Tam nông cần sự vào cuộc mạnh hơn của cả hệ thống chính trị
Kiến nghị Nhà nước sớm có chính sách khuyến khích, nhân rộng mô hình tổ chức lại theo chuỗi giá trị với các sản phẩm
- Tổng Bí thư kiểm tra thực hiện chính sách Tam nông
- Triển khai Nghị quyết 26 cần mang tính chiến lược, lâu dài
Ngày 5/8/2008, Nghị quyết số 26 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là Tam nông) được ban hành. Cùng với Nghị quyết về xây dựng giai cấp công nhân, đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước thì sau hơn 20 năm đổi mới, đây là lần đầu Đảng ta có một Nghị quyết toàn diện nhất về vấn đề Tam nông.
Mô hình liên kết theo chuỗi giá trị
Kết thúc chuyến công tác kiểm tra thực hiện Nghị quyết 26 tại hai tỉnh An Giang và Kiên Giang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Nghị quyết đã đi vào cuộc sống, bước đầu phát huy hiệu quả nhưng cách làm của từng địa phương thì cần phải sáng tạo, gắn với đặc thù của mình. Để nghị quyết của Đảng triển khai sâu rộng và hiệu quả thì việc kiểm tra, đôn đốc, gắn trách nhiệm của từng cá nhân, sở, ngành cũng rất quan trọng, tránh hô hào khẩu hiệu chung chung.
Tổng Bí thư thăm hộ nông dân sản xuất giỏi tại huyện Tân Hiệp |
Qua kiểm tra tại một số huyện, xã của 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang cho thấy sản xuất nông nghiệp có bước phát triển khá toàn diện, theo hướng tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh. Tại An Giang tốc độ tăng trưởng khu vực nông nghiệp bình quân 5 năm qua đạt 3,77%; còn tỉnh Kiên Giang tăng trưởng khu vực nông lâm thuỷ sản tăng trưởng bình quân 7,2% một năm.
Trong phát triển sản xuất nông nghiệp, việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, thực hiện cơ giới hoá nông nghiệp được các tỉnh này rất quan tâm. Các trung tâm nghiên cứu và sản xuất giống tổ chức lai tạo thành công nhiều giống lúa, giống thuỷ sản có năng suất, chất lượng cao và chuyển giao nhân rộng ra địa bàn.
Cơ giới hoá trong nông nghiệp cũng được lãnh đạo địa phương rất quan tâm: Từ cơ giới hoá trong khâu làm đất, tưới tiêu bằng đồng lực, khâu suốt lúa được cơ bản cơ giới hoá cho toàn bộ diện tích đất sản xuất; thu hoạch lúa bằng cơ giới phát triển nhanh (tại An Giang đạt 42% diện tích ứng dụng, góp phần giảm chi phí thu hoạch 700.000 đồng/ha).
Nhờ đổi mới, tổ chức lại sản xuất nông lâm, thuỷ sản, hàng hoá nên sau 3 năm thực hiện Nghị quyết, quan hệ sản xuất ở nông thôn được tăng cường rõ rệt. Mô hình hoạt động của các Liên hiệp tác xã nông nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp thành viên, gắn với đặc thù thế mạnh như kinh tế trang trại, biển, nuôi trồng thuỷ sản được nhân rộng.
Tại đây cũng xây dựng và hình thành nhiều mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như liên kết sản xuất lúa theo tiêu chuẩn quốc tế, được các doanh nghiệp ký hợp đồng cung ứng giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật và tiêu thụ với giá cao hơn so với giá ngoài thị trường. Mô hình liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất lúa, nuôi trế biến cá tra, từ sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm được nông dân đánh giá cao vì như vậy, họ sẽ yên tâm sản xuất mà không lo tình trạng “được mùa, rớt giá”.
Thực hiện Nghị quyết 26, một phong trào được khơi dậy rộng khắp tại hai tỉnh này là xây dựng nông thôn mới. Các tỉnh đã sớm ban hành Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới nhằm cụ thể hoá quyết định 491 của Thủ tướng Chính phủ. Để phù hợp với đặc thù địa phương, tỉnh An Giang đã ban hành Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, bổ sung thêm 1 tiêu chí là ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, thực hiện cơ giới hoá trong sản xuất… Tỉnh An Giang không chọn xã điểm để tập trung đầu tư xây dựng mô hình và triển khai xây dựng nông thôn mới ở tất cả các xã trên địa bàn tỉnh thông qua phát động phong trào thi đua. An Giang và Kiên Giang đặt mục tiêu phấn đấu đến 2015 có tối thiểu 25% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới và đến năm 2020 đạt một nửa số xã.
Với Kiên Giang, xã điểm xây dựng nông thôn mới là Định Hoà huyện Gò Quao đã huy động đuợc 65 tỷ đồng, trong đó dân đóng góp hơn 11 tỷ đồng. Từ nguồn vốn của Trung ương hỗ trợ, vốn ngân sách địa phương và xã hội hoá nguồn lực đầu tư mà nhiều chương trình, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn được xây dựng. Bộ mặt nhiều vùng nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần đã có những chuyển biến rõ nét, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, phục vụ dân sinh…
Tuy nhiên, các địa phương cũng cho biết: trong xây dựng nông thôn mới, nhiều chỉ tiêu còn chưa đạt hoặc đạt ở mức độ thấp như chỉ tiêu về đường giao thông đến trung tâm, đường liên ấp, tỷ lệ diện tích sản xuất nông nghiệp có hệ thống giao thông, thuỷ lợi nội đồng hoàn chỉnh, phần lớn các nhà văn hoá chưa đạt chuẩn, tỷ lệ hộ dân có nhà ở trên sông, kênh, rạch, nhà ở vùng sạt lở còn nhiều; tỷ lệ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế còn thấp…
Theo tinh thần Nghị quyết đến 2020 thu nhập của dân nông thôn tăng gấp 2,5 lần hiện nay. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo tại hai địa phương này còn cao (An Giang 9,16%, Kiên Giang 8,84%); khoảng cách chênh lệch giữa nông thôn và đô thị ngày càng rộng ra, đất đai nông nghiệp thu hẹp, khí hậu thời tiết ngày càng khắc nghiệt, ảnh hướng đến sản xuất. Việc xây dựng hạ tầng nông thôn hiện đại cũng gặp những bất cập, trong điều kiện thực tế hạ tầng nông thôn vẫn rất lạc hậu mà nguồn vốn đầu tư của Nhà nước còn hạn chế.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được sau 3 năm triển khai Nghị quyết, qua kiểm tra cho thấy vẫn còn nhiều tồn tại cần giải quyết. Cho đến nay, sản xuất nông nghiệp vẫn mang tính tự phát cao, chất lượng nông sản hàng hoá còn thấp, sức cạnh tranh kém. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế do cơ sở hạ tầng, nhất là hệ giao thông vùng, tỉnh chưa hoàn thiện. Việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp hàng hoá với các hình thức hợp tác chậm được đổi mới… Hệ thống kho chứa lúa gạo còn thiếu khiến cho thu mua tạm trữ lúa của bà con gặp nhiều khó khăn… Bên cạnh đó, trình độ năng lực của không ít cán bộ trong hệ thống chính trị ở sơ sở còn hạn chế cả về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng vận động cộng đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, một số cơ chế, chính sách chưa đến được với người dân do các Bộ, ngành chậm có văn bản hướng dẫn thực hiện.
Qua kiểm tra và nắm bắt tình hình thực tế, Đoàn công tác của Trung ương ghi nhận những kiến nghị rất chính đáng của bà con nông dân và lãnh đạo địa phương. Theo đó, kiến nghị Nhà nước sớm có chính sách khuyến khích, nhân rộng mô hình tổ chức lại theo chuỗi giá trị với các sản phẩm lúa, cá tra-basa, rau màu... Xem xét khuyến khích đầu tư khu nông nghiệp công nghệ cao cho khu vực ĐBSCL; có chính sách chung tăng cường cán bộ trẻ đủ năng lực về công tác ở cơ sở xã, thị trấn tham gia xây dựng nông thôn mới giống như chương trình 30a. Đoàn công tác sẽ tổng hợp báo cáo Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan xem xét bố trí vốn thực hiện chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới theo Quyết định 800.
Phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
Tại các buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của hai tỉnh An Giang và Kiên Giang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: Nghị quyết 26 bước đầu đã đi vào cuộc sống và mang lại những kết quả rõ rệt, mắt thấy, tai nghe và được chính nguời dân ghi nhận. Kết quả đó chứng tỏ Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông thôn và nông dân là rất đúng đắn, đang được triển khai và cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện. Nhận thức của cán bộ đảng viên và tổ chức quán triệt sâu rộng nội dung Nghị quyết trong nhân dân là cần thiết nhưng bên cạnh đó, mỗi địa phương phải xây dựng, triển khai những chương trình, hành động rất cụ thể, sáng tạo gắn với đặc thù của địa phương mình. Chẳng hạn với 2 tỉnh này, xây dựng nông thôn mới cần chú ý tới đặc thù đồng bào dân tộc; biên giới với nước bạn. Bên cạnh chú trọng phát triển kinh tế cần gây dựng cho đựơc truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, hàng xóm, láng giềng thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Làm dược như thế mới là nông thôn Xã hội Chủ nghĩa. Rõ ràng, xây dựng thành công chương trình nông thôn mới trên phạm vi cả nước là mục tiêu chiến lược, lâu dài của Đảng ta. Đây là sự nghiệp to lớn, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Tổng Bí thư đặc biệt quan tâm đến quản lý quy hoạch đất đai như thế nào? Vì đây là vấn đề lớn liên quan trực tiếp đến đất sản xuất trong quá trình tích tụ ruộng đất. Mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, chia sẻ rủi ro là cách làm tốt, trong đó đã biết chú trọng vai trò phối hợp, gắn kết giữa các bộ phận. Tuy nhiên, cần có sự kiên kết chặt chẽ hơn nữa để bà con nông dân yên tâm với các sản phẩm làm ra, xác định rõ đâu là “đầu tàu” trong chuỗi giá trị và hiện từng khâu đang gặp khó khăn, vướng mắc gì. Thêm nữa, các Bộ, ngành và địa phương cần chú trọng vấn đề nhiễm mặn, nước biển dâng, biến đổi khí hậu đang tác động trực tiếp, kéo dài ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của nông dân. Cùng với tập trung phát triển kinh tế thì vấn đề công bằng, dân chủ cần đặc biệt đựơc quan tâm; chú trọng nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc, gắn với giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội. Khi triển khai Nghị quyết, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, huy động sức mạnh trong nhân dân.
Đoàn công tác của Trung ương đề nghị các địa phương cần tiếp tục tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, tham mưu cho Trung ương những mô hình hay để có thể phổ biến, nhân rộng. Đồng thời nêu ra những bất cập cụ thể của địa phuơng, vùng miền để có sự điều chính cơ chế, chính sách kịp thời, nhằm thực hiện hiệu quả nhất Nghị quyết của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn./.