Thông báo Kết luận của Ban Bí thư về công tác luân chuyển cán bộ
Cán bộ được luân chuyển phải có đủ tiêu chuẩn, có triển vọng phát triển, trong nguồn quy hoạch; phải chấp hành nghiêm quyết định của tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Không luân chuyển cán bộ bị kỷ luật, uy tín giảm sút, không đảm bảo tiêu chuẩn về phẩm chất, năng lực.
Thay mặt Ban Bí thư, ngày 9/3, ông Trương Tấn Sang ký ban hành văn bản số 312 thông báo Kết luận của Ban Bí thư về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp về làm công tác kiểm tra, giám sát và luân chuyển lãnh đạo ủy ban kiểm tra các cấp sang công tác ở các ngành, các cấp để đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ kiểm tra.
Theo Thông báo Kết luận, Ban Bí thư có ý kiến như sau: Thời gian qua, việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp về làm công tác kiểm tra, giám sát và luân chuyển lãnh đạo ủy ban kiểm tra các cấp sang công tác ở các ngành, các cấp để đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ đã bước đầu được cấp ủy, ủy ban kiểm tra, chính quyền các cấp quan tâm thực hiện, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ ủy ban kiểm tra từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ở từng địa phương, đơn vị.
Tuy nhiên, kết quả việc thực hiện luân chuyển còn hạn chế; số lượng cán bộ thực tế được luân chuyển còn ít, chưa đáp ứng mục tiêu, yêu cầu theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa X) về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Một số cấp ủy chưa có kế hoạch và thực hiện việc luân chuyển cán bộ, chưa có cơ chế, chính sách đãi ngộ thích hợp đối với cán bộ được luân chuyển.
Nhằm tạo chuyển biến tích cực, mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp về làm công tác kiểm tra, giám sát và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, cán bộ ủy ban kiểm tra các cấp sang công tác ở các ngành, các cấp để đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ kiểm tra theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa X), các cấp ủy, tổ chức đảng cần tăng cường thực hiện công tác luân chuyển cán bộ theo những nguyên tắc sau:
Tiến hành việc luân chuyển một cách thận trọng, giải quyết tốt mối quan hệ giữa luân chuyển với ổn định và xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên môn sâu; vừa coi trọng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác, vừa bảo đảm mục đích bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, chuẩn bị đội ngũ kế cận. Trong quá trình luân chuyển, đối với các chức danh phải qua bầu cử thì thực hiện theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước.
Luân chuyển được thực hiện từ cấp trên xuống cấp dưới, từ cấp dưới lên cấp trên và ngang cấp. Cán bộ luân chuyển được giữ chức vụ tương đương hoặc cao hơn chức vụ trước khi luân chuyển.
Cán bộ được luân chuyển phải có đủ tiêu chuẩn, có triển vọng phát triển, trong nguồn quy hoạch; phải chấp hành nghiêm quyết định của tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Không luân chuyển cán bộ bị kỷ luật, uy tín giảm sút, không đảm bảo tiêu chuẩn về phẩm chất, năng lực.
Thực hiện đúng nguyên tắc, quy trình luân chuyển cán bộ theo quy định và hướng dẫn chung của Trung ương về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý. Chú ý làm tốt công tác tư tưởng để cán bộ được luân chuyển thông suốt, thống nhất về nhận thức để tự giác, quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ mới.
Công tác luân chuyển cán bộ phải đảm bảo yêu cầu: chuẩn bị kỹ kế hoạch và lộ trình thực hiện; chuẩn bị tốt các công việc cần thiết đối với nơi cán bộ đi và nơi cán bộ đến công tác, bảo đảm chất lượng, mục tiêu, yêu cầu; không làm ồ ạt, tràn lan, chạy theo số lượng. Đảm bảo điều kiện cần thiết về mọi mặt để cán bộ luân chuyển yên tâm công tác hoàn thành nhiệm vụ, được cống hiến, rèn luyện để trưởng thành.
Phạm vi luân chuyển: Việc luân chuyển được tiến hành trong nội bộ ngành kiểm tra; từ ngành kiểm tra sang các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp về ủy ban kiểm tra từ cấp huyện và tương đương trở lên.
Đối tượng cán bộ luân chuyển: Ở cấp Trung ương, đối với Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Luân chuyển một số Ủy viên Ủy ban Kiểm tra và cán bộ lãnh đạo quản lý từ cấp vụ và tương đương trở lên (dưới 50 tuổi đối với nam, dưới 45 tuổi đối với nữ) sang công tác tại một số ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể ở Trung ương, địa phương.
Đối với các bộ, ban ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể ở Trung ương và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Luân chuyển một số cán bộ lãnh đạo quản lý ở các ngành, các cấp từ lãnh đạo cấp vụ và tương đương trở lên (dưới 50 tuổi đối với nam; dưới 45 tuổi đối với nữ) sang công tác tại Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Ở cấp tỉnh, thành phố, đối với ủy ban kiểm tra của các tỉnh ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Trung ương: Luân chuyển một số ủy viên ủy ban kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Trung ương (dưới 45 tuổi đối với nam, dưới 40 tuổi đối với nữ) sang công tác tại các sở, ban ngành, quận, huyện của các tỉnh, thành phố; các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể ở Trung ương giữ các chức vụ lãnh đạo.
Đối với các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể ở Trung ương và các tỉnh, thành phố, cấp ủy đảng trực thuộc Trung ương: Luân chuyển một số lãnh đạo, quản lý ở các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, thành phố; các quận, huyện và tương đương (dưới 45 tuổi đối với nam, dưới 40 tuổi đối với nữ) để giữ các chức vụ lãnh đạo và tương đương của ủy ban kiểm tra các tỉnh ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Trung ương.
Ở cấp quận, huyện và tương đương, đối với ủy ban kiểm tra quận, huyện và tương đương: Luân chuyển một số ủy viên ủy ban kiểm tra quận ủy, huyện ủy và tương đương (dưới 40 tuổi đối với nam,dưới 35 tuổi đối với nữ) sang công tác tại phòng, ban, ngành của tỉnh, thành phố giữ các chức vụ lãnh đạo cơ quan nhà nước, cơ quan đảng cùng cấp và tương đương. Thông báo cũng nêu rõ đối tượng cán bộ luân chuyển đối với các phòng, ban của quận, huyện và tương đương.
Thời gian luân chuyển từ 2-5 năm (khoảng 3 năm). Hằng năm và trước khi kết thúc thời hạn luân chuyển, cơ quan quản lý cán bộ có nhận xét đánh giá, bố trí nhiệm vụ mới cho cán bộ.
Việc luân chuyển thành viên ủy ban kiểm tra từ cấp huyện trở lên đầu từ khoảng cuối năm thứ 2 trong nhiệm kỳ trở đi. Trên cơ sở đó tiến hành luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành về công tác ở Ủy ban Kiểm tra. Việc luân chuyển cán bộ cấp vụ Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương sang công tác ở các cấp, các ngành; cán bộ cấp vụ và tương đương ở các bộ, ngành sang làm công tác kiểm tra ở Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành thường xuyên theo kế hoạch luân chuyển hằng năm.
Về số lượng cán bộ luân chuyển: Đối với thành viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, luân chuyển đi khoảng 3 đến 4 cán bộ/nhiệm kỳ và luân chuyển đến khoảng 3 đến 4 cán bộ/nhiệm kỳ trên cơ sở thực hiện đúng quy định của Điều lệ Đảng.
Đối với cán bộ cấp vụ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, luân chuyển đi từ 7 đến 10 cán bộ/nhiệm kỳ, luân chuyển đến từ 7 đến 10 cán bộ/nhiệm kỳ.
Ủy ban kiểm tra tỉnh, thành phố và tương đương, luân chuyển đi từ 2 đến 3 cán bộ/nhiệm kỳ/đơn vị, luân chuyển đến từ 2 đến 3 cán bộ/nhiệm kỳ/đơn vị.
Ủy ban kiểm tra huyện, quận và tương đương, luân chuyển đi từ 1 đến 2 cán bộ/nhiệm kỳ/đơn vị, luân chuyển đến từ 1 đến 2 cán bộ/nhiệm kỳ/đơn vị./.