Thái Bình cần khai thác lợi thế để phát triển

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tỉnh cần khai thác lợi thế về nguồn nhân lực tốt, vị trí tiếp giáp Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc nhằm thu hút và phát triển nhanh công nghiệp công nghệ cao

Sau khi thăm và làm việc tại Nam Định, chiều 10/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn công tác Chính phủ đã đến thăm, làm việc tại tỉnh Thái Bình.

Trước khi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, Thủ tướng đã đến thăm, nói chuyện với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thanh Tân, (huyện Kiến Xương), một trong 8 xã xây dựng điểm mô hình nông thôn mới ở Thái Bình.

 

Sau hơn 1 năm triển khai mô hình nông thôn mới, Thanh Tân đã xây dựng hơn 16km giao thông nội đồng, xây dựng trạm bơm và kiến cố hóa kênh mương, cắm mốc bê tông lộ giới thủy lợi nội đồng và hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa, nâng cấp sân vận động, xây dựng nhà văn hóa truyền thống, đào tạo nghề cho lao động, nâng cao kiến thức tin học, sản xuất cho bà con nông dân…

Với phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm, Thanh Tân đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, không chỉ đem lại sự đổi thay tích cực về diện mạo nông thôn mà năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất cũng ngày càng nâng cao. Tới đây, Thái Bình sẽ nhân rộng mô hình này trong toàn tỉnh.  

Thủ tướng trò chuyện với bà con xã Thanh Tân

Nói chuyện với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thanh Tân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Xây dựng nông thôn mới phải gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Muốn kinh tế phát triển,  trước hết sản xuất công-nông nghiệp và dịch vụ phải hiệu quả. Không chỉ chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ mà ngay cả giá trị tuyệt đối trong từng lĩnh vực cũng phải tăng lên bằng cách đưa nhanh khoa học công nghệ vào sản xuất.

Thủ tướng cũng phân tích một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó nhấn mạnh đến xây dựng lối sống, nhân cách văn hóa, văn minh đối với từng người, từng gia đình và làng xóm. Thủ tướng nêu rõ: Nông thôn mới không thể để học sinh đến tuổi mà không được đi học, nhân dân không được chăm sóc sức khỏe, thanh niên không được đào tạo nghề và thất nghiệp. Nông thôn mới phải đảm bảo môi trường từ nước sạch, đến xử lý rác thải, phát triển đồng bộ hệ thống giao thông, thủy lợi, không còn hộ nghèo, không tệ nạn xã hội, an ninh trật tự được giữ vững và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Thủ tướng nhấn mạnh đến công tác quy hoạch là yếu tố quan trọng để xây dựng nông thôn mới phát triển hiệu quả và bền vững; đồng thời đề cao tính sáng tạo, tinh thần trách nhiệm và sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân. Đây cũng là một trong những nội dung Thủ tướng lưu ý lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thái Bình trong cuộc họp chiều nay.

Cùng với yêu cầu lãnh đạo tỉnh Thái Bình quyết liệt trong chỉ đạo và điều hành, phấn đấu vượt mức các chỉ tiêu KTXH đã đề ra trong năm nay, Thủ tướng yêu cầu tập trung chỉ đạo và tổ chức tốt Đại hội Đảng các cấp. Văn kiện Đại hội phải đề ra các chỉ tiêu cụ thể, giải pháp thiết thực, có tính khả thi cao; tập trung xây dựng Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm tới phát huy tiềm năng, lợi thế và các nguồn lực để phát triển nhanh hơn, bền vững và hiệu quả.

Thủ tướng chỉ rõ: Thái Bình cần khai thác lợi thế về nguồn nhân lực tốt, vị trí tiếp giáp Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc nhằm thu hút và phát triển nhanh công nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng các sản phẩm nông nghiệp cũng như phát triển các loại hình dịch vụ…

Cũng tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương đã cho ý  kiến về các đề suất của tỉnh trong việc triển khai dự án thăm dò, khai thác bể than sâu của đồng bằng sông Hồng, dự án đường cao tốc ven biển đoạn qua Thái Bình; xây dựng kè chắn cát, ổn định luồng vào cảng Diêm Điền; nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên