Thêm Châu bản khẳng định chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam
Châu bản được đánh máy trên một mặt của một tờ giấy cỡ 21,5 x 31cm, đề ngày 15/12 năm Bảo Đại thứ 13, tức ngày 3/2/1939, có 2 bản - một bản tiếng Việt và một tiếng Pháp
Chiều 25/12, tại nhà số 31 Nguyễn Chí Thanh, thành phố Huế (phủ của Công chúa Ngọc Sơn, con vua Đồng Khánh, em vua Khải Định, cô ruột vua Bảo Đại), nhà nghiên cứu Phan Thuận An đã hiến tặng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tờ Châu bản triều Nguyễn liên quan đến chủ quyền quần đảo Hoàng Sa.
Châu bản được đánh máy trên một mặt của một tờ giấy cỡ 21,5 x 31cm. Đây là loại giấy chuyên dùng ở Ngự tiền Văn phòng dưới thời vua Bảo Đại. Tờ Châu bản đề ngày 15/12 năm Bảo Đại thứ 13, tức ngày 3/2/1939 có 2 bản (một bản tiếng Việt và một tiếng Pháp). Nhà nghiên cứu Phan Thuận An cho biết, nội dung của hai văn bản trên được diễn đạt như sau:
Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế (phải), tiếp nhận châu bản |
“Vào ngày 2/2/1939, Khâm sứ Trung kỳ Graffeuil gửi cho Tổng lý Ngự tiền Văn phòng Phạm Quỳnh một văn thư đề nghị tâu xin Hoàng đế Bảo Đại truy tặng huy chương Long tinh của Nam triều cho ông Louis Fontan, người vừa qua đời trong ngày hôm ấy. Trước đó, ông này giữ chức vụ Chánh Cai đội hạng nhất của đội lính Khố xanh trú đóng tại đảo Hoàng Sa. Trong thời gian ra công tác tại đây ông đã bị nhiễm phải một loại bệnh sốt rét rất nguy hiểm, sau đó đưa về đất liền điều trị và chết tại Nhà thương lớn ở Huế. Sau khi nhận được văn thư này, Tổng lý Ngự tiền Văn phòng Phạm Quỳnh giao cho quan chức dưới quyền trực tiếp của mình là Thượng tá Trần Đình Tùng trách nhiệm sao y nguyên văn một bản để đính kèm vào tờ phiến đệ trình lên nhà vua”.
Châu bản khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa được dịch ra tiếng Việt có chuẩn y của Vua Bảo Đại. Một ngày sau (vào ngày 3/2/1939), tờ Châu bản và bản sao văn thư ấy được Ngự tiền Văn phòng dâng lên vua Bảo Đại. Vua Bảo Đại chấp nhận ngay những lời đề nghị và đã ngự phê hai chữ “Chuẩn y” và ký tắt hai chữ “BĐ” (Bảo Đại) bằng bút chì màu đỏ”.
Việc đề nghị ban thưởng “Tứ hạng Long tinh” cho viên chức người Pháp Louis Fontan là Chánh Cai đội hạng nhất của ngạch lính Khố xanh làm nhiệm vụ tại quần đảo Hoàng Sa là một thái độ coi trọng công lao của những người thuộc chính quyền Bảo hộ có công phòng thủ đảo Hoàng Sa của triều Nguyễn, đã khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam./.