Theo dõi phiên chất vấn Thủ tướng, cử tri mong trẻ em sớm được đến trường
VOV.VN - Cử tri cho rằng, việc học sinh học trực tuyến vô cùng khó khăn. Đối với các gia đình công nhân nghèo, trang bị thiết bị học tập cho các cháu là một vấn đề nan giải.
Các cháu học trực tuyến vô cùng khó khăn
Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nhiều cử tri tại Quảng Ninh bày tỏ sự đồng tình với những vấn đề tổng quan và cốt lõi về chiến lược phòng chống, thích ứng với dịch bệnh Covid-19 của nước ta hiện nay.
Là một phụ huynh, chị Nguyễn Thu Thủy, cử tri TP Hạ Long vui mừng khi Thủ tướng nhấn mạnh việc mở cửa lại trường học sẽ thực hiện trong năm 2021. Song, chị cho rằng, khi cho học sinh đi học trở lại thì nên linh hoạt theo từng địa phương, vì hiện trẻ em dưới 12 tuổi chưa được tiêm vaccine, mà độ tuổi này sức đề kháng rất kém, nếu để các cháu đi học tập trung thì rất nguy hiểm.
“Tôi mong sẽ có những phương án cụ thể và linh hoạt hơn theo diễn biến dịch. Dịch bệnh còn kéo dài nên mong muốn đội ngũ y tế cơ sở sẽ được nâng cao năng lực chuyên môn để giải quyết các nhu cầu về y tế cấp thiết cho người dân, mong Chính phủ có chế độ ưu đãi để đào tạo đội ngũ này tốt hơn"- chị Thủy cho biết.
Ông Lê Anh Hựu, cử tri ở phường An Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương rất đồng tình với ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc sớm cho học sinh quay lại trường. Theo ông, việc các cháu học trực tuyến vô cùng khó khăn. Đối với các gia đình công nhân nghèo, trang bị thiết bị học tập cho các cháu là một vấn đề nan giải. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng không thể theo sát, hướng dẫn con em học tập, cho nên các em tiếp thu kiến thức sẽ chậm hơn khi được học trực tiếp.
“Các cháu đến trường được học trực tiếp với thầy, với cô thì chất lượng học sẽ khác hơn việc các cháu học online ở nhà. Rất mong muốn các cháu được trở lại trường sau khi tiêm vaccine đầy đủ. Nhà trường cũng phải thực hiện công tác phòng, chống dịch dịch thật nghiêm, như: bắt buộc đeo khẩu trang trong quá trình dạy và học, khử khuẩn, đo thân nhiệt trước khi vào trường…”- ông Lê Anh Hựu nêu ý kiến.
Cử tri Lê Thị Thu Phương, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đồng tình với việc sớm đưa học sinh trở lại học trực tiếp, hiệu quả học tập sẽ tốt hơn, kiến thức các em nắm đầy đủ hơn so với học trực tuyến.
“Sau khi nghe Thủ tướng chỉ đạo ngành Giáo dục về việc học trực tiếp, là một cử tri tôi đồng tình ủng hộ. Mong Thủ tướng Chính phủ sớm chỉ đạo ngành đưa ra những giải pháp giúp người dân yên tâm cho các con sớm được trở lại trường. Vì con em sớm được đến trường thì người lao động mới yên tâm quay lại sản xuất, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau đại dịch”- chị Phương cho biết.
Theo dõi phiên chất vấn Thủ tướng Chính phủ sáng 12/11, ông Nguyễn Quốc Dũng, cán bộ về hưu tại phường Máy Chai, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng cho rằng, Thủ tướng Chính phủ đã nắm rất sát tình hình tại các địa phương; phần trả lời chất vấn của Thủ tướng đã đi thẳng vào những thắc mắc của người dân.
Ông Nguyễn Quốc Dũng mong muốn, thời gian tới, Chính phủ cần có phương án chống dịch cụ thể, sát với tình hình từng địa phương, từng khu vực trong cả nước, để vừa mở cửa vừa chống dịch, người dân vừa phòng chống dịch vừa sản xuất, đảm bảo cuộc sống.
Chống dịch phải đi đôi với phát triển kinh tế,
Còn ông Tôn Minh Thông, ở phường Ngô Mây, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định thì cho rằng, bài phát biểu và trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ rất sâu sắc, sát tình hình thực tế của đất nước, từ đó đặt ra những nhiệm vụ để phát triển đất nước trong năm tới.
Rất tâm đắc với phần trả lời của Thủ tướng Chính phủ tại phiên chất vấn, bà Trần Thị Yến Oanh, ở quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng cho rằng, các vấn đề chất vấn được Thủ tướng trả lời bám sát vào những mong muốn, vướng mắc mà người dân quan tâm, nhất là trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, về các chế độ chính sách, lĩnh vực giáo dục, các giải pháp để phục hồi kinh tế.
Cùng chung quan điểm, ông Trần Minh Cường, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM nhận định, Thủ tướng đã trả lời rõ ràng, cụ thể và tập trung vào các vấn đề cử tri đang quan tâm; đặc biệt là việc ổn định tình hình kinh tế- xã hội, đảm bảo kiểm soát dịch bệnh và thích ứng trong tình hình mới.
Ông cũng bày tỏ vấn đề cử tri quan tâm nhất hiện nay là chống dịch phải đi đôi với phát triển kinh tế, để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu kinh tế- xã hội đã đề ra.
Còn cử tri Vũ Thế Tạo, ở phường Phú Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương thì cho rằng, vốn đầu tư công đã có mà không giải ngân được sẽ làm trì trệ các dự án và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của từng địa phương, của cả nước. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thì các bộ, ngành liên quan cần phải cần kiên quyết kiểm tra, giám sát các công trình từ Trung ương đến địa phương.
"Đã xin thực hiện mà không làm thì phải có biện pháp cụ thể, ai sai thì người đó phải chịu. Thời gian vừa qua có nhiều tỉnh, thành phố và các Bộ đầu tư công giải ngân thấp, làm ảnh hưởng rất lớn. Cứ đưa ra nhắc nhở chung chung, báo chí cũng nói nhiều nhưng không thực hiện được và Chính phủ cũng nói nơi nào nào đầu tư công chậm phải chịu trách nhiệm nhưng chưa có ai chịu trách nhiệm”- ông Tạo cho biết./.