Thảo luận Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi)

(VOV)- Có ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở lý luận khi bổ sung chức năng trong dự thảo cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tiếp tục phiên họp thứ 17, sáng nay (16/4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến vào dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp.

Dự thảo Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi) gồm 5 chương và 34 điều. tăng thêm 1 chương, 16 điều so với Luật hiện hành. Ngoài ra, các điều, khoản và các quy định kế thừa Luật hiện hành cũng được sửa đổi, bổ sung và được sắp xếp lại về thứ tự để bảo đảm tính logic, hợp lý của nội dung các quy định cũng như yêu cầu về kỹ thuật lập pháp, bảo đảm yêu cầu, quan điểm và mục tiêu sửa đổi Luật.

Dự thảo Luật đã bổ sung chức năng cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là “đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân”. Nhiều ý kiến tán thành với quy định này vì cho rằng tính chất đại diện của Mặt trận là đại diện ở khía cạnh xã hội, không mang tính quyền lực nhà nước. Hơn nữa, việc bổ sung nội dung này cũng là nhằm thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).

Tuy nhiên, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị: “Làm rõ hơn cơ sở lý luận khi đưa việc bảo vệ quyền lợi, hợp pháp chính đáng của nhân dân thành chức năng của Mặt trận Tổ quốc vào trong dự thảo Luật. Bởi vì, trong Cương lĩnh hay trong báo cáo chính trị thì cũng ghi “đóng vai trò quan trọng”. Từ “đóng vai trò quan trọng” thành chức năng phải có căn cứ vững chắc hơn. Bởi vì nhiều tổ chức cũng đóng vai trò quan trọng”.

Về hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: cần xác định rõ thêm cơ sở lý luận và thực tiễn để quy định phạm vi giám sát và phản biện xã hội, xác định rõ hơn về giá trị pháp lý của hoạt động giám sát và phản biện xã hội cũng như mối quan hệ giữa giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận với các quy trình, thủ tục xử lý, giải quyết công việc của Nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa nêu ý kiến: “Hiện nay chúng ta có giám sát quyền lực của cơ quan dân cử, giám sát quyền lực chính trị của các cơ quan Đảng, còn giám sát của MTTQ là mang tính chất dân nhân. Đấy chính là bản chất giám sát của Mặt trận Tổ quốc và điều này cũng phù hợp với vị trí của MTTQ Việt Nam được quy định trong Hiến pháp và pháp luật là nơi tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân với Đảng, Nhà nước”

Chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp, cho ý kiến vào tờ trình của Chính phủ về một số giải pháp về thuế nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và thảo luận về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên