Tháng 5 về nhớ người lính Trường Sơn
VOV.VN - Những ngày tháng 5 lịch sử, đúng dịp kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn (19/5/1959-19/5/2024), tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, hàng ngàn cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ và du khách về dâng hương, dâng hoa, tưởng nhớ Anh hùng liệt sĩ, những người lính mở đường năm xưa đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.
Thắp nén hương thơm lên phần mộ liệt sĩ ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, ông Nguyễn Văn Hùng, ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An bùi ngùi xúc động: “Cuộc chiến tranh ác liệt và lâu dài. Đặc biệt, chúng ta mở đường Trường Sơn thực hiện ý đồ tác chiến của chúng ta là giải phóng miền Nam. Đã nói đến Trường Sơn thì đèo cao, hào sâu, đường rừng núi rất là hiểm trở, đặc biệt máy bay Mỹ luôn luôn đánh phá ác liệt. Cho nên sự hy sinh ở mặt trận đường Trường Sơn này rất lớn và cứ mỗi lần đến đây thì chúng tôi lại đến những nấm mộ- nơi yên nghỉ của các liệt sĩ và cảm giác được sự hy sinh rất lớn”.
Đại tá Lê Kim Thơ, nguyên trợ lý Trung đoàn 251, Binh đoàn Trường Sơn vẫn không thể nào quên một thời kỳ oanh liệt. Con đường Trường Sơn -đường mòn Hồ Chí Minh gắn với biết bao chiến công hiển hách. Hàng vạn cán bộ, bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến cùng đồng bào các dân tộc đã lao động, chiến đấu kiên cường, vừa đánh địch vừa phá đá mở đường chi viện kịp cho chiến trường.
Đại tá Lê Kim Thơ chia sẻ, bom đạn liên tục, đồng đội của ông hy sinh rất nhiều: “Chúng tôi đảm bảo một đoạn đường từ Đường 9, phía Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn vào đến tận Khâm Muộn đến Tà Beng Ọc ở bên Lào. Trong thời điểm địch đánh rất ác liệt, tắc chỗ này mình phát cây mở đường cho xe đi chỗ khác. Không có giờ phút nào không có máy bay, bom đạn trên tuyến Trường Sơn nhưng mà vẫn cứ thông đường”.
Trong suốt 16 năm, từ 1959 đến 1975, hàng chục vạn bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến từ mọi miền Tổ quốc đã đóng góp sức lực, trí tuệ, máu xương trên đường Trường Sơn huyền thoại. Sau ngày đất nước thống nhất, Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn được xây dựng ở khu đồi Bến Tắt, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn quy tụ 10.263 phần mộ liệt sỹ hy sinh trên đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kì chống Mỹ cứu nước.
Ông Nguyễn Duy Tuyến, 83 tuổi, cựu chiến binh của Binh đoàn 559 trở về chiến trường xưa Quảng Trị nhớ lại: “Cứ một lần được về chiến trường xưa thì trong thâm tâm của chúng tôi đều được ôn lại tất cả. Trước hết là gặp gỡ anh em đồng chí, đồng đội của mình cho đến giờ phút này. Đối với những anh em đã hy sinh, chúng tôi đến để tri ân anh em”.
Nhiều đoàn cán bộ, Đảng và Nhà nước, chính quyền các địa phương cũng đến viếng, tri ân Anh hùng liệt sĩ. Đây còn là nơi hành hương của nhân dân khắp mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế. Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn trở thành công trình văn hóa tâm linh, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, vừa giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị cho hay: đơn vị luôn sẵn sàng công tác chuẩn bị chu đáo các nghi lễ, để các đoàn đến viếng, đặc biệt là thân nhân liệt sĩ cảm thấy ấm lòng: "Đối với thân nhân và gia đình liệt sĩ có mộ đang an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Sở thực hiện việc đón tiếp, hướng dẫn và đồng thời giúp cho gia đình thân nhân liệt sĩ khi đến thăm viếng, chuẩn bị lễ, hướng dẫn nơi ăn, chốn nghỉ. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tạo điều kiện hết sức cho những thân nhân có khó khăn về mặt phương tiện, cùng với đó, sẵn sàng bố trí phương tiện làm ấm thêm lòng thân nhân liệt sĩ khi đến đây".