Thảo luận về dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi)

VOV.VN - Nhiều ý kiến đề nghị tòa án cấp huyện phải mở rộng tất cả các quyết định hành chính chứ không chỉ riêng lĩnh vực đất đai.

Chiều 14/1, tại Hà Nội, Tòa án Nhân dân tối cao tổ chức họp Ban soạn thảo dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) để thảo luận, cho ý kiến đối với dự thảo Luật. Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị.

Họp Ban soạn thảo Luật Tố tụng hành chính sửa đổi (Ảnh: Việt Cường)
Dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) gồm 20 chương, 305 điều, bổ sung các nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hành chính trên cơ sở quy định của Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân năm 2014.

Ông Trương Hòa Bình - Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao cho biết: Việc nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) nhằm mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, nghiêm minh, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền còn người, quyền công dân; đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Cho ý kiến về Dự thảo Luật, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ thủ tục rút gọn trong tố tụng hành chính. Theo đó, thủ tục này được áp dụng đối với những khiếu kiện có mức xử phạt dưới 10 triệu đồng và không kèm hình phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả. Vụ án được xem xét theo thủ tục rút gọn thì bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật và không bị kháng cáo.

Các đại biểu cũng đề nghị sửa quy định về thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm theo hướng kéo dài thời hạn kháng nghị thêm 2 năm trong trường hợp đương sự có đơn đề nghị trong thời hạn 1 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực.

Về phân định thẩm quyền của Tòa án Nhân dân quận, huyện, thị xã, các đại biểu đề nghị, tòa án cấp huyện phải mở rộng tất cả các quyết định hành chính chứ không chỉ riêng về lĩnh vực đất đai. Đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban Nhân dân cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện trong lĩnh vực quản lý đất đai nên giao cho Tòa án Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết sơ thẩm…

Bà Lê Thị Thu Ba, Phó trưởng Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương cho rằng: “Để đảm bảo tính khách quan và độc lập trong xét xử, tòa án cấp huyện không nên giải quyết với quyết định của ủy ban trong tất cả các lĩnh vực. Nếu chúng ta loại trừ chỉ giải quyết ở lĩnh vực đất đai thì không bảo vệ được quan điểm ở các lĩnh vực khác. Bởi những lĩnh vực khác người dân cũng mong muốn giải quyết khách quan, vô tư. Ở cấp huyện nói thật ra ít nhiều cũng có lệ thuộc, tôi nghĩ nên giao thẩm quyền cho tòa án cấp trên để đảm bảo khách quan hơn”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Từ 5/1 lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi
Từ 5/1 lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi

VOV.VN - Đây được coi là một nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên tập trung chỉ đạo thực hiện trong Quý I/2015.

Từ 5/1 lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi

Từ 5/1 lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi

VOV.VN - Đây được coi là một nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên tập trung chỉ đạo thực hiện trong Quý I/2015.