Tăng cường lực lượng công an vào các tỉnh phía Nam để giữ gìn trật tự xã hội
VOV.VN - Trung tướng Tô Ân Xô: Cán bộ, chiến sĩ chi viện tại các địa bàn phía Nam sẽ phối hợp với công an địa phương làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát, hỗ trợ nhu yếu phẩm; chủ động các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn đình công, lãn công, biểu tình gây rối, gây bất ổn xã hội.
Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát đến nay, Bộ Công an đã tăng cường hơn 570 cán bộ y tế tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19 tại phía Nam, đã chi viện hơn 3.000 cán bộ, chiến sĩ và hơn 1.500 học viên tham gia đảm bảo an ninh, trật tự tại các địa phương phía Nam.
Đặc biệt, thực hiện Công điện số 1099 ngày 22/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện triệt để, nghiêm ngặt hơn các biện pháp giãn cách xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, những ngày qua, Bộ Công an đã chỉ đạo các lực lượng tiếp tục tăng cường hơn 500 cán bộ thuộc các lực lượng an ninh, cảnh sát cơ động, giao thông, quản lý hành chính, hậu cần, y tế khối cơ quan Bộ hỗ trợ công tác phòng, chống dịch cho các địa phương.
Để hiểu rõ hơn về nhiệm vụ của cán bộ chiến sỹ công an tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, Trung tướng Tô Ân Xô đã trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VOV (VOV.VN).
PV: Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay, theo Trung tướng, việc huy động lực lượng công an vào hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chống dịch có ý nghĩa như thế nào?
Trung tướng Tô Ân Xô: Ngay từ ngày 9/7/2021, Bộ Công an là lực lượng đầu tiên thành lập Bộ Chỉ huy tiền phương tại phía Nam để kịp thời nắm tình hình, tham mưu đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong việc thực hiện chiến lược, kế hoạch phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các tỉnh, thành phố phía Nam; phối hợp với Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ, cấp ủy chính quyền các địa phương phía Nam để thống nhất, tập trung, xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành; trực tiếp chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố phía Nam xây dựng phương án ứng phó với các cấp độ dịch.
Tuy nhiên, do dịch diễn biến kéo dài, lực lượng công an có trách nhiệm tham gia đảm bảo an ninh trật tự, hướng dẫn, phân luồng giao thông ... nhưng cũng phải trực tiếp hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nên có nơi, có đơn vị, cán bộ, chiến sĩ quá tải về khối lượng công việc. Có nhiều đơn vị cán bộ, chiến sĩ đã tham gia trực, ứng trực liên tục trong hơn 3 tháng, để đảm bảo phòng chống dịch thì đồng nghĩa thời gian đó là cán bộ, chiến sĩ đã không về nhà, chỉ ở cơ quan để đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Do đó, việc kịp thời tổ chức các lực lượng tham gia cùng các cấp công an cơ sở bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong vùng có dịch diễn biến phức tạp là rất cần thiết, như tăng cường tham gia các ca kíp, tổ tuần tra, kiểm soát; phối hợp các cơ quan chức năng tăng cường bám sát địa bàn, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội và các giải pháp phòng, chống dịch bệnh;
Lực lượng tăng cường, chi viện đã được nghiêm túc quán triệt, yêu cầu tổ chức thực hiện chặt chẽ theo chức năng, nhiệm vụ; trong đó phát huy là lực lượng nòng cốt tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương khắc phục các tồn tại, hạn chế, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong”. Phối hợp cùng với các lực lượng chức năng hỗ trợ đáp ứng lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân yên tâm “ai ở đâu ở yên đó”; kịp thời cấp cứu, chữa bệnh cho mọi người dân ở mọi lúc, mọi nơi. Qua đó, cùng các lực lượng quyết tâm giành chiến thắng trong trận đánh quan trọng này.
PV: Trung tướng có thể chia sẻ những lực lượng nào được điều động và nhiệm vụ cụ thể của từng lực lượng là gì?
Trung tướng Tô Ân Xô: Thực hiện Công điện số 1099 ngày 22/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện triệt để, nghiêm ngặt hơn các biện pháp giãn cách xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, những ngày qua, Bộ Công an đã chỉ đạo các lực lượng tiếp tục tăng cường hơn 500 cán bộ thuộc các lực lượng An ninh, Cảnh sát cơ động, giao thông, quản lý hành chính, hậu cần, y tế khối cơ quan Bộ hỗ trợ công tác phòng, chống dịch cho các địa phương.
Cán bộ, chiến sĩ chi viện tại các địa bàn phía Nam sẽ tham gia cùng lực lượng công an cơ sở tăng cường công tác nắm tình hình, đảm bảo an ninh trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Hoàn thiện, đưa vào hoạt động có hiệu quả, thân thiện, dễ sử dụng đối với App ứng dụng khai báo y tế kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực thông tin, kiểm soát người qua vùng dịch.
Nắm chắc tình hình an ninh trong các khu công nghiệp, an ninh trong công nhân, an ninh trong các khu dân cư, chủ động các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn đình công, lãn công, biểu tình gây rối làm mất an ninh trật tự, bất ổn xã hội.
Phối hợp với công an địa phương làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân. Thành lập bệnh viện dã chiến với quy mô 300 giường bệnh để điều trị bệnh nhân COVID-19 là cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an và nhân dân.
PV: Lực lượng tăng cường sẽ phối hợp với lực lượng tại chỗ và nhân dân địa phương thế nào, thưa ông?
Trung tướng Tô Ân Xô: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với lực lượng Công an: Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn thành thì thắng lợi hoàn toàn.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của lực lượng Công an nhân dân trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và phòng chống dịch bệnh; lực lượng Công an nhân dân rất cần sự giúp đỡ của nhân dân ủng hộ, đồng lòng với lực lượng công an nói riêng, toàn hệ thống chính trị, các lực lượng khác nói chung; tố giác tội phạm, thông tin về các đối tượng, hành vi có biểu hiện vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh. Các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch trong lao động sản xuất, hỗ trợ người lao động về việc làm, lắng nghe, thông tin cho lực lượng công an cơ sở về tình hình công nhân, người lao động.
Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an luôn tin tưởng và mong muốn nhận được sự giúp đỡ của các tầng lớp nhân dân. Đồng thời chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; thường xuyên bồi đắp ý chí khắc phục khó khăn, gian khổ, đề cao tinh thần trách nhiệm, mưu trí, kiên cường, dũng cảm trong chiến đấu, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
PV: Đã có nhiều cán bộ, chiến sĩ công an mắc COVID-19, có người hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Để đảm bảo an toàn cho công an trong trường hợp dịch bùng phát mạnh, Bộ có giải pháp gì để hạn chế tối đa những mất mát này?
Trung tướng Tô Ân Xô: Tính đến nay, trong toàn bộ lực lượng Công an, đã có 03 đồng chí hi sinh và 1500 đồng chí bị nhiễm COVID-19 khi tham gia phòng chống dịch. Chia sẻ cùng cán bộ, chiến sỹ nơi tuyến đấu chống dịch bệnh tại phía Nam, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương đã kịp thời động viên, thăm hỏi, thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ đang làm nhiệm vụ tại các địa bàn nóng bỏng, cam go với dịch bệnh.
Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn cho cán bộ, chiến sĩ tham gia phòng, chống dịch, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện một số các giải pháp cấp bách sau:
1. Quán triệt toàn thể cán bộ, chiến sỹ tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, kết hợp với tăng cường tập huấn cho cán bộ, chiến sĩ kỹ năng phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh cho bản thân khi thực hiện nhiệm vụ cũng như trong sinh hoạt theo hướng dẫn, khuyến cáo của Bộ Y tế.
2. Phối hợp cơ quan y tế đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho toàn bộ cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng Công an nhân dân nói chung và các cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch nói riêng. Đặt mục tiêu đến hết Quý III/2021, toàn bộ cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân được tiêm đủ 02 mũi vaccine phòng COVID-19.
3. Thành lập các Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 cho lực lượng Công an nhân dân tại các địa phương có diễn biến phức tạp về dịch và kiện toàn các Trung tâm hồi sức tích cực tại các Bệnh viện hạng I của Bộ Công an để bảo vệ sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ yên tâm thực hiện công tác phòng, chống dịch.
4. Đảm bảo trang bị đủ trang thiết bị bảo hộ cho cán bộ, chiến sĩ tham gia phòng chống dịch để hạn chế tối đa các trường hợp lây nhiễm trong khi thực hiện nhiệm vụ.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Trung tướng ./.