Thông cáo Phiên họp thứ 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Tham dự phiên họp có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan...
Trong các ngày 5, 6, 8, 9, 16, 17, 18/10/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên thứ 12 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Tham dự phiên họp có đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan.
1. Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2013.
* Về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2012 và phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2013: Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, năm 2012, Chính phủ đã chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện kế hoạch kinh tế- xã hội, bảo đảm bám sát Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, đạt được những kết quả tích cực như: kiềm chế được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; lãi suất tín dụng giảm; tỷ giá cơ bản ổn định, dự trữ ngoại hối và kim ngạch xuất khẩu tăng; an sinh xã hội được bảo đảm; công tác đối ngoại, hội nhập đạt nhiều kết quả tốt; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Bên cạnh đó, nền kinh tế còn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức: kinh tế vĩ mô chưa thật sự ổn định vững chắc, vẫn còn nguy cơ lạm phát cao trở lại, 5 chỉ tiêu kế hoạch kinh tế- xã hội có nhiều khả năng không đạt, tình hình nợ xấu ngân hàng chưa giải quyết, tồn kho cao, thị trường bất động sản đóng băng, sản xuất kinh doanh phục hồi chậm; đời sống của một bộ phận nhân dân gặp khó khăn; tình trạng tham nhũng và các tệ nạn xã hội, tội phạm còn diễn biến phức tạp.
Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với dự kiến của Chính phủ về mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội năm 2013: tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012; đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng; bảo đảm phúc lợi, an sinh xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh; ổn định chính trị xã hội, tạo nền tảng cho sự phát triển vững chắc của những năm tiếp theo.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 5,5% so với 2012, tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP không quá 4,8%, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dưới 8%. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đưa ra các nhóm giải pháp cụ thể bảo đảm thực hiện thắng lợi các mục tiêu nêu trên.
* Về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2012 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013: Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với Chính phủ về quan điểm, nguyên tắc, một số cơ chế, chính sách, giải pháp và các số liệu dự toán tổng thu, tổng chi, bội chi và phương án phân bổ. Tuy nhiên, cần trình ra Quốc hội xin ý kiến những vấn đề sau: phát hành trái phiếu Chính phủ công trình để đầu tư mở rộng, nâng cấp quốc lộ 1 A; kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2013-2015; thời hạn điều chỉnh tiền lương và chi đầu tư xây dựng cơ bản.
Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan tiếp thu hoàn chỉnh các Báo cáo toàn diện, thuyết phục hơn để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư.
2. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến và nhất trí về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Tờ trình và dự thảo Nghị quyết tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Ủy ban sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư. Để phát huy quyền làm chủ, tạo sự đồng thuận và thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc xây dựng Hiến pháp, đề nghị Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp trên cơ sở ý kiến đóng góp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, tiếp thu, hoàn chỉnh Tờ trình và dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư.
3. Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 03 dự án luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ tư, gồm: Luật Thủ đô; Luật hợp tác xã (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục hoàn chỉnh các báo cáo tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo các dự án luật trên để trình Quốc hội xem xét, thông qua. Đồng thời, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về dự án Luật việc làm.
4. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, theo đó, bổ sung dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; rút các dự án Luật hộ tịch, Luật Đầu tư công, mua sắm công và Luật việc làm ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 để có thêm thời gian chuẩn bị kỹ hơn.
5. Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2012 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kểm sát nhân dân tối cao; Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, về tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2012. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan soạn thảo phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan tích cực khẩn trương tiếp thu, hoàn chỉnh các báo cáo để kịp trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư.
6. Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Tờ trình Quốc hội về Nghị quyết về quy trình, thủ tục, cách thức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cơ bản nhất trí với tờ trình và dự thảo Nghị quyết nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 và Nghị quyết số 27/2012/QH13 của Quốc hội về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; đồng thời, cụ thể hóa các quy định hiện hành của Hiến pháp và luật, khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy trình bỏ phiếu tín nhiệm hiện nay; đảm bảo tính khả thi của quy định về việc bỏ phiếu tín nhiệm trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật khác, góp phần đưa các quy định này đi vào cuộc sống.
7. Cũng tại phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát mục tiêu, nhiệm vụ, thời gian thực hiện và nguồn lực cụ thể của các dự án thành phần thuộc từng Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011- 2015. Đồng thời, thông qua dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" và nhất trí với việc ban hành Nghị định về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài./.