Thành tựu 30 năm đổi mới là nhờ tinh thần thi đua yêu nước
VOV.VN - 70 năm qua, phương châm gắn thi đua với yêu nước đã được thực hiện, trở thành một phương thức lãnh đạo hết sức sáng tạo, độc đáo của Đảng.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thế Thắng, nguyên Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia khu vực I, với tầm nhìn chiến lược của một nhà chính trị thiên tài và xuất phát từ yêu cầu của một cuộc chiến không cân sức chống lại những nước thực dân- đế quốc hùng mạnh nhất thế giới bấy giờ, Hồ Chí Minh đã khởi xướng và tổ chức phong trào thi đua ái quốc sôi nổi, rộng khắp, với những mục tiêu, nội dung, phương thức được hoạch định cụ thể và lâu dài.
Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thế Thắng, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác đã phát huy lòng yêu nước, đoàn kết mọi lực lượng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thế Thắng. (Ảnh: Hoàng Thái/VOV.VN) |
"Hồ Chí Minh đã nâng quan niệm về thi đua lên tầm tư tưởng, đường lối chính trị và là một phương pháp cách mạng cơ bản, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Tổ chức các phong trào thi đua yêu nước là cách tốt nhất để phát huy sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam”- Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thế Thắng nói.
Ra đời cách đây 70 năm, nhưng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mang tính thời sự sâu sắc, vẹn nguyên những giá trị lý luận và thực tiễn đối với phong trào thi đua yêu nước hiện nay. Những chỉ dẫn của Người về mục đích, lực lượng, cách làm trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc vẫn tiếp tục soi đường cho dân tộc Việt Nam trên hành trình xây dựng một Việt Nam phát triển.
Không phải ngẫu nhiên Lời kêu gọi thi đua ái quốc được Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra vào ngày 11/06/1948. Đây là kết quả của một quá trình chuẩn bị chu đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho một sự kiện đặc biệt, trong hoàn cảnh đặc biệt, để công bố vào một thời điểm đặc biệt.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Mạch Quang Thắng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: sau cách mạng tháng 8/1945 đất nước yếu về mọi mặt. Trong đó yếu về vật chất, yếu về thực lực quốc phòng và chỉ mạnh về tinh thần. Tuy nhiên, nếu bước vào cuộc kháng chiến với sức mạnh như thế chỉ như “châu chấu đá Voi”, cho nên cần thêm sức mạnh “nội lực”. Bởi thế, Đảng và Bác Hồ chủ trương phát động phong trào thi đua yêu nước.
Mục đích thi đua theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhằm khơi dậy, phát huy truyền thống yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân vào hành động cách mạng, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được truyền vào công việc cách mạng, khởi đầu từ những công việc hàng ngày.
Những năm đầu thi đua, cả nước hừng hực khí thế “người người thi đua, ngành ngành thi đua” để “ta nhất định thắng, địch nhất định thua”. Trong giai đoạn miền Bắc xây dựng Chủ nghĩa xã hội, cùng với miền Nam chống Mỹ cứu nước, nhiều phong trào thi đua để giành lấy danh hiệu lao động xã hội chủ nghĩa với những ngọn cờ Duyên Hải, Đại Phong, Ba Nhất, các phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng”, phụ nữ “Ba đảm đang”…đã tạo khí thế mới, xung lực mới trong diệt giặc dốt, diệt giặc đói, diệt giặc ngoại xâm, xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Có thể nhận thấy rằng, một trong những nguyên nhân của những thành tựu 70 năm qua, đặc biệt là 30 năm đổi mới, là nhờ tinh thần thi đua yêu nước.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Đình Phong. (Ảnh: Hoàng Thái/VOV.VN)
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Đình Phong, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Giá trị xuyên suốt, giá trị cốt lõi của Lời kêu gọi thi đua ái quốc chính là chủ nghĩa yêu nước anh hùng cách mạng: Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Đình Phong, tư tưởng đó của Bác đã truyền cảm hứng cho cả dân tộc trong sự nghiệp chống xâm lược.
Có thể khẳng định, thắng lợi của cách mạng Việt Nam có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân căn cốt cơ bản đó chính là tinh thần, khí thế, cảm hứng thi đua yêu nước của Bác Hồ. Giá trị đó không chỉ có ý nghĩa trước đây mà hiện nay đã trở thành triết lý nhân văn, hành động. “Những thành công trong đổi mới hôm nay là nhờ tinh thần yêu nước của toàn dân tộc”-PGS-TS Bùi Đình Phong nói.
Sự thể hiện rõ nét tính hệ thống và nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, về xây dựng đời sống mới, xã hội mới, con người mới, là sự chỉ dẫn quan trọng đối với phong trào thi đua yêu nước hiện nay.
Những chỉ dẫn của Người cho thấy, phải chú trọng truyền thống yêu nước của mỗi người Việt Nam trong phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ đất nước; tổ chức lãnh đạo phong trào thi đua yêu nước một cách toàn diện, thiết thực, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực; cổ vũ, động viên toàn dân đoàn kết, hăng hái thi đua lao động, sáng tạo, làm nên sức mạnh tổng hợp cho cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Mặc dù hơn 30 năm đổi mới, đất nước đã đạt nhiều thành tự to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đời sống của nhân dân được cải thiện đáng kể. Toàn dân đã "đủ ăn, đủ mặc". Tỷ lệ đói nghèo giảm mạnh. Tuy nhiên, mục tiêu thi đua "diệt giặc đói" vẫn còn nguyên giá trị và rất cần phải thi đua hơn nữa trong giai đoạn hiện nay.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Quốc Lý. (Ảnh: Hoàng Thái/VOV.VN) |
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Quốc Lý, mặc dù đời sống của nhân dân đã được cải thiện, nhưng với thu nhập bình quân chỉ mới đạt 2.400 USD/người năm 2017 là mức thu nhập còn rất nhỏ bé so với thế giới.
"Có lẽ bây giờ không còn phải thi đua để diệt đói khổ, nhưng mà phải thi đua để diệt giặc nghèo và thi đua để làm giàu cho đất nước"- Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Quốc Lý nói.
70 năm qua, phương châm gắn thi đua với yêu nước đã được thực hiện, trở thành một phương thức lãnh đạo hết sức sáng tạo, độc đáo của Đảng, nhằm nhân lên sức mạnh tinh thần và vật chất vô cùng to lớn của dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
Hội thảo “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” - giá trị lý luận và thực tiễn
Long trọng kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ kêu gọi thi đua ái quốc