Thanh Hóa nỗ lực sớm trở thành tỉnh kiểu mẫu
VOV.VN - Trong những năm gần đây, Thanh Hóa luôn nằm trong nhóm các tỉnh có tốc độ phát triển cao nhất cả nước. Địa phương này đang tiếp tục phát huy mạnh mẽ để sớm xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.
Những năm qua, đặc biệt là năm 2023, mặc dù trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước… Cùng với việc tranh thủ, tận dụng tối đa thời cơ, sức mạnh ngoại lực, thì sức mạnh nội lực được Thanh Hóa phát huy hiệu quả. Dịp này phóng viên VOV trao đổi với ông Đầu Thanh Tùng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.
Phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực
PV: Năm 2023, trong bối cảnh rất nhiều khó khăn, nhưng Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 7,01%; thu ngân sách nhà nước đạt trên 40 nghìn tỷ đồng (vượt dự toán). Yếu tố nào quyết định thành công này của tỉnh, thưa ông?
Ông Đầu Thanh Tùng: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của tỉnh được thực hiện trong bối cảnh thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức là nhiều hơn. Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra ngay từ đầu năm; tập trung xử lý các hạn chế, yếu kém tồn đọng, khắc phục nhanh chóng những vấn đề mới phát sinh, kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển; cùng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, thống nhất trọng nhận thức và hành động.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện trên các mặt công tác và đạt kết quả tích cực; những khuyết điểm, vi phạm ở một số lĩnh vực, đơn vị, địa phương được chấn chỉnh, khắc phục, xử lý kịp thời, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, sự chỉ đạo, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp và hoạt động của các cơ quan, đơn vị.
Trên cơ sở đó, tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 của tỉnh tiếp tục đạt được kết quả tích cực trên các lĩnh vực: Kinh tế tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,01%, cao hơn bình quân chung cả nước và đứng thứ 3 trong nhóm các tỉnh, thành phố có quy mô GRDP lớn nhất cả nước.
Các lĩnh vực sản xuất đều có bước phát triển, trong đó sản xuất nông nghiệp tăng trưởng cao và khá toàn diện; nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực vẫn duy trì sản xuất ổn định và tăng sản lượng; hoạt động du lịch diễn ra sôi động, sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú hơn, tổng doanh thu du lịch tăng cao, dịch vụ vận tải tăng mạnh; tổng thu ngân sách nhà nước trong năm 2023 đạt 43.279 tỷ đồng, vượt 22,5% dự toán.
PV: Như ông nói thì có thể khẳng định, sức mạnh nội lực đóng vai trò quan trọng và đã được tỉnh phát huy có hiệu quả. Tại nhiều diễn đàn, ông thường đánh giá sâu sắc về bài học đoàn kết?
Ông Đầu Thanh Tùng: Trong những lần về thăm Thanh Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần dặn dò Đảng bộ
Trong những năm gần đây, Thanh Hóa luôn nằm trong nhóm các tỉnh có tốc độ phát triển cao nhất cả nước. Thanh Hóa tiếp tục phát huy mạnh mẽ để sớm xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.
và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh phải quan tâm xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc - đại đoàn kết toàn dân, xem đó là phương pháp đấu tranh cách mạng và xây dựng tỉnh nhà.
Khắc ghi lời căn dặn của Bác, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Thanh Hóa luôn đặc biệt coi trọng và không ngừng phát huy đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong từng tổ chức, cơ quan, đơn vị; góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững mạnh, tạo sự thống nhất và đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân; tăng cường tuyên truyền, động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động xã hội rộng lớn do Mặt trận và các tổ chức thành viên phát động ngày càng đi vào cuộc sống, được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng. Ðặc biệt, các phong trào, cuộc vận động về đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, lá lành đùm lá rách, các hoạt động tự quản ở cộng đồng dân cư... có tác dụng thiết thực, tạo nên sự gắn kết cộng đồng, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh cần phải thấm nhuần những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “lấy dân làm gốc”, phát huy dân chủ gắn với giữ vững kỷ cương, pháp luật, ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật và quyền làm chủ của nhân dân, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đồng thời, phải tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, trách nhiệm công dân, đạo đức xã hội, đạo đức nghề nghiệp, xây dựng sự đồng thuận xã hội và đề cao ý thức trách nhiệm cộng đồng, ý chí tự lực, tự cường xây dựng tỉnh Thanh Hóa ngày càng giàu đẹp, văn minh.
PV: Có thể thấy rằng, nhiệm vụ đặt ra đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa còn rất nặng nề. Cùng với việc phát huy nội lực, Thanh Hóa đã và đang tranh thủ, tận dụng nguồn lực bên ngoài như thế nào, thưa ông?
Ông Đầu Thanh Tùng: Trong thời gian qua, cùng với việc phát huy hiệu quả nội lực, Thanh Hóa đã và đang tranh thủ, phát huy nguồn lực bên ngoài cho phát triển, thể hiện trên các hoạt động trọng tâm như:
Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương để triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương trên địa bàn tỉnh, tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả nguồn vốn Trung ương hỗ trợ. Trong đó, ưu tiên bố trí vốn NSTW để đầu tư các dự án trọng điểm, động lực, dự án có tính liên kết vùng để thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng định hướng, tạo sự đột phá, sức lan tỏa để thu hút đầu tư, tăng thu ngân sách; tham gia tích cực các hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, ký kết các Bản ghi nhớ và tăng cường hợp tác với một số địa phương trong cả nước như Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Nghệ An, tỉnh Hà Tĩnh,… để tận dụng, phát huy thế mạnh và hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Tiếp cận nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài để đăng ký, vận động bổ sung nguồn hỗ trợ đầu tư cho tỉnh đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, giáo dục, y tế, hạ tầng phát triển đô thị..., từ đó đã tạo điều kiện cho tỉnh hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển sản xuất; cải thiện tốt các điều kiện trong lĩnh vực y tế, giáo dục, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trên cơ sở các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký giữa Chính phủ Việt Nam với các nước, tỉnh đã tập trung hỗ trợ, định hướng, giúp đỡ các doanh nghiệp mở rộng thị trường, tìm kiếm các đối tác thương mại mới, mặt hàng xuất khẩu mới để đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao giá trị hàng hóa xuất khẩu của tỉnh.
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư vào tỉnh đối với các doanh nghiệp, tổ chức từ Nhật Bản, Italia, Séc, Đức, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc)...; tiếp và làm việc với nhiều tổ chức quốc tế, các tập đoàn, nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhằm tăng cường kết nối, xúc tiến đầu tư, giới thiệu cơ hội đầu tư vào tỉnh.
Cùng với việc tập trung chỉ đạo thực hiện các nguồn lực bên ngoài, tỉnh đã đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thực hiện nhiều giải pháp phát triển đồng bộ về hạ tầng, lao động, nhà ở, đô thị… để phục vụ vấn đề xã hội, an sinh, hấp dẫn nhà đầu tư đến Thanh Hoá; thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa
PV: Thanh Hóa đang phấn đấu “đến năm 2030 trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, là một trong những trung tâm lớn về văn hóa của khu vực và cả nước”. Muốn làm được điều đó, Thanh Hóa cần phải tập trung nhiệm vụ trọng tâm nào thưa ông?
Ông Đầu Thanh Tùng: Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng, những kết quả đạt được trong thời gian qua mới chỉ là bước khởi đầu. Để sớm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc; phấn đấu đến năm 2030 là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, là một trong những trung tâm lớn về văn hóa của khu vực và cả nước, trong thời gian tới, Thanh Hóa sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Một là, tiếp tục củng cố, giữ gìn, phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất; quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 58-NQ/TW và Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, các nghị quyết, kết luận, cơ chế, chính sách mới ban hành.
Hai là, triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế kết hợp với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Ba là, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển, nhất là nguồn lực về vốn, đất đai, công nghệ; chủ động tiếp cận, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu, ra quyết định đầu tư, chú trọng thu hút các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, có tính lan tỏa sâu, rộng, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bốn là, tăng cường liên kết và hợp tác chặt chẽ với các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, thành phố Hà Nội, và các tỉnh, thành phố khác trên cả nước. Đặc biệt, tỉnh sẽ tập trung vào xúc tiến đầu tư và thương mại, huy động và phân bổ nguồn lực cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng. Đồng thời, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng các yêu cầu của sự phát triển.
Năm là, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa. Chuẩn bị và tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng của đất nước, của tỉnh và từng địa phương. Quan tâm hơn nữa đến công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc, các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của các vùng, miền; chú trọng chăm lo xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, xây dựng gia đình, làng, bản, xã, phường, cơ quan, công sở văn hoá, xây dựng tập thể, cá nhân kiểu mẫu; tiếp tục kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của con người xứ Thanh và những thành quả của các thế hệ đi trước, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!