Tăng cường hợp tác bồi dưỡng cho ĐBQH Việt Nam và Nhân đại toàn quốc Trung Quốc
VOV.VN - Chiều 9/4, tại thủ đô Bắc Kinh, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh đã có cuộc làm việc với Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Nhân đại toàn quốc Trung Quốc Quách Chấn Hoa.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh và Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Quách Chấn Hoa nhấn mạnh, Thoả thuận hợp tác mới giữa Quốc hội Việt Nam và Nhân đại toàn quốc Trung Quốc vừa đượcChủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Ủy viên trưởng Nhân đại toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế ký là cơ sở pháp lý rất có ý nghĩa nhằm tiếp tục thúc đẩy hợp tác hiệu quả và thiết thực giữa các cơ quan của Quốc hội/Nhân đại toàn quốc, trong đó có hoạt động bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội/Nhân đại toàn quốc.
Nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đại biểu Quốc hội/Nhân đại toàn quốc hai nước nhằm triển khai, cụ thể hoá Thỏa thuận mới giữa cơ quan lập pháp hai nước vừa được ký, hai bên mong muốn mỗi năm sẽ tổ chức các Đoàn trao đổi, học tập kinh nghiệm, kết hợp đi thực tế, tập trung vào: kỹ năng lập pháp, phân tích chính sách phục vụ hoạt động lập pháp; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; kỹ năng phản biện, đánh giá tác động của chính sách, phân tích, dự báo tình hình kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ...; kinh nghiệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới; kinh nghiệm, kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, chia sẻ thông tin, tài liệu chuyên gia, báo cáo viên quốc tế, bồi dưỡng đại biểu...
Tại cuộc làm việc, hai bên đã thông báo cho nhau về công tác đại biểu của cơ quan lập pháp hai nước, cơ cấu, tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam và Ủy ban Công tác đại biểu của Nhân đại toàn quốc Trung Quốc; kinh nghiệm và thực tiễn về mô hình tổ chức, phương thức hoạt động của cơ quan lập pháp hai nước; mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Nhân đại/Hội đồng Nhân dân địa phương; tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương; các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu dân cử; công tác quy hoạch đại biểu; tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động của đại biểu Quốc hội hàng năm và nhiệm kỳ...