Thông qua Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2010

Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm sau phải phấn đấu bằng 23,9% tổng sản phẩm trong nước và mức bội chi ngân sách nhà nước chỉ bằng 6,2 % tổng sản phẩm trong nước.

Sáng nay (11/11), Quốc hội làm việc tại Hội trường, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, biểu quyết thông qua Nghị quyết về Dự toán Ngân sách Nhà nước  năm 2010. Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước năm sau phải phấn đấu đạt được 461.500 tỷ đồng, bằng 23,9% tổng sản phẩm trong nước. Mức bội chi ngân sách nhà nước là 119.700 tỷ đồng bằng 6,2 % tổng sản phẩm trong nước.

Trước đó, các đại biểu đã thảo luận Dự án Luật Bưu chính.

Dự án Luật Bưu chính gồm 6 chương, 48 điều, quy định rõ các hoạt động bưu chính như: công tác quản lý, dịch vụ bưu chính, bưu chính công ích và tem bưu chính. Khi thảo luận, nhiều đại biểu cơ bản tán thành với đánh giá của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về sự cần thiết ban hành Luật Bưu chính. Bởi lẽ, Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông và các Nghị định của Chính phủ quy định về dịch vụ bưu chính và dịch vụ chuyển phát, đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập cần tháo gỡ. Ban hành Luật Bưu chính nhằm thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước, tạo khung pháp lý đầy đủ hơn trong lĩnh vực bưu chính, giúp cho việc chính quy hóa, hiện đại hoá hoạt động bưu chính phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống nhân dân. Đại biểu Nguyễn Việt Dũng, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: việc thông qua Luật Bưu chính lần này sẽ là cơ sở pháp lý cao nhất để xây dựng và phát triển ngành bưu chính hiện đại, góp phần phát triển kinh tế xã hội đất nước. Việc xác định lĩnh vực dịch vụ bưu chính công ích khẳng định vai trò, trách nhiệm điều tiết của Nhà nước trong việc cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho xã hội ở mọi miền đất nước.

Về phạm vi điều chỉnh, nhiều đại biểu đề nghị bổ sung nội dung quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân và quản lý của Nhà nước đối với hoạt động bưu chính vào phạm vi điều chỉnh của Luật để bao quát và đầy đủ hơn.

Đối với quy định về Nguyên tắc hoạt động bưu chính và chính sách của Nhà nước về bưu chính, một số đại biển cho rằng: 3 nguyên tắc hoạt động bưu chính trong dự thảo Luật cũng chưa bao quát, chưa thể hiện đầy đủ các đặc thù của hoạt động bưu chính; đề nghị bổ sung thêm các nguyên tắc về bảo đảm tính bí mật của thư; bổ sung yêu cầu kịp thời, chính xác trong cung ứng dịch vụ bưu chính.

Một vấn đề được nhiều đại biểu góp ý kiến là quy định giao cho một doanh nghiệp nhà nước đảm nhiệm việc thực hiện dịch vụ bưu chính công ích. Các đại biểu Nguyễn Thị Nga (đoàn Hải Dương), Nguyễn Văn Thời (đoàn Thái Nguyên) cùng nhiều đại biểu khác không đồng tình với dự thảo Luật quy định giao cho một doanh nhà nước, cụ thể là Tập đoàn Bưu chính Việt Nam thực hiện nhiệm vụ này, vì như vậy sẽ mất đi tính cạnh tranh lành mạnh, tạo cơ hội cho hành vi kinh doanh bưu chính độc quyền. Theo đại biểu Nguyễn Văn Thời, cũng giống như lĩnh vực viễn thông, khi phát triển thì người dân sẽ là đối tượng được hưởng thụ nhiều lợi ích, tuy nhiên phần lớn vẫn là người dân sống ở khu vực đô thị, thành phố lớn, còn ở vùng sâu vùng xa điều kiện tiếp cận còn rất hạn chế. Vì vậy Nhà nước nên tạo điều kiện để các doanh nghiệp khác cũng có thể đầu tư vào lĩnh vực này như ưu đãi về đất đai, về thuế, tín dụng đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhóm ý kiến khác lại ủng hộ quy định như trong dự thảo Luật, trên cơ sở cân nhắc cả về góc độ kinh tế, xã hội và an ninh.

Về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bưu chính, theo nhiều đại biểu, quy định như dự luật mới chỉ mang tính nguyên tắc chung. Do vậy, cần bổ sung các quy định rõ ràng và cụ thể hơn.

Nhiều nội dung khác trong dự thảo Luật Bưu chính cũng đã được nhiều đại biểu thảo luận, góp ý và chưa thống nhất với dự thảo về các hoạt động của bưu điện Văn hoá xã; việc cấp phép và thời hạn cấp phép hoạt động bưu chính; tem và mã bưu chính; việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại… liên quan đến các hoạt động bưu chính…

Đại biểu Trần Thế Vượng (đoàn Hải Dương) đề nghị xem xét lại quy định như ở chương 8 về giải quyết khiếu nại, bồi thường thiệt hại. Đại biểu cho rằng, như quy định ở chương này thì không phải là vấn đề khiếu nại mà thực ra là hoạt động dịch vụ giữa người sử dụng dịch vụ và người cung ứng dịch vụ bưu chính. Đây chỉ là hợp đồng dân sự về cung ứng dịch vụ, đã là hợp đồng dịch vụ tức là cả hai bên cung cấp và sử dụng dịch vụ đều bình đẳng với nhau, nếu có phát sinh mâu thuẫn thì đó cũng chỉ là tranh chấp chứ không phải là việc khiếu nại giữa người sử dụng và cung ứng dịch vụ.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý để có thể thông qua dự luật này trong kỳ họp tới.

Chiều nay, các đại biểu làm việc ở tổ, thảo luận dự án Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi)./                                                     

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên