“Thành công của Việt Nam phần lớn là nhờ Đảng Cộng sản”
VOV.VN - Đây là khẳng định của Giáo sư Faisal Ahmed, nhà nghiên cứu kinh tế của trường Quản lý FORE, New Delhi, Ấn Độ trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Phan Tùng, thường trú Đài TNVN tại Ấn Độ.
Phóng viên: Xin chào GS Faisal Ahmed. Là nhà nghiên cứu kinh tế đã quan sát sự phát triển của Việt Nam trong những năm qua, ông đánh giá như thế nào về thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực này và điều kiện để tạo ra điều đó?
Giáo sư Faisal Ahmed: Tôi nghĩ rằng kể từ khi Việt Nam bắt đầu mở cửa, cải cách kinh tế, năng suất và sản lượng công nghiệp đã tăng đáng kể. Và Đảng Cộng sản Việt Nam thực sự đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc này. Dấu ấn thứ nhất tôi quan sát được là bình đẳng xã hội ở đất nước này. Cách thức bình đẳng xã hội tồn tại trong xã hội Việt Nam đã tạo cơ hội cho tất cả mọi người ở mọi tầng lớp trong xã hội hòa nhập vào quá trình phát triển kinh tế.
Một điều quan trọng khác bên cạnh bình đẳng xã hội là công nghiệp hóa thông qua phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chúng ta đã thấy rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất hiện ở Việt Nam thông qua nhiều phương thức kết nối khác nhau và thông qua các chính sách của chính phủ Việt Nam. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ này thực sự đang đóng góp vào khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam. Họ cũng đóng góp vào vị thế thương mại quốc tế của Việt Nam.
Chúng ta cũng cần quan sát thành công của Việt Nam trên khía cạnh chiến lược và quan hệ quốc tế. Điều này cũng liên quan tới vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam và cách Việt Nam cố gắng định vị mình trên trường quốc tế. Những năm qua, Việt Nam đã xây dựng được ảnh hưởng quốc tế tốt và đã phát triển rất tốt sự hiện diện quốc tế của mình. Tôi muốn nói là cả trong ASEAN, trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trên toàn cầu cũng như với các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ… Vì vậy, tôi nghĩ rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đã tạo ra sự cân bằng trong mối quan hệ quốc tế và tăng cường vị thế của mình về mặt chiến lược, cả trong khu vực và trên toàn cầu. Các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới lần lượt tới thăm Việt Nam cho thấy vai trò và vị thế mà Việt Nam đã đạt được. Việt Nam được coi là quốc gia thân thiện, hợp tác, trung lập, không đứng về bên nào; đồng thời cũng là một nền kinh tế đang trong quá trình công nghiệp hóa rất tiến bộ. Tôi nghĩ rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đã thành công đáng kể trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế quốc tế của Việt Nam.
Phóng viên: Ông vừa nhắc tới thành công về phát triển kinh tế và đảm bảo công bằng xã hội tại Việt Nam. Vậy cụ thể điều này là gì?
Giáo sư Faisal Ahmed: Như tôi đã nói, đảm bảo công bằng xã hội làm một trong những yếu tố chính tạo nên tăng trưởng kinh tế. Đó là bởi chỉ khi chúng ta đảm bảo được công bằng trong xã hội, chúng ta mới có thể thực sự trao quyền về kinh tế cho người dân. Người ta gọi đây là trao quyền về kinh tế. Thành công này của Việt Nam chính một phần lớn là nhờ sự đóng góp của Đảng Cộng sản.
Đó là những gì đã xảy ra ở Việt Nam trong những năm qua. Nếu ta nhìn vào nhiều lĩnh vực khác như sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, quá trình công nghiệp hóa đang diễn ra, sự tham gia vào các chuỗi giá trị và thương mại toàn cầu, tất cả những điều này cho thấy nỗ lực to lớn mà Chính phủ và Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực hiện để định vị và đưa Việt Nam đến một vị thế mới. Chúng ta có thể nói rằng Việt Nam ngày nay có khả năng cạnh tranh xuất khẩu cao, vị thế quốc tế cao trên trường quốc tế và khu vực, và tiềm năng to lớn để trở thành một quốc gia xuất sắc về mặt thương mại.
Phóng viên: Đảng Cộng sản Việt Nam đặt mục tiêu đưa đất nước vào kỷ nguyên mới, và trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045. Vậy ông có nghĩ Việt Nam đủ cơ sở để tự tin vào tương lai này không?
Giáo sư Faisal Ahmed: Tôi nghĩ đây là một mục tiêu thực tế nếu xét trên tầm nhìn chiến lược. Trước hết nếu muốn trở thành một nền kinh tế phát triển trong 20 hay 30 năm nữa, chúng ta cần phải xem xét các mô hình của ngày hôm nay, các xu hướng của ngày hôm nay, để xem liệu điều này có dẫn bạn đến một tương lai thịnh vượng, nơi bạn có thể trở thành một nền kinh tế phát triển hay không. Xét trên mô hình hiện tại, với những gì Việt Nam đang làm, lợi thế là đa dạng hóa xuất khẩu. Trong 20 năm qua, Việt Nam từ chỗ chỉ tập trung sản xuất và xuất khẩu một vài sản phẩm, đã từng bước chuyển sang sản xuất và xuất khẩu nhiều sản phẩm mới hơn. Việt Nam đã đa dạng hóa danh mục hàng hóa xuất khẩu của mình; nhờ đó nâng cao khả năng cạnh tranh và từng bước tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này là rất quan trọng.
Vấn đề thứ hai là phát triển cơ sở hạ tầng. Nếu đánh giá về hệ thống các cảng, đường cao tốc được xây dựng trong vòng 20-30 năm qua, dễ thấy rằng Việt Nam đã cố gắng phát triển một số thành phố tiên tiến; một số cảng có năng lực xử lý hàng hóa ở quy mô lớn. Thậm chí, một số cảng của Việt Nam còn đóng vai trò là cửa ngõ kết nối ASEAN và các nơi khác trên toàn cầu. Vì vậy, những hạ tầng này đã giúp Việt Nam trở thành một trung tâm xuất khẩu. Hai yêu tố đó kết hợp với các xu hướng về thương mại, đầu tư đang nổi lên có thể giúp Việt Nam đạt được mục tiêu.
Phóng viên: Vậy còn có những trở ngại gì khác để hoàn thành mục tiêu lớn này, theo ông?
Giáo sư Faisal Ahmed: Nếu bạn nhìn vào những thách thức kinh tế trong nước, theo tôi, Việt Nam vẫn cần phải tăng cường sự tham gia của lực lượng lao động. Vì vậy, điều quan trọng là Việt Nam cần phải có một số lượng lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khuyến nghị ở đây là chính phủ cần đưa ra nhiều ưu đãi hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, để mọi người có thể khởi nghiệp. Họ có thể trở thành những doanh nhân sẽ tạo ra công ăn việc làm mới. Trên thực tế, việc tạo ra việc làm đã trở thành điều quan trọng nhất. Chúng ta cần những giải pháp bên trong nền kinh tế.
Trên lĩnh vực thương mại quốc tế và hội nhập, Việt Nam đang tham gia vào rất nhiều sân chơi, xu hướng, các khối thương mại khu vực lớn, trong đó có Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Là thành viên của cả hai nhóm này, các doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nhân và nhà xuất nhập khẩu Việt Nam được hưởng lợi như thế nào từ nó. Muốn làm được điều này, cần phải giảm bớt những hạn chế về phía cung trong nền kinh tế, chẳng hạn như nếu có những hạn chế liên quan đến cơ sở hạ tầng, hệ thống ngân hàng, hoạt động vận chuyển hàng hóa và hàng hóa, tăng năng lực của các cảng. Vì vậy, tôi nghĩ rằng khi kết hợp tất cả những điều này lại với nhau, cũng có những thách thức và cũng có tiềm năng.
Không thể không nhắc tới các bất ổn địa chính trị toàn cầu đang kéo dài cũng là một thách thức khác, ví dụ các cuộc xung đột, các tranh chấp lãnh thổ… Khi xem xét những thách thức trong nước cũng như quốc tế, chúng ta cần khám phá những lĩnh vực có tiềm năng nơi Việt Nam có khả năng cạnh tranh, có thể phát huy vị thế của chính mình trong các vấn đề toàn cầu. Ở một mức độ lớn hơn, điều này sẽ rất hữu ích. Việt Nam cần tạo ra sự giao thoa giữa những thách thức trong nước và quốc tế và cố gắng thu hẹp khoảng cách đó để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
Phóng viên: Vâng, xin cảm ơn GS Faisal Ahmed về cuộc phỏng vấn!.