Tham nhũng có nguyên nhân từ cơ chế xin-cho và bộ máy cồng kềnh
VOV.VN - Theo Đại tá, PGS.TS Phạm Văn Sơn, bộ máy hành chính Nhà nước còn cồng kềnh; một số cơ chế xin - cho vẫn tồn tại... là những nguyên nhân gây ra tham nhũng.
Theo đánh giá của Liên hợp quốc (UN), tham nhũng đã trở thành một vấn nạn toàn cầu mà không quốc gia nào có thể tránh khỏi. Các báo cáo cho thấy, tham nhũng trên toàn cầu đã cướp đi khoảng 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới, tương đương 2,6 nghìn tỷ USD.
Ngày Quốc tế Phòng, chống tham nhũng được tổ chức trên toàn cầu vào ngày 9/12 hàng năm nhằm nâng cao nhận thức về tham nhũng và các cách để chống lại "căn bệnh" toàn cầu này.
Đối với Việt Nam, những năm gần đây, chúng ta đã quyết liệt triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và kiên quyết xử lý những trường hợp tham nhũng, vi phạm điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật Nhà nước. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng đi vào chiều sâu, với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, bất kể người đó là ai. Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân và đang trở thành xu thế không thể đảo ngược.
Nhân ngày quốc tế phòng chống tham nhũng 9/12, phóng viên VOV phỏng vấn Đại tá, PGS.TS Phạm Văn Sơn, nguyên Quyền Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn quân sự (Bộ Quốc phòng).
PV: Thưa PGS.TS Phạm Văn Sơn, "căn bệnh" tham nhũng xuất hiện khi nào?
Đại tá Phạm Văn Sơn: Chúng ta cần biết rằng, tham nhũng là sản phẩm của xã hội có giai cấp và Nhà nước. Có nhà nước là có nguy cơ sinh ra "căn bệnh" tham nhũng, không phân biệt nhà nước đó là XHCN hay TBCN.
Theo Báo cáo chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2022 do tổ chức Minh bạch quốc tế công bố trên thế giới: Không có quốc gia nào là không có tham nhũng; không có Nhà nước nào là hoàn toàn minh bạch và trong sạch.
Báo cáo cho thấy, Đan Mạch là quốc gia có điểm số cao nhất thế giới trong bảng xếp hạng. Nhưng cũng chỉ đạt là 90/100 điểm. Và Việt Nam xếp thứ hạng là 80/180 nước trong bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng. Như vậy, đồng nghĩa là còn có 100 quốc gia, vùng lãnh thổ đang xếp dưới nước ta trong bảng xếp hạng đó.
PV: Ông có thể điểm lại một số vụ tham nhũng lớn trên thế giới ?
Đại tá Phạm Văn Sơn: Trong lịch sử và đặc biệt là những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến nhiều vụ án tham nhũng gây chấn động thế giới, nhất là với những người đứng đầu của bộ máy Nhà nước. Nổi lên trong số đó có vụ Watergate với bê bối lợi dụng quyền lực chính trị để trục lợi từ năm 1972 - 1974 của Tổng thống Mỹ Richard Nixon, buộc ông phải từ chức trước khi bị phế truất.
Hay như là Arnoldo Aleman, Tổng thống thứ 81 của Nicaragua đã bị bắt với cáo buộc tham nhũng liên quan đến 100 triệu USD. Hay cựu Tổng thống Philippines Joseph Estrada phạm tội nhận 80 triệu USD vì nhận "lại quả" về thuế và tiền hối lộ của các quan chức, phải ngồi tù chung thân vào năm 2013.
Hay như cựu nữ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị kết án 20 năm tù giam vì các tội danh tham nhũng và sử dụng trái phép các quỹ "đen" của chính phủ vào năm 2016... Điều đó cho thấy rõ hơn, tham nhũng là vấn nạn của tất cả các nước, không phân biệt thể chế chính trị.
Hiện nay, tham nhũng là vấn đề mang tính toàn cầu nhưng đồng thời nó cũng chứa đựng những yếu tố đặc thù cả về tính chất, mức độ gắn với từng quốc gia. Về cơ bản, mỗi quốc gia có những nguyên nhân, điều kiện phát sinh tham nhũng riêng, nhưng cũng có một số nguyên nhân, điều kiện mang tính chất chung, tương đồng.
PV: Nguyên nhân tương đồng mà ông muốn nói đến ở đây là gì?
Đại tá Phạm Văn Sơn: Có thể kể đến điều kiện mang tính chất chung, tương đồng đó là sự phát triển của các hình thái Nhà nước, đặc biệt là trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường, các quan hệ kinh tế, chính trị đã tạo ra tiền đề khách quan cho tham nhũng nảy sinh phát triển.
Khi quản lý kinh tế -xã hội còn lỏng lẻo, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện hoặc việc thực thi pháp luật còn yếu; bộ máy hành chính Nhà nước còn cồng kềnh; một số cơ chế xin - cho vẫn tồn tại, chính sách đãi ngộ, nhất là vấn đề tiền lương cho cán bộ công chức chưa thỏa đáng, phẩm chất chính trị, đạo đức của những người có chức có quyền bị suy thoái...… Đây là những căn nguyên trực tiếp của tham nhũng cần phải được quan tâm giải quyết để kiểm soát, hạn chế tham nhũng.
PV: Tham nhũng, tiêu cực được Đảng ta xác định là một trong bốn nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của chế độ. Vì sao tham nhũng, tiêu cực lại có thể gây ra những thiệt hại khó kiểm soát như vậy?
Đại tá Phạm Văn Sơn: Hậu quả của tham nhũng là vô cùng nguy hại. Nó làm suy giảm lòng tin của nhân dân với Đảng và hệ thống chính trị, cản trở quá trình đi lên CNXH của đất nước, làm chậm nhịp độ phát triển, hạn chế các nguồn lực đầu tư, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước và người dân cũng như doanh nghiệp; phá hoại những giá trị đạo đức tốt đẹp, làm tha hóa đạo đức của cán bộ, gây bất bình trong xã hội, làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo.
Bởi lẽ đó, tham nhũng được Đảng ta coi là kẻ thù, là giặc nội xâm và là một trong bốn nguy cơ lớn của sự nghiệp cách mạng, cũng như của chế độ XHCN. Do vậy, phòng chống tham nhũng là cuộc đấu tranh lâu dài, khó khăn, phức tạp và được Đảng ta quan tâm tiến hành trong suốt quá trình cách mạng, đặc biệt là trong quá trình đổi mới. Phòng chống tham nhũng là nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy Nhà nước, để phát triển đất nước.
PV: Xin cảm ơn ông!