Tăng cường tin cậy chính trị Việt Nam - Campuchia
VOV.VN - Chuyến thăm Campuchia của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã thành công rất tốt đẹp, góp phần tăng cường tin cậy chính trị giữa hai bên; thúc đẩy các quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư; tăng cường hợp tác giữa hai Quốc hội; thúc đẩy giao lưu nhân dân.
Với gần 30 hoạt động diễn ra trong 4 ngày, chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia; tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Hội nghị các đảng chính trị châu Á (ICAPP 12) và Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Nghị viện quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP 11) tại Campuchia của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, nhà nước ta đã thành công rất tốt đẹp, góp phần tăng cường tin cậy chính trị giữa hai bên; thúc đẩy các quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư; tăng cường hợp tác giữa hai Quốc hội; thúc đẩy giao lưu nhân dân.
Đề cao lợi ích, nguyện vọng của nhân dân làm trung tâm trong hợp tác nghị viện
Đất nước chùa Tháp những ngày vừa qua rực rỡ cờ hoa chào đón các đại biểu dự 2 hội nghị quan trọng do Campuchia làm nước chủ nhà. Đặc biệt hơn cả, tại trụ sở Quốc hội Campuchia, hình ảnh của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Samdech Khuon Sudary được treo trang trọng nhằm đón Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm chính thức Campuchia.
Lễ đón Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn được Chủ tịch Quốc hội Samdech Khuon Sudary dành nghi lễ cấp cao nhất.
Trong bầu không khí ấm áp, chân thành, cởi mở và thẳng thắn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, nhà nước ta và lãnh đạo cấp cao của Campuchia, các bộ ngành đã cùng nhau trao đổi, nhằm tăng cường thúc đẩy mối quan hệ rất tốt đẹp giữa hai bên theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện và bền vững lâu dài”.
Tại các cuộc tiếp xúc cấp cao của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn với các nhà lãnh đạo Campuchia, Quốc vương Norodom Sihamoni, Chủ tịch Thượng viện Samdech Hun Sen, Chủ tịch Quốc hội Samdech Khuon Sudary, Thủ tướng Chính phủ Samdech Hun Manet đều đánh giá cao sự phát triển của Việt Nam thời gian qua; đồng thời cho rằng, sự gắn bó giữa hai dân tộc trong suốt quá trình lịch sử phát triển cũng như đấu tranh giành độc lập dân tộc và trân trọng cảm ơn sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân Campuchia.
Ông Puy Kea, Chủ tịch Câu lạc bộ các nhà báo Campuchia chia sẻ, tại các cuộc gặp của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam với lãnh đạo cấp cao Campuchia, ông thấy có sự thân tình rất đặc biệt, gương mặt tươi cười, gần gũi, không có khoảng cách nào với nhau, điều này thể hiện sự chân tình của lãnh đạo cấp cao hai nước. Tất cả các cuộc gặp, hai bên đều nhấn mạnh, tiếp tục củng cố, đẩy mạnh hợp tác giữa Campuchia và Việt Nam để hai bên tiếp tục thực hiện những thỏa thuận đã ký kết và củng cố mở rộng các hợp tác mới để cùng nhau phát triển.
Về hợp tác giữa hai Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Campuchia đều nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay chỉ có đoàn kết và hợp tác chặt chẽ mới giúp cả hai quốc gia vượt qua những thách thức. Hợp tác song phương không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần thúc đẩy sự thịnh vượng chung trong khu vực Đông Nam Á, đồng thời nâng cao vị thế của hai quốc gia trên trường quốc tế.
Hai Chủ tịch Quốc hội nhất trí phối hợp chặt chẽ, tiếp tục phát huy, thúc đẩy kết quả hợp tác tốt đẹp giữa Quốc hội hai nước. Với việc đề cao lợi ích và nguyện vọng của nhân dân làm trung tâm trong hợp tác nghị viện, nhằm đưa hợp tác giữa Quốc hội hai nước sẽ phát triển lên tầm cao mới.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà, trong bối cảnh hai nước đang tích cực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển với các cột mốc năm 2030 và 2045 với Việt Nam và năm 2050 của Campuchia, việc hình thành khuôn khổ pháp lý để thực hiện các mục tiêu phát triển là nhiệm vụ rất quan trọng đối với cơ quan lập pháp hai nước. Hai Quốc hội cũng sẽ tăng cường phối hợp để giám sát việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa hai bên, tăng cường giao lưu giữa các cơ quan của Quốc hội, các nhóm nghị sĩ hữu nghị, nhóm nghị sĩ trẻ, nữ nghị sĩ để mối quan hệ ngày càng khăng khít hơn.
Trong các cuộc hội kiến, hội đàm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và lãnh đạo cấp cao của Bạn cũng đều nhấn mạnh, đó là hai bên tiếp tục đổi mới và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để nhân dân, đặc biệt đối với thế hệ trẻ hai nước nhận thức đúng đắn về mối quan hệ truyền thống đoàn kết hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam - Campuchia.
Người phát ngôn Đảng Nhân dân Campuchia ông Sok Eysan cho rằng, qua các cuộc gặp chúng ta thấy hai bên luôn lạc quan về mối quan hệ tình bạn, đoàn kết và sự hợp tác của hai nước ngày càng tiến triển tốt đẹp. Sự hiện diện của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam thể hiện sự hợp tác giữa 2 nước, đó là lãnh đạo cấp cao của 2 nước thường xuyên tiến hành chuyến thăm, đây là truyền thống từ lâu. Dựa trên mối quan hệ hợp tác và chuyến thăm cấp cao của hai nước cho thấy, mối quan hệ tình bạn, đoàn kết và hợp tác của 2 nước Việt Nam - Campuchia luôn trường tồn.
Tháp tùng Chủ tịch Quốc hội trong chuyến công tác này, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cũng đã có cuộc làm việc với Hiệp doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia để lắng nghe nguyện vọng, vướng mắc của các doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam sẽ làm việc với Chính phủ Campuchia để hai bên thống nhất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp của Việt Nam đầu tư ở Campuchia hiệu quả: "Cần phải hỗ trợ doanh nghiệp mạnh mẽ, để doanh nghiệp chúng ta đầu tư ở đây một cách hiệu quả hơn, mạnh hơn; làm cho quan hệ hữu nghị giữa hai nước ngày một tốt đẹp; đồng thời cũng tạo ra được những sản phẩm và hiệu quả lớn cho nền kinh tế".
Trong chuyến thăm lần này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng với Chủ tịch Quốc hội Khuon Sudary đã cắt băng khánh thành Tòa nhà hành chính mới của Quốc hội Campuchia, đây là công trình biểu tượng của tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống Việt Nam - Campuchia được Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trao tặng Nhà nước và nhân dân Campuchia nhân chuyến thăm cấp Nhà nước Vương quốc Campuchia của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7 năm 2017 và được khởi công xây dựng vào tháng 12 năm 2021. Công trình được khánh thành là niềm vui chung của hai Quốc hội và nhân dân hai nước.
Hòa bình là khi hiểu và đồng cảm với mỗi con người, bất kể màu da, tôn giáo, dân tộc
Cũng trong chuyến thăm chính thức Campuchia, lần đầu tiên, đoàn Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Hội nghị các đảng chính trị châu Á (ICAPP 12), Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Nghị viện quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP 11), với tư cách là khách mời của nước chủ nhà.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, nhà nước ta, phát biểu tại Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Hội nghị các đảng chính trị châu Á, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, chủ đề của hội nghị “Tìm kiếm hòa bình và hòa giải” thể hiện nỗ lực và cam kết của các đảng chính trị tại khu vực đối với nỗ lực gây dựng đoàn kết, chung tay hợp tác, góp phần thúc đẩy giải quyết các xung đột, điểm nóng.
"Là các đảng cầm quyền, tham chính, có tiếng nói và vai trò hoạch định chiến lược và triển khai chính sách, chúng ta cần và hoàn toàn có thể phát huy sức mạnh chung thông qua Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á hiện thực hóa mục tiêu chung vì hòa bình, an ninh, thịnh vượng và phát triển trên thế giới nói chung và khu vực châu Á của chúng ta nói riêng. Chìa khóa để giải quyết hòa bình các bất đồng, xung đột hiện nay là thông qua đối thoại và hợp tác đa phương trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc"-Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói.
Bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn được các đại biểu tham dự hội nghị đánh giá cao, Quốc vụ khanh bộ Thông tin Campuchia ông Kim Kun Voath chia sẻ, ông rất ấn tượng với bài phát biểu đầy ý nghĩa và nhiều nội dung quan trọng của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại hội nghị ICAPP 12. Ngài Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đã nói về tình hình thực tế tại Campuchia; đồng thời cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của đối tác, của sự tôn trọng lẫn nhau khi xảy ra mâu thuẫn cũng như có những vấn đề phát sinh và điều quan trọng nhất là hợp tác và trao đổi nhằm mang lại lợi ích cho cả hai bên. Điều này là gốc của hòa bình.
Còn tại Phiên họp toàn thể lần thứ 11 Nghị viện quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP 11) với chủ đề “Tìm kiếm hòa bình, hòa giải và bao dung”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, đúng như tên gọi, Nghị viện Quốc tế có sứ mệnh vô cùng quan trọng. Khi nhân loại bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ 21, các nước phải đối mặt với một nghịch lý: trong khi nền văn minh, khoa học công nghệ và sự tiến bộ của nhân loại đang phát triển chưa từng có thì thế giới mà chúng ta đang sống lại đối mặt cùng lúc với nhiều xung đột cục bộ và khủng hoảng phức tạp chưa từng thấy kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, hòa bình không chỉ là việc không có chiến tranh, mà còn là sự tôn trọng, yêu thương và chia sẻ giữa các dân tộc, các quốc gia. Hòa bình là khi chúng ta hiểu và đồng cảm được với mỗi con người, bất kể màu da, tôn giáo hay nguồn gốc dân tộc. Hoà bình là nhằm bảo đảm mỗi con người đều xứng đáng được sống một cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong một môi trường an toàn, không bị phân biệt đối xử.
Từ khóa của hai hội nghị này chính là hòa bình và hòa giải. Đối với Việt Nam, là dân tộc trải qua nhiều cuộc chiến tranh nên hơn ai hết, Việt Nam hiểu thế nào là giá trị của hòa bình và luôn luôn phấn đấu vì nền hòa bình bền vững cho nhân loại trên cơ sở tôn trọng quyền tự quyết của mỗi dân tộc, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia, tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Vì thế, việc Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thay mặt lãnh đạo Đảng và nhà nước ta tham dự hai hội nghị này khẳng định, Việt Nam đã và đang nỗ lực cùng với bạn bè quốc tế để duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác, phát triển không chỉ ở trong khu vực mà còn trên toàn thế giới.