Tăng cường giám sát phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng
VOV.VN -Hoạt động giám sát sẽ tập trung vào các nội dung trọng tâm tại các địa bàn trọng điểm: Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam bộ
Sáng 27/2, tại Hà Nội, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có buổi làm việc với Chính phủ và các bộ ngành về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong việc kết hợp phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn chiến lược" (trọng tâm là các địa bàn Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ).
Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe các bộ ngành báo cáo kết quả thực hiện chính sách, pháp luật trong việc kết hợp phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn chiến lược. Trong đó, tập trung vào các nội dung: ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành việc thực hiện chính sách, pháp luật; những khó khăn, vướng mắc, tồn tại và nguyên nhân, hiệu quả tổng hợp trong kết hợp phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh…
Theo đánh giá của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc xây dựng cơ chế trên các địa bàn chiến lược để thực hiện kết hợp giữa xây dựng kinh tế xã hội với củng cố tiềm lực quốc phòng an ninh đã được quán triệt từ khâu xây dựng chiến lược; kinh tế vĩ mô ổn định, các mức tăng trưởng được giữ vững góp phần bảo đảm an ninh, tài chính, tiền tệ, lương thực, năng lượng, thông tin; quy hoạch một số vùng kinh tế trọng điểm và chiến lược biển đảo đã được thực hiện tốt…
Ông Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh, Trưởng đoàn giám sát cho biết: thời gian tới cần đẩy mạnh hoạt động giám sát, đồng thời kiến nghị những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về kết hợp phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn chiến lược trong phạm vi cả nước.
Ông Khoa nhấn mạnh: “Đây là nội dung rất rộng, phải kết hợp trên địa bàn cả nước. Chúng ta sẽ đi vào những trọng tâm, trọng điểm trong các nội dung giám sát. Tập trung chủ yếu ở các địa bàn trọng tâm là Tây Nguyên, Tây Bắc và Tây Nam Bộ. Trong đó có nhiều ngành ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trọng tâm là các ngành trọng yếu, có yếu tố cấp bách trong giai đoạn hiện nay nhưng vẫn phải đảm bảo chiến lược kéo dài trong những năm tới”./.