Sửa Luật Đầu tư để thu hút tối đa nội lực-ngoại lực
VOV.VN - ĐBQH đề nghị thắt chặt việc xét duyệt dự án để cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đều được đối xử công bằng.
Đồng thời bảo đảm nâng cao quản lý nhà nước về đầu tư; làm rõ những lĩnh vực Nhà nước ưu tiên, khuyến khích phát triển để thu hút đầu tư; hoàn thiện phân cấp đầu tư, cơ chế phối hợp giữa cấp trung ương và địa phương, giữa các cơ quan liên quan, cùng với quy định rõ trách nhiệm của từng cấp gắn với chế tài xử lý rõ ràng, đồng bộ để hạn chế đầu tư dàn trải, phá vỡ quy hoạch ngành, vùng và địa phương.
Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (ảnh: Việt Dũng)
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (đoàn Thái Bình) cho rằng, dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) về cơ bản đã có nhiều đổi mới, có những nội dung được sửa đổi tốt hơn, phù hợp với tình hình thực tế.
PV: Nhiều đại biểu cho rằng thời gian qua chúng ta cho phép đầu tư quá dàn trải, cụ thể là đầu tư vào các khu công nghiệp. Qua kiểm tra và giám sát trên địa bàn tỉnh Thái Bình, ông thấy thực tế các khu công nghiệp hoạt động có hết hiệu quả hay không và thực tế này cần phải khắc phục như thế nào?
ĐB Đỗ Văn Vẻ: Sau một thời gian triển khai thực hiện Luật Đầu tư, hoạt động thu hút đầu tư của chúng ta đã thu được nhiều kết quả tốt, tuy nhiên do chúng ta mới mở cửa nên vẫn phải vừa làm vừa nghiên cứu, rút kinh nghiệm.
Đúng là có tình trạng đầu tư dàn trải ở một số khu công nghiệp thời gian qua. Các dự án đầu tư chậm hoạt động, không chọn lọc dẫn tới hiệu quả thấp. Tỷ lệ dự án hiệu quả thấp, không sử dụng công nghệ cao, chỉ mang tính giải quyết việc làm cho người lao động, sản xuất những mặt hàng doanh nghiệp trong nước cũng có thể làm được… vẫn được hưởng chế độ ưu đãi không phải là ít.
Để khắc phục những điểm bất hợp lý đó nên chúng ta mới phải sửa Luật để phù hợp với tình hình thực tế. Như trên tôi đã nói, vì chúng ta đang mở cửa, nên phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, do đó không tránh khỏi có những vấn đề chưa được kiểm soát chặt chẽ. Việc sửa đổi Luật lần này chắc chắn sẽ có những nhìn nhận, đánh giá để hoạt động đầu tư nước ngoài mang lại hiệu quả, phát huy năng lực của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như tạo điều kiện cho nền kinh tế Việt Nam phát triển.
PV: Qua quá trình nghiên cứu Luật Đầu tư sửa đổi, ông thấy có điều gì còn băn khoăn cần tháo gỡ mà ông sẽ đóng góp ý kiến?
ĐB Đỗ Văn Vẻ: Tại kỳ họp này, Luật Đầu tư sửa đổi được đưa ra lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội. Theo tôi, điều đầu tiên mà chúng ta nên hướng tới là làm sao tạo điều kiện đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp. Thứ nữa là về môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp, càng thông thoáng càng tốt. Thứ ba là các chính sách cho nhà đầu tư, chỉ nên quy định trong luật những lĩnh vực nhà nước cấm, hạn chế, hoặc kinh doanh có điều kiện. Còn lại không đưa vào luật để đảm bảo nguyên tắc nhà đầu tư có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm.
PV: Thực tế thời gian qua, để ưu đãi các nhà đầu tư, mỗi địa phương có những chính sách ưu đãi riêng, thậm chí vượt cả quy định khung của Luật Đầu tư. Vậy trong lần sửa đổi này, chúng ta có khắc phục được những vấn đề đó không?
ĐB Đỗ Văn Vẻ: Vừa qua, các địa phương trong nước vì muốn tranh thủ sự đầu tư của nước ngoài nên đưa ra nhiều cơ chế chính sách thuận lợi, thông thoáng để mời gọi các nhà đầu tư tham gia. Ngoài chính sách chung của Nhà nước, địa phương có thêm những ưu ái riêng. Chính vì vậy mà với các nhà đầu tư, nơi nào chính sách thông thoáng, thuận lợi thì các nhà đầu tư sẽ vào. Để mời gọi nhà đầu tư, thực hiện chính sách “trải thảm đỏ”, nhiều địa phương ưu ái làm đường, điện tới tận chân công trình, miễn giảm một số loại thuế, tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, quá trình mời gọi thiếu sự sàng lọc đã dẫn tới một số dự án không đạt hiệu quả mong đợi. Nhiều dự án lúc lập kế hoạch thì rất tốt, nhưng quá trình thực hiện không đạt hiệu quả, dẫn tới nhiều tỉnh dư thừa khu công nghiệp, diện tích đất bỏ trống nhiều; nhiều dự án đi vào hoạt động sản xuất ra những mặt hàng không mang lại lợi nhuận cao…
Trong Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) này, theo tôi với những quy định nào có thể thoáng thì thoáng, nhưng phải chặt thì chặt, phải kiểm soát dự án đầu tư để đạt được hiệu quả, tránh tình trạng nhà đầu tư đưa những thiết bị cũ, công nghệ cũ có thể ảnh hưởng đến môi trường hay vào những lĩnh vực không hiệu quả.
Chúng ta phải thắt chặt việc xét duyệt dự án để làm sao phát huy được cả ngoại lực lẫn nội lực, để cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đều được hỗ trợ công bằng.
PV: Xin cảm ơn ông./.