Tăng cường các biện pháp chống thất thu cho NSNN

Về vấn đề thất thu trong năm 2010 mà Chính phủ đã đề cập, các đại biểu cho rằng cần phân tích kỹ thất thu do đâu? Do cơ chế của chúng ta, hay ở cách hành thu để từ đó có biện pháp khắc phục

Chiều 22/10, các đại biểu Quốc hội tiếp tục họp ở tổ cho ý kiến về Báo cáo tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2010; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2011.

Theo báo cáo của Chính phủ, tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2010 ước đạt 520.100 tỷ đồng, vượt 12,7% so với dự toán và tăng 17,6% so với năm 2009. Hầu hết các khoản thu đều hoàn thành vượt dự toán, kể cả thu phí xăng dầu nhiều năm không đạt dự toán. Bảo đảm được các nhiệm vụ chi và góp phần giảm bội chi xuống dưới 6%, thấp hơn kế hoạch đề ra (6,2%). Đến hết năm 2010, dư nợ Chính phủ tương đương khoảng 44,5% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 42,2% GDP và dư nợ công bằng 56,7% GDP, nằm trong giới hạn an toàn.

Thảo luận nội dung này, một số đại biểu cho rằng: Nguồn thu ngân sách tăng, nhưng Chính phủ cần làm rõ, tăng từ nguồn nào? Đại biểu Vũ Quang Hải (đoàn Hưng Yên) nêu ý kiến: Nếu là nguồn vượt thu từ quỹ đất thì sẽ không vững chắc. Một số ý kiến đề nghị, Chính phủ đánh giá tình hình thu ngân sách Nhà nước khá tích cực, tuy nhiên cần tiếp tục rà soát, đánh giá sát thực số thu ngân sách năm 2010, làm căn cứ xây dựng dự toán ngân sách năm 2011.

Về tình hình thu ngân sách năm 2010, đại biểu Cao Sỹ Kiêm (đoàn Thái Bình) cho rằng, vẫn còn những điều chưa ổn, chưa sát với thực tế. Đại biểu nhấn mạnh đến khả năng dự báo, đặc biệt là trách nhiệm trong việc lên kế hoạch thu. Ngay cả trong thời kỳ lạm phát cao, chúng ta vẫn thu vượt ngân sách so với kế hoạch đề ra. Theo đại biểu, cần phải xem xét ở đây có phải là do ý thức của người xây dựng ngân sách, liệu có nguyên nhân cứ làm gọn lại, đến khi vượt thì có thành tích không?

Thứ 2 là về tình trạng thất thu, trong báo cáo của Chính phủ có đề cập tình trạng thất thu nhiều trong năm nay. Theo đại biểu Cao Sỹ Kiêm, cần phân tích kỹ thất thu do đâu? Do cơ chế của chúng ta, hay ở cách hành thu? Cũng theo đại biểu, việc hành thu của chúng ta hiện nay đang tồn tại nhiều vấn đề.

Về kế hoạch chi, đại biểu Cao Sỹ Kiêm cho rằng, tăng chi vượt quá xa kế hoạch. Việc vượt quá ở đây có 2 nguyên nhân: do phân bổ ngân sách chưa chuẩn và phân bổ chưa hợp lý (trong đó có việc chi tiêu công và chi tiêu hành chính). Nguyên nhân theo đại biểu chủ yếu vẫn là trách nhiệm, ý thức trong dự báo thu chi chưa được nâng lên. Bên cạnh đó, công tác quản lý vẫn còn nhiều vấn đề để xảy ra tình trạng thất thu.

Một số đại biểu nêu ý kiến, nguồn chi cho các vùng biên giới, hải đảo đã đáp ứng phần lớn nhu cầu, nhưng cần bố trí một cách hợp lý hơn nữa các dự án, tránh chồng chéo. Cần tập trung chi cho việc xây dựng trường, trạm y tế và bảo vệ môi trường. Nhiều đại biểu đánh giá, trong việc chi ngân sách thời gian qua có nơi, có cơ quan thực hiện việc tiết kiệm chi ngân sách thường xuyên chưa thật triệt để; chi quản lý hành chính vẫn vượt dự toán. Ngoài ra, việc quản lý chi tiêu hiện còn cơ quan, đơn vị chưa chặt chẽ; thanh quyết toán chưa nghiêm, còn để xảy ra vi phạm, lãng phí.

Về kế hoạch thu, chi năm 2011, nhiều đại biểu cho rằng, chúng ta có một số thuận lợi để thực hiện kế hoạch đề ra, trong đó có phần do kết quả đạt được năm 2010, tạo tiền đề để thực hiện kế hoạch đề ra năm 2011; bên cạnh đó, kinh tế thế giới tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng cũng tạo thuận lợi cho chúng ta tăng nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu. Ngoài ra, nếu những tồn tại trong công tác thu chi năm 2010 mà Chính phủ đã nêu ra được sửa chữa kịp thời thì cũng là một yếu tố làm tăng nguồn thu.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi đó, công tác thu, chi ngân sách cũng gặp một số khó khăn. Kinh tế thế giới mặc dù đang phục hồi nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, khả năng xảy ra khủng hoảng tiếp theo vẫn hiện hữu. Bên cạnh đó là việc xung đột về tiền tệ giữa các quốc gia, các nền kinh tế cũng làm cho khả năng cạnh tranh của hàng hoá, nguồn thu bị ảnh hưởng. Sau khủng hoảng, chúng ta phải tái cấu trúc nền kinh tế cũng có thể sẽ làm cho ngân sách bị thu hẹp lại.

Đại biểu Cao Sỹ Kiêm cho rằng: Để có thể thực hiện kế hoạch thu, chi ngân sách như chúng ta đã đề ra, ngoài những giải pháp của Chính phủ đã nêu trong Báo cáo, cần xác định nghiêm kỷ luật thu và kỷ luật chi; Phải có bộ máy, con người có trình độ, đạo đức; Chính sách tiền tệ phải phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá.

Đại biểu Lê Quốc Dung (đoàn Thái Bình) thì cho rằng, để giảm gánh nặng chi cho ngân sách, cần phải lên danh mục cắt giảm mạnh những dự án đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách, xã hội hoá cho các thành phần khác làm thay. Cũng theo đại biểu, chúng ta cần phải xây dựng hẳn một lộ trình cắt giảm dài hạn (5 năm), chứ không phải tính theo từng năm. Ngay cả việc tính chỉ tiêu lạm phát cũng phải được tính toán theo một lộ trình dài hạn, chứ không nên đưa ra con số cho từng năm.

Về giải pháp để tăng thu ngân sách, đại biểu Lê Quốc Dung cho rằng, chúng ta cần tập trung cho giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tốc độ cổ phần hoá DNNN và có chính sách đầu tư phát triển công nghiệp chế biến và công nghiệp phụ trợ. Đại biểu Lê Quốc Dung cũng đề nghị, năm 2011 cần phải đưa nguồn thu từ trái phiếu Chính phủ vào trong ngân sách để có những tính toán và phân bổ cho phù hợp hơn.

Nhiều đại biểu nhất trí với đề nghị của Chính phủ về mức chi ngân sách năm 2011, nhất là bố trí chi đầu tư phát triển cao hơn so với năm 2010, nhưng đề nghị Chính phủ cần siết chặt chi tiêu ngân sách, tập trung vốn hoàn thành những dự án, công trình dở dang, hạn chế khởi công dự án mới, nhất là những dự án có tổng mức đầu tư lớn.

Theo chương trình ngày 23/10, các đại biểu làm việc tại Hội trường./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên