Tăng cường vai trò của Nghị viện trong phòng chống HIV/AIDS

Mức độ ảnh hưởng của đại dịch HIV/AIDS phụ thuộc rất nhiều vào cam kết chính trị cao và các hành động tức thời của lãnh đạo các quốc gia, trong đó có vai trò quan trọng của các Nghị viện và cá nhân các Nghị sĩ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định như vậy tại Hội thảo "Tăng cường vai trò của Nghị viện trong phòng chống HIV/AIDS" diễn ra sáng nay (10/12), tại Hà Nội. Hội thảo do Quốc hội Việt Nam và Liên minh nghị viện thế giới tổ chức. Các đoàn nghị viện các nước thành viên Liên minh Nghị viện Thế giới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, nhóm tư vấn IPU về HIV/AIDS tham dự Hội thảo...

Trong 2 thập kỷ qua, kể từ khi ca nhiễm HIV/AIDS đầu tiên trên thế giới được phát hiện vào đầu những năm 1980, có khoảng 60 triệu người trên thế giới nhiễm HIV và 25 triệu người chết do HIV/AIDS. Căn bệnh thế kỷ này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển giống nòi của loài người mà còn gây ra nhiều thách thức đối với an ninh và sự phát triển bền vững về kinh tế-xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới.

Tại Việt Nam, ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện vào tháng 12 năm 1990, đến ngày 30-09 vừa qua đã phát hiện gần 157 nghìn trường hợp nhiễm HIV còn sống và hơn 44 nghìn trường hợp đã tử vong.

Tại Hội thảo, các đại biểu cùng thảo luận về các biện pháp đối phó của Việt Nam và khu vực đối với với HIV/AIDS nhằm giải quyết các vấn đề xã hội và cơ cấu cơ bản làm gia tăng các nhóm dễ bị tổn thương và  cách thức các nhà làm luật có thể tác động nhằm thúc đẩy những chương trình và dịch vụ liên quan đến HIV cho các nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Đồng thời xem xét các lĩnh vực như: bảo vệ chống phân biệt đối xử, các quyền cơ bản của người bị lây nhiễm HIV; đề xuất các biện pháp hiệu quả có thể làm giảm đại dịch HIV trong khu vực.

Phát biểu tại Hội thảo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: “Mỗi năm sẽ có thêm khoảng 500.000 trường hợp mới nhiễm HIV, nếu các quốc gia không tăng cường các hoạt động ngăn chặn sự lây lan của loại virus này. Chúng ta càng chậm trễ trong việc tiến hành các hoạt động can thiệp thì các tổn thất về sinh mạng, sức sản xuất và chi phí y tế của gia đình người bệnh và quốc gia sẽ ngày càng lớn”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên