Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lý giải vì sao phải sửa Luật thống kê

VOV.VN - Việc ban hành các quy định liên quan đến GDP, GRDP trong Luật thống kê sẽ tạo được sự đồng bộ thống nhất trong cả nước về số liệu, đảm bảo không chồng chéo, không tính thiếu hoặc bỏ sót các nội dung.

Theo kế hoạch, ngày hôm nay 13/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự án Luật Thống kê với sự điều chỉnh một số điều khoản phù hợp với tình hình hiện tại. Luật Thống kê sau khi được sửa đổi, bổ sung sẽ đảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời phản ánh tình hình mới, bối cảnh mới phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ, phù hợp với thông lệ quốc tế, như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; Chính sách về phát triển bền vững; Cách mạng công nghiệp lần thứ tư;... đề ra.

PV VOV đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương về vấn đề này.

PV: Thưa Thứ trưởng, sau 5 năm triển khai, Luật Thống kê 2016 đã không còn phù hợp với thời điểm hiện tại. Vậy Bộ đã thực hiện quy trình sửa đổi, bổ sung Dự án Luật như thế nào để đáp ứng đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phù hợp với tình hình mới?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Về việc thực hiện chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê và danh mục các chỉ tiêu thống kê Quốc gia. Phải nói rằng đây là một dự án luật có một vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Mục tiêu đầu tiên là rà soát, cập nhật, bổ sung, điều chỉnh danh mục các chỉ tiêu thống kê quốc gia. Thứ nhất là đáp ứng theo yêu cầu của Điều 18 của Luật thống kê. Thứ hai là phản ánh công tác triển khai bám sát các quan điểm chỉ đạo và các nội dung định hướng của Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó xác định các mục tiêu định hướng giải pháp của chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 và 2 kỳ kế hoạch 5 năm 2021-2025 và 2026-2030. Với việc rà soát hiệu chỉnh và hoàn chỉnh danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia có thể giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan của Đảng, Nhà nước được sát với tình hình thực tiễn của nền kinh tế của đất nước, cũng như  bám sát các chỉ đạo định hướng, mục tiêu, giải pháp của Đảng trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

PV: Thưa Thứ trưởng, để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế đất nước thì Dự án Luật sẽ được sửa đổi, bổ sung các chỉ số, chỉ tiêu nào?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Liên quan đến sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, trong đó tập trung vào các điều khoản về trình tự, thủ tục thẩm quyền tính toán ban hành chỉ số GDP đánh giá lại. Đây cũng là một nội dung mà trong thời gian vừa qua mới xuất hiện và có ý nghĩa tác động rất lớn đối với việc đánh giá tình hình kinh tế xã hội của đất nước theo các con số được đánh giá lại, để cập nhật, làm sao phản ánh được đầy đủ hơn và chính xác hơn các số liệu của thực tiễn trong chỉ tiêu tổng hợp GDP.

Nội dung thứ hai là sửa đổi một số điều liên quan đến thẩm quyền trình tự, thủ tục tính toán và ban hành chỉ số GRDP cấp tỉnh, thành phố. Đây cũng là một nội dung quan trọng và được các cấp chính quyền địa phương quan tâm. Chỉ số GRDP phản ánh thành quả của quá trình nỗ lực cố gắng, cũng như kết quả chính sách của các địa phương trong việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Việc ban hành các quy định liên quan đến GRDP sẽ tạo được sự đồng bộ thống nhất trong cả nước về số liệu, cũng như về ý nghĩa tính toán của con số này, đảm bảo không chồng chéo, không tính thiếu hoặc bỏ sót các nội dung, mà có thể phản ánh được trong chỉ số phát triển của từng địa phương.

PV: Thưa Thứ trưởng, nếu Dự án Luật này được Quốc hội thông qua sẽ có ý nghĩa ra sao đối với vai trò của Việt nam trong tiến trình hội nhập với khu vực và thế giới?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Dự án luật hiện nay đã được Chính phủ trình Quốc hội. Trong chương trình hoạt động của Quốc hội kỳ họp thứ 2 khóa XV sẽ thảo luận và thông qua vào ngày 13/11. Với tư cách là cơ quan chủ trì soạn thảo thì Bộ Kế hoạch đầu tư, Tổng cục Thống kê thời gian vừa qua cũng đã nhận được sự đồng hành ủng hộ giúp đỡ, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức và cá nhân, đặc biệt là các bộ, ngành, địa phương, các Viện nghiên cứu, các trường đại học, các chuyên gia, các tổ chức quốc tế song phương và đa phương để có thể hoàn thành được một dự án luật đảm bảo chất lượng trình Quốc hội lần này.

Sau khi Quốc hội thông qua Dự án luật sẽ đóng một vai trò hết sức quan trọng, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất không chỉ cho Tổng cục thống kê, mà còn cho hệ thống thống kê của cả nước từ Trung ương đến địa phương để thu thập, tính toán công bố các số liệu thống kê ngày càng chính xác, ngày càng có chất lượng và đáp ứng được các yêu cầu về hội nhập quốc tế, cũng như so sánh quốc tế, để không ngừng phản ánh sự phát triển của đất nước và vị thế vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế thông qua các chỉ số thống kê này.

PV: Xin trân trọng cảm ơn thứ trưởng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chủ tịch Quốc hội nêu 7 lý do cần xem xét sửa Luật Thống kê
Chủ tịch Quốc hội nêu 7 lý do cần xem xét sửa Luật Thống kê

VOV.VN - “Tôi thấy có 7 lý do chính để sửa luật chứ không chỉ sửa Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê”.

Chủ tịch Quốc hội nêu 7 lý do cần xem xét sửa Luật Thống kê

Chủ tịch Quốc hội nêu 7 lý do cần xem xét sửa Luật Thống kê

VOV.VN - “Tôi thấy có 7 lý do chính để sửa luật chứ không chỉ sửa Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê”.