Tăng vọt số dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ

Năm 2011, Nghị quyết Quốc hội chỉ cho thực hiện 40 dự án vốn trái phiếu Chính phủ nhưng đến thời điểm báo cáo số dự án đã tăng 333 dự án.

Chiều 31/10, tiếp tục chương trình kỳ họp, Quốc hội thảo luận ở tổ về Chương trình mục tiêu quốc gia 5 năm 2011-2015; Chương trình sử dụng trái phiếu  Chính phủ 5 năm 2011-2015.

Các đại biểu cơ bản đồng tình Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm của Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội về kế hoạch sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ 5 năm qua, đặc biệt năm 2011 và kế hoạch 5 năm tới 

Đại biểu Lê Văn Học (đoàn Lâm Đồng) cho rằng: Đây là chủ trương đúng đắn của Chính phủ nhằm nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, nông nghiệp, nông thôn, y tế, giáo dục… và đã đạt được những hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị: “Quốc hội cần làm rõ, năm 2011, theo nghị quyết Quốc hội chỉ cho thực hiện 40 dự án vốn trái phiếu Chính phủ nhưng đến thời điểm báo cáo trình Quốc hội số dự án đã tăng 333 dự án. Số vốn khởi công các dự án này lớn hơn rất nhiều vốn trái phiếu Chính phủ. Theo đó, cần làm rõ các công trình thuộc loại nào?”.

Đại biểu Lê Văn Học đề nghị Chính phủ cần báo cáo cụ thể hơn để ít nhất đại biểu Quốc hội biết trách nhiệm thuộc Bộ, ban, ngành nào quản lý để rút kinh nghiệm cho năm sau.

Về phân bổ sử dụng trái phiếu Chính phủ 2011-2015, các đại biểu thống nhất với báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, một phần trả nợ cho các dự án hoàn thành, còn đối với những dự án đã khởi công dự kiến hoàn thành thì cần phải nêu rõ tiêu chí đã hoàn thành 70% khối lượng công việc mới được cấp vốn đầy đủ.

Đại biểu Lê Đình Khanh (đoàn Hải Dương) cho rằng: Quá trình thực hiện công trình vốn trái phiếu Chính phủ chưa có tiêu chí cụ thể, thiếu quy định rõ ràng nên mỗi năm lại phải bổ sung thêm dẫn đến tình trạng nguồn vốn tăng vọt. Ban đầu vốn hơn 60 tỷ đến nay tăng hơn 600 tỷ đồng. Với khoản tăng quá lớn như vậy, dĩ nhiên có cả yếu tố trượt giá, nhưng cũng thể hiện chúng ta không có cách làm bài bản, lâu dài.

“Việc không đưa trái phiếu Chính phủ vào cân đối trong ngân sách nhà nước hàng năm dẫn đến tình trạng chạy chọt theo kiểu xin - cho. Để chấm dứt tình trạng này, Quốc hội cần ra một Nghị quyết để việc thực hiện các dự án có vốn từ trái phiếu Chính phủ được nghiêm túc hơn”- đại biểu Lê Đình Khanh nói.

Đại biểu Lê Văn Học cũng đề nghị ưu tiên một số dự án quan trọng như đường giao thông xã ở một số tỉnh miền núi (như Lâm Đồng). “Đây là vấn đề chúng ta thực hiện chậm 5 năm so với báo cáo Chính phủ trước đây là đến năm 2007 tất cả các xã ô tô có thể đi vào được”, đại biểu Lê Văn Học cho biết.

Thống nhất tiêu chí “kiên cố hóa” trường lớp

Các đại biểu cho rằng, các tiêu chí về kiên cố hóa trường lớp chưa được thống nhất trong toàn quốc. Có nơi hiểu là nhà mái bằng bê tông mới là kiên cố, có nơi chỉ là tường gạch, lợp ngói cũng được coi là kiên cố hóa. Vì thế cần phải xác định “kiên cố hóa” từ định nghĩa cho đến tiêu chí kỹ thuật và phải thống nhất trong toàn quốc. Chính vì cách hiểu như hiện nay nên số liệu kiên cố hóa trường lớp của ngành giáo dục mỗi năm một khác, năm sau cao hơn năm trước nhưng thực tế lại chưa cải thiện được là bao nhiêu.

Đề cập vấn đề đối ứng công trình, một số đại biểu bức xúc cho rằng các tỉnh, huyện không thể có tiền để đối ứng. Chính vì vậy, để đáp ứng tiêu chí này, vốn đầu tư cho 1m2 công trình bị giảm xuống để xây đủ số phòng học cam kết xây trong dự án nên chất lượng công trình kém… Ngoài ra, các công trình phụ trợ cũng bị bỏ lửng vì không có vốn. Những bất cập này theo các đại biểu cần xem xét trước khi đầu tư trong giai đoạn này.

Các đại biểu cũng đồng tình với việc các công trình ký túc xá sinh viên nên chuyển sang đầu tư từ các nguồn khác không sử dụng trái phiếu Chính phủ. Theo cách làm này sinh viên có thể ở với giá cao hơn nhưng điều kiện ăn ở tốt hơn.

Các đại biểu cũng kiến nghị, những công trình trái phiếu Chính phủ chỉ nên thực hiện trong thời gian dưới 5 năm chứ không nên quá 10 năm vì nếu kéo dài sẽ chênh lệch giá cả, khó giám sát hiệu quả.

Giảm đầu mối các chương trình, mục tiêu

Về mục tiêu quốc gia 5 năm (2011-2015), theo các đại biểu, những chương trình mục tiêu quốc gia đang thực hiện có ý nghĩa hết sức quan trọng. Tuy nhiên, có những chương trình kinh phí ít và thực hiện gần như thường xuyên, hàng ngày chứ không mang tính mục tiêu lớn nên cần điều chỉnh.

Đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) đề xuất 16 chương trình mục tiêu quốc gia 5 năm của Chính phủ nên lồng ghép các mục tiêu chương trình tương tự để giảm đầu mối nhưng các nội dung công việc của các chương trình này vẫn được thực hiện đầy đủ. Cụ thể, chương trình nước sạch môi trường nông thôn, chương trình môi trường làng nghề lồng vào Chương trình xây dựng nông thôn mới vẫn đảm bảo thể hiện đầy đủ nội dung của các chương trình này. Theo đại biểu việc lược bớt để số lượng dự án trong một chương trình vừa phải kinh phí có thể đáp ứng trong giai đoạn từ 3-5 năm.

Chương trình phòng chống ma túy và chương trình phòng chống tội phạm nên thành một Chương trình phòng chống tội phạm và ma túy; Lồng ghép chương trình HIV/AIDS vào chương trình y tế như vậy sẽ còn 12 chương trình mục tiêu quốc gia vẫn bao gồm 16 nội dung như dự kiến.

Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung thảo luận việc quan tâm Chương trình xây dựng nông thôn mới là hoàn toàn thỏa đáng nhưng cần xây dựng lại bộ tiêu chí cho phù hợp điều kiện địa phương, vùng miền khác nhau;  Chương trình đưa thông tin về cơ sở nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa biên giới, hải đảo là cần thiết để những nơi này có thông tin kịp thời và mang tính thời sự.

Về vấn đề môi trường làng nghề, Đại biểu Phạm Xuân Thăng (đoàn Hải Dương) cho rằng, để phù hợp với giai đoạn trước mắt cần xác định phạm vi thực hiện chỉ là khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên