Thủ tướng: Bất ổn Biển Đông có thể làm đảo ngược tiến trình phục hồi kinh tế

VOV.VN -Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á 2014.

Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á (WEF Đông Á) 2014 đã chính thức khai mạc trọng thể chiều nay (22/5) tại Thủ đô Manila của Philippines với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao của nhiều quốc gia, các tổ chức quốc tế cùng với hơn 600 đại biểu là các học giả uy tín và đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của khu vực và thế giới.


Tham dự tất cả các phiên thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các bài phát biểu quan trọng, không chỉ thể hiện rõ Việt Nam luôn chủ động, tích cực tham gia đóng góp vào nỗ lực chung giải quyết các vấn đề nổi cộm và thời sự toàn cầu mà còn tiếp tục nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế trong xử lý tình hình phức tạp, nguy hiểm hiện nay trên Biển Đông.

Với chủ đề bao trùm “Thúc đẩy tăng trưởng vì tiến bộ đồng đều”, Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á năm nay tập trung đánh giá tình hình khu vực Đông Á, thảo luận và đề xuất các giải pháp bảo đảm tăng trưởng bền vững và thúc đẩy liên kết khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các bài phát biểu quan trọng tại Diễn đàn



Cùng với Tổng thống Philipines, Tổng thống Indonesia, Phó Tổng thống Myanmar và Chủ tịch WEF, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên khai mạc nêu rõ, thời gian qua, Đông Á tiếp tục là khu vực phát triển năng động và tăng trưởng nhanh nhưng cũng đang đứng trước không ít thách thức. Do đó, Đông Á cần phải tạo thêm những động lực mới để tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững.

Từ kinh nghiệm Việt Nam, Thủ tướng cho rằng đó là toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế gắn với đổi mới thể chế kinh tế thị trường với chất lượng và yêu cầu cao hơn. Thủ tướng cũng nêu rõ nhiều cơ hội đối với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, nhất là kinh tế vĩ mô ổn định, chính sách thuận lợi và Việt Nam đang đẩy mạnh đàm phán nhiều hiệp định tự do thương mại song và đa phương như TPP, RCEP, Việt Nam – EU…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt nhấn mạnh: Không thể có phát triển nếu không có hòa bình và ổn định. Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp vào hòa bình, ổn định và lạc quan về tương lai hợp tác phát triển của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nhìn lại toàn cảnh khu vực thời gian gần đây, tôi hoàn toàn chia sẻ với quan ngại của Giáo sư Klaus Schwab tại Diễn đàn hôm nay cũng như tại Diễn đàn WEF được tổ chức tại Davos đầu năm 2014 là nguy cơ bất ổn đang tăng lên.

Trên thực tế, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông đang diễn biến ngày càng phức tạp, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định và an ninh khu vực. Hiện nay, trên 3/4 khối lượng hàng hóa thương mại toàn cầu được vận chuyển bằng đường biển và 2/3 số đó đi qua Biển Đông. Bất ổn hay xung đột xảy ra tại đây sẽ làm gián đoạn lưu chuyển dòng hàng hóa to lớn này và nhiều nền kinh tế không chỉ trong khu vực mà cả thế giới đều phải gánh chịu hậu quả khôn lường, thậm chí có thể làm đảo ngược tiến trình phục hồi kinh tế thế giới.

Thủ tướng lưu ý về tình hình đặc biệt nghiêm trọng đang diễn ra ở Biển Đông. Từ ngày 1/5/2014 đến nay, Trung Quốc đã sử dụng hơn 130 tàu, có cả tàu quân sự và máy bay bảo vệ để hạ đặt giàn khoan dầu vào vị trí sâu hơn 80 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Đây là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng luật pháp quốc tế và Tuyên bố Ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết. Hành động này của Trung Quốc đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.



Việt Nam luôn mong muốn hòa bình hữu nghị và đã hết sức kiềm chế, chân thành bày tỏ mọi thiện chí và sử dụng mọi kênh đối thoại để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu hộ tống bảo vệ ra khỏi vùng biển Việt Nam, tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Tuy nhiên, cho đến nay, Trung Quốc không những không đáp ứng yêu cầu chính đáng của Việt Nam mà còn vu khống, đổ lỗi cho Việt Nam và tiếp tục sử dụng sức mạnh, gia tăng các hành động uy hiếp, xâm phạm ngày càng nghiêm trọng hơn.

Cả dân tộc Việt Nam phản đối việc làm sai trái này của Trung Quốc. Nhiều nơi, người dân tự phát biểu tình phản đối, trong đó có một số người đã có những hành vi vi phạm pháp luật. Chính phủ Việt Nam đã ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm khắc đúng pháp luật. Tình hình đã hoàn toàn ổn định. Các doanh nghiệp đã được giúp đỡ hỗ trợ phù hợp và trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trân trọng cảm ơn ASEAN, các nước và bạn bè trên thế giới đã chia sẻ và ủng hộ Việt Nam bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình phù hợp với luật pháp quốc tế. Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ giúp đỡ quý báu. Sự đoàn kết hợp tác của cộng đồng quốc tế là hết sức cần thiết để ngăn chặn các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế.  Thủ tướng mong muốn Diễn đàn Kinh tế thế giới tiếp tục đóng góp tích cực vào xây dựng một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển thịnh vượng.

Tại Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á năm nay, nhiều đại biểu bày tỏ quan ngại trước những diễn biến phức tạp của tình hình an ninh-chính trị khu vực, bao gồm tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông và Biển Hoa Đông; cho rằng hòa bình ổn định là điều kiên tiên quyết để bảo đảm hợp tác và phát triển kinh tế, các nước có liên quan cần giải quyết các tranh chấp lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với những nguyên tắc của luật pháp quốc tế, tránh sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực cũng như những hành động khiêu khích có thể làm phức tạp thêm tình hình.

Cũng trong hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự và phát biểu tại phiên thảo luận “Thúc đẩy cộng đồng kinh tế ASEAN thông qua tăng cường phối hợp công-tư”. Để hợp tác công-tư đóng góp hiệu quả vào tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Thủ tướng cho rằng phải có sự ủng hộ mạnh mẽ của các Chính phủ, xây dựng khung chính sách chung của ASEAN về hợp tác công-tư và danh mục dự án kết nối ASEAN theo hình thức đối tác công-tư với các điều kiện cụ thể, hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân, đồng thời có cơ chế hỗ trợ, giám sát để thực hiện hành công dự án…


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối thoại với các doanh nghiệp trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á

Phiên Đối thoại của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với các doanh nghiệp trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á diễn ra vào cuối giờ chiều nay cũng thu hút sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp thành viên WEF, thể hiện sự quan tâm tới các cơ hội kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định với những nỗ lực liên tục và thường xuyên của Chính phủ, môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ ngày càng hoàn thiện hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài làm ăn hiệu quả, lâu dài tại Việt Nam…

Bên lề Diền đàn kinh tế thế giới về Đông Á, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới và một số lãnh đạo doanh nghiệp quan tâm tới các cơ hội kinh doanh-đầu tư tại Việt Nam.

Tối nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn đại biểu Việt nam rời Manila về Hà Nội, kết thúc chuyến tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á và thăm làm việc tại Philippines./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên