Sửa Luật đất đai: Làm rõ vai trò của Nhà nước trong vấn đề sở hữu

VOV.VN - Theo ông Nguyễn Quang Tuyến, trong việc sửa luật lần này cần làm rõ nội hàm, vai trò của Nhà nước trong vấn đề sở hữu.

Nguồn lực đất đai hiện nay bị các lợi ích nhóm xâu xé

Phát biểu tại Hội nghị giám sát, xem xét những bất cập và kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức sáng 8/10, ông Nguyễn Quang Tuyến (Đại học Luật Hà Nội) cho biết, Luật đất đai năm 2013 đã đóng góp rất quan trọng vào thành tựu phát triển KT-XH của đất nước trong gần 10 năm qua.

Tuy nhiên, do điều kiện phát triển kinh tế - xã hội có những bất cập nên sửa đổi Luật đất đai mà không xem xét đạo luật khác thì chưa chắc tìm được ra nguyên nhân của những bất cập, bởi Luật đất đai còn liên quan đến Luật nhà ở, Luật đầu tư, Luật quy hoạch….Cho nên đây là câu chuyện cần phải sửa tổng thể.

Ông Nguyễn Quang Tuyến cho rằng, trong việc sửa luật lần này cần làm rõ nội hàm, vai trò của Nhà nước trong vấn đề sở hữu. Nhà nước hiện nay đóng 3 vai trò: Đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai; người quản lý đất đai; người sử dụng đất. Trong Luật đất đai 2013 đề cập Nhà nước có vai trò chủ sở hữu và quản lý đất đai cũng đã rõ, nhưng vai trò của Nhà nước với tư cách người sử dụng đất thì chưa được rõ.

Đặc biệt, tiêu cực liên quan đến đất công, đất giao cho các doanh nghiệp, các tổ chức của Nhà nước hiện nay sử dụng rất lãng phí, còn đất giao cho các hộ gia đình, cá nhân thì cơ bản ổn định. Việc chuyển nhượng, tham nhũng, tiêu cực xuất hiện chủ yếu ở loại đất này. Do đó, sửa đổi Luật đất đai lần này cần thể chế bằng được vai trò của Nhà nước với tư cách là người sử dụng đất. Nhà nước cũng phải công bằng, bình đẳng như các đối tượng sử dụng đất khác.

“Đất nông lâm trường ở khu vực Tây Nguyên bao nhiêu năm nay sử dụng lãng phí những vị trí đất vàng. Vừa qua, những vụ việc liên quan tham nhũng, tiêu cực như vụ án Vũ nhôm, vụ việc ở Bình Dương, Khánh Hòa đều liên quan đến đất công”- ông Tuyến nêu dẫn chứng.

Nhấn mạnh việc cần thiết phải thiết kế vấn đề kiểm soát quyền lực, quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, ông Nguyễn Quang Tuyến cho rằng, đất đai là nguồn lực của quốc gia nhưng đang bị xâu xé bởi các nhóm lợi ích; doanh nghiệp bây giờ cũng chăm chăm vào đất của quốc gia.

Mặc dù đã có quy định "Nhà nước điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại thông qua chính sách thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, đầu tư cơ sở hạ tầng và chính sách hỗ trợ cho người có đất thu hồi”, nhưng dường như quy định này chỉ ở trên giấy. Cơ chế điều tiết thế nào thì không có. Cho nên hiện nay xảy ra tình trạng thu hồi đất của nông dân, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phân lô bán nền, bán chênh lệch là giàu có. Do đó việc quản lý bây giờ như thế nào là cả một vấn đề đặt ra.

Đề cập Luật đất đai năm 2013 đã đặt vấn đề lấy ý kiến góp ý, nhưng theo ông Nguyễn Quang Tuyến, việc này chỉ mang tính chất nửa vời, chưa mang tính trân trọng ý kiến của người dân. Quy định các cơ quan có thẩm quyền lập quy hoạch sử dụng đất phải lấy ý kiến của người dân, nhưng cần hiểu dân ở đây là “những tổ chức, cá nhân nằm trong khu vực chịu tác động bởi quy hoạch”. Nếu vẫn còn tỷ lệ % người dân chưa đồng thuận với dự thảo quy hoạch thì cơ quan lập quy hoạch phải giải trình với dân về việc thay đổi toàn bộ, thay đổi một phần hay không thay đổi quy hoạch.

Tham nhũng đất đai là kinh khủng nhất

Ở góc độ khác, GS Võ Khánh Vinh, nguyên Giám đốc Học viện Khoa học xã hội đặt câu hỏi: Luật đất đai đã thể chế hóa đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân hay chưa? Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, tư tưởng này đã cụ thể hóa trong Luật đất đai chưa?

Theo ông, những tư tưởng này chưa được cụ thể hóa mà mới ưu tiên và nhấn mạnh việc quản lý Nhà nước, trong đó chủ yếu nói đến vai trò của hành pháp là chính. Vì vậy, trong quá trình sửa đổi Luật đất đai lần này phải rà soát lại vấn đề này. Cùng với đó phải lấy người dân là trung tâm để làm rõ vai trò chủ sở hữu toàn dân.

Từ nghiên cứu về tham nhũng, ông Vinh cho biết, tham nhũng trong đất đai là trầm trọng, nghiêm trọng và kinh khủng nhất, sợ nhất. Từ tham nhũng trong đất đai đặt ra một loạt vấn đề, một số cá nhân dựa vào lỗ hổng của chính sách, pháp luật, của thực thi, lạm quyền và vượt quyền để tham nhũng, trục lợi.

Trong khi đó, GS.TS Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, Luật đất đai năm 2013 được xây dựng song song với việc sửa đổi Hiến pháp 2013. Vì làm song song nên nhiều tư tưởng, tư duy pháp lý của Hiến pháp 2013 không được thể chế hóa một cách đầy đủ và sâu sắc trong Luật đất đai năm 2013 như vấn đề phân công, phân quyền, phân cấp, vấn đề kiểm soát quyền lực, đề cao quyền con người, quyền công dân... Do không có tầm nhìn xa, nên Luật đất đai năm 2013 sau khi ban hành đã mâu thuẫn với một loạt luật ban hành sau Hiến pháp 2013.

Luật đất đai 2013 mới phân loại đất căn cứ theo mục đích sử dụng, tuy nhiên thực tiễn xuất hiện rất nhiều loại hình sử dụng đất đai kết hợp từ nhiều mục đích sử dụng khác nhau, như đất nông nghiệp kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ như dự án các trang trại nghỉ dưỡng, đất kết hợp thương mại, dịch vụ như các dự án du lịch có yếu tố tín ngưỡng, tâm linh, hay các công trình làm việc kết hợp với lưu trú hình thành rất phong phú.

“Pháp luật đất đai chưa thể hiện được chế độ quản lý cũng như sử dụng các loại đất này, vì thế vừa mất mát, vừa không kích thích được sự phát triển. Vì vậy cần phải sửa đổi, bổ sung luật” – ông Trần Ngọc Đường nhấn mạnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

"Cán bộ nào thâu tóm đất đai hay có tiêu cực, dân biết hết"
"Cán bộ nào thâu tóm đất đai hay có tiêu cực, dân biết hết"

VOV.VN - Muốn chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả cần huy động “tai, mắt” của nhân dân giám sát, kiểm soát quyền lực, bởi người dân tinh tường lắm! Có nhiều điều dân biết mà cán bộ lãnh đạo không biết.

"Cán bộ nào thâu tóm đất đai hay có tiêu cực, dân biết hết"

"Cán bộ nào thâu tóm đất đai hay có tiêu cực, dân biết hết"

VOV.VN - Muốn chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả cần huy động “tai, mắt” của nhân dân giám sát, kiểm soát quyền lực, bởi người dân tinh tường lắm! Có nhiều điều dân biết mà cán bộ lãnh đạo không biết.

Thủ tướng: Đất đai là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, liên quan đến mọi mặt của đời sống
Thủ tướng: Đất đai là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, liên quan đến mọi mặt của đời sống

VOV.VN - Đây là khẳng định của Thủ tướng tại Hội nghị góp ý kiến dự thảo Báo cáo Tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6, BCH Trung ương khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai.

Thủ tướng: Đất đai là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, liên quan đến mọi mặt của đời sống

Thủ tướng: Đất đai là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, liên quan đến mọi mặt của đời sống

VOV.VN - Đây là khẳng định của Thủ tướng tại Hội nghị góp ý kiến dự thảo Báo cáo Tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6, BCH Trung ương khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai.

Chủ tịch Quốc hội: Sửa đổi Luật Đất đai phải lắng nghe nhiều phía, "gạn đục, khơi trong"
Chủ tịch Quốc hội: Sửa đổi Luật Đất đai phải lắng nghe nhiều phía, "gạn đục, khơi trong"

VOV.VN - Luật Đất đai là một bộ luật có vị trí trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, một trong những hệ thống văn bản pháp luật có tầm quan trọng đặc biệt, tác động phạm vi rất lớn, tính phức tạp và độ khó rất cao...

Chủ tịch Quốc hội: Sửa đổi Luật Đất đai phải lắng nghe nhiều phía, "gạn đục, khơi trong"

Chủ tịch Quốc hội: Sửa đổi Luật Đất đai phải lắng nghe nhiều phía, "gạn đục, khơi trong"

VOV.VN - Luật Đất đai là một bộ luật có vị trí trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, một trong những hệ thống văn bản pháp luật có tầm quan trọng đặc biệt, tác động phạm vi rất lớn, tính phức tạp và độ khó rất cao...