất. Có địa phương tỷ lệ người đạt 100% tín nhiệm cao ở mức rất cao, nhưng có nơi số phiếu tín nhiệm cao chỉ đạt ở mức khá; cũng có địa phương người được lấy phiếu tín nhiệm có tỷ lệ “phiếu tín nhiệm thấp” rất cao.

Tỷ lệ số phiếu tín nhiệm cho thấy, nhiều người làm tốt và được đánh giá có kết quả công việc tốt đã được nhiều phiếu tín nhiệm cao. Những người có nhiều phiếu tín nhiệm, tín nhiệm thấp được cho là hụt hơn so với những người có tín nhiệm cao trong thực thi chức trách, chỉ đạo, điều hành…

Qua những đợt lấy phiếu tín nhiệm, các cơ quan chức năng có thêm thông tin để lựa chọn được những người đủ đức, đủ tài, bố trí cán bộ đúng người, đúng việc. Lá phiếu tín nhiệm có tác dụng to lớn như vậy là lá phiếu đích thực.

Lá phiếu phải thể hiện ý chí, nguyện vọng của cử tri

Theo Nghị quyết 96, hai nhóm tiêu chí được sử dụng để đánh giá bao gồm: “Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật” và “Kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao”.

Với hai tiêu chí này, nếu như cán bộ không vi phạm chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, các quy định về phẩm chất cá nhân và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ thì sẽ rất khó bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ và không thể nhận nhiều phiếu tín nhiệm thấp.

Thế nhưng, thực tế cho thấy có những địa phương tình hình kinh tế - xã hội ổn định nhưng người được lấy phiếu vẫn nhận nhiều phiếu tín nhiệm thấp, thậm chí có người phải đối diện với việc phải từ chức hoặc HĐND tiến hành miễn nhiệm. Thực tế này khiến nhiều cử tri không khỏi bất ngờ và đặt câu hỏi về tính khách quan, công tâm của việc bỏ phiếu tín nhiệm.

Trên thực tế, hành vi bỏ phiếu của mỗi cá nhân nếu không vì “cái chung” mà chỉ vì “cái riêng”, bất chấp tất cả chỉ vì lợi ích, tham lam cá nhân, quan điểm, cảm xúc và định kiến thì “sứ mệnh” của lá phiếu không còn vì “cái chung” nữa. Lá phiếu lúc này không phản ánh thực chất mà trở thành công cụ để làm giảm uy tín, “hạ bệ” một ai đó thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm.

Cần phải nhắc lại, khi bỏ phiếu tín nhiệm thì đại biểu HĐND phải thể hiện đúng vai trò là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, tuyệt đối không được thể hiện tình cảm, cảm xúc cá nhân vào việc bỏ phiếu.

Cũng phải lưu ý rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm lần này diễn ra trong bối cảnh nhiều địa phương đã và đang giải quyết những tồn tại, những vấn đề nóng mà Ủy ban kiểm tra các cấp, Thanh tra các cấp, cơ quan cảnh sát điều tra đã chỉ ra. Đó là tình trạng khiếu kiện kéo dài, tình trạng các dự án đắp chiếu lãng phí đất đai, ô nhiễm môi trường; lợi ích nhóm, sân sau ảnh hưởng tới tiến độ, chất lượng dự án… Vì “cái chung” - vì sự phát triển của địa phương và đất nước, đòi hỏi những người có chức trách ở địa phương phải giải quyết những tồn tại, “những vấn đề nóng” theo đúng quy định pháp luật.

Để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, vì cái chung, Đảng ta có Quy định 22-QĐ/TW, Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Bên cạnh đó để bảo đảm đúng “sứ mệnh” của lá phiếu, Quy định 96 và Nghị quyết 96 đều có quy định nghiêm cấm làm sai lệch kết quả, vận động hoặc có hành vi trái pháp luật tác động đến đại biểu HĐND, trong quá trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để làm giảm uy tín của người khác, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ…

Nghị quyết 96 cũng quy định, chậm nhất là 10 ngày trước ngày tổ chức phiên họp lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu HĐND có thể gửi văn bản đến Thường trực HĐND và người được lấy phiếu tín nhiệm để yêu cầu người được lấy phiếu tín nhiệm làm rõ những nội dung thuộc căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm.

Vì thế, để xác thực có hay không tính hợp lệ của các kết quả lấy phiếu tín nhiệm thì việc thẩm tra tại Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp, liên quan đến các thông tin: Kê khai tài sản, thu nhập, những vấn đề đại biểu HĐND đề nghị làm rõ, báo cáo, giải trình của người được lấy phiếu tín nhiệm là rất cần thiết.

Nếu người được lấy phiếu không giải trình hoặc giải trình không thuyết phục vấn đề đại biểu HĐND đã phản ánh thì sẽ là một căn cứ quan trọng trong quá trình lấy phiếu tín nhiệm.

Ngược lại, nếu đại biểu HĐND không báo cáo, không tiếp xúc cử tri, không nêu ra được những vấn đề đề nghị người được lấy phiếu tín nhiệm phải trả lời, giải trình thì rõ ràng người đại biểu chưa làm hết chức trách của mình và đây sẽ cơ sở quan trọng cho nhận định về dấu hiệu của những lá phiếu “bất thường”.

Việc lấy phiếu tín nhiệm là cần thiết, để mỗi cán bộ tự soi, tự sửa, là một kênh thông tin để tổ chức có thể lựa chọn được những người đủ đức, đủ tài, bố trí cán bộ đúng người, đúng việc. Thế nhưng vẫn còn đó những lợi ích, quan điểm, cảm xúc và định kiến cá nhân không vì “cái chung” mà chỉ vì “cái riêng” khiến lá phiếu tín nhiệm trở nên không thực chất. Thực tế này rất cần sự quan tâm kịp thời của các cơ quan chức năng trong việc thực thi các quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước; tiếp tục hoàn thiện thể chế đánh giá cán bộ, bảo đảm bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chủ tịch HĐND và UBND tỉnh Kiên Giang được tín nhiệm cao nhiều nhất
Chủ tịch HĐND và UBND tỉnh Kiên Giang được tín nhiệm cao nhiều nhất

VOV.VN - Theo kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 30 đại biểu giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu, Chủ tịch HĐND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang có số phiếu tín nhiệm cao nhất.

Chủ tịch HĐND và UBND tỉnh Kiên Giang được tín nhiệm cao nhiều nhất

Chủ tịch HĐND và UBND tỉnh Kiên Giang được tín nhiệm cao nhiều nhất

VOV.VN - Theo kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 30 đại biểu giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu, Chủ tịch HĐND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang có số phiếu tín nhiệm cao nhất.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Bình có phiếu “tín nhiệm cao” nhiều nhất
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Bình có phiếu “tín nhiệm cao” nhiều nhất

VOV.VN - Ông Nguyễn Công Huấn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Bình có phiếu “tín nhiệm cao” nhiều nhất với 45 phiếu.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Bình có phiếu “tín nhiệm cao” nhiều nhất

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Bình có phiếu “tín nhiệm cao” nhiều nhất

VOV.VN - Ông Nguyễn Công Huấn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Bình có phiếu “tín nhiệm cao” nhiều nhất với 45 phiếu.

4 lãnh đạo sở của Lào Cai có số phiếu tín nhiệm cao dưới 50%
4 lãnh đạo sở của Lào Cai có số phiếu tín nhiệm cao dưới 50%

VOV.VN - Theo kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh Lào Cai, có 4 trường hợp là người đứng đầu 4 sở gồm Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn hóa - Thể thao; Y tế; Tài nguyên và Môi trường có số phiếu tín nhiệm cao dưới 50%.

4 lãnh đạo sở của Lào Cai có số phiếu tín nhiệm cao dưới 50%

4 lãnh đạo sở của Lào Cai có số phiếu tín nhiệm cao dưới 50%

VOV.VN - Theo kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh Lào Cai, có 4 trường hợp là người đứng đầu 4 sở gồm Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn hóa - Thể thao; Y tế; Tài nguyên và Môi trường có số phiếu tín nhiệm cao dưới 50%.