Thủ tướng: Bộ trưởng, trưởng ngành không ủy quyền cho cấp phó trong xây dựng pháp luật
VOV.VN - Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, các Bộ trưởng, trưởng ngành phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, không ủy quyền cho cấp phó trong lĩnh vực này.
Sáng 19/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật tháng 1/2022.
Dự phiên họp còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; các Bộ trưởng; Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặc biệt quan tâm công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế - một trong 3 đột phá chiến lược theo các Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu đầu tư hơn nữa cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, coi đây là đầu tư cho sự phát triển, tăng cường đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng nhân lực làm công tác này; bố trí cơ sở vật chất, không gian làm việc phù hợp, đầu tư về tài chính ngang tầm nhiệm vụ, có chế độ đãi ngộ tương xứng với người làm công tác tư pháp, pháp chế, cân đối, hài hòa, hợp lý với các ngành khác.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, các Bộ trưởng, trưởng ngành phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, không ủy quyền cho cấp phó trong lĩnh vực này; hàng tháng phải chỉ đạo rà soát lại các vấn đề vướng mắc, cần tháo gỡ, các vấn đề mới, nhạy cảm, phát sinh trong quá trình chỉ đạo, điều hành những vấn đề chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng thực tiễn đã vượt qua.
Trên cơ sở đó, tiến hành sơ kết, tổng kết, bổ sung, hoàn thiện các quy định, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, điều chỉnh trên tinh thần bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo.
Thủ tướng yêu cầu cần triển khai các khâu trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật một cách kỹ lưỡng, chú trọng việc huy động trí tuệ tập thể, tổ chức hội thảo, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, những người hoạt động thực tiễn, các đối tượng tác động, người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, tổ chức thực thi pháp luật bảo đảm đồng bộ, hiệu quả.
Tại cuộc họp này, các đại biểu thảo luận về Dự án Luật giao thông đường bộ (sửa đổi); Dự án Luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Đề nghị xây dựng các Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viễn thông, Luật Công nghiệp Công nghệ số, Luật về phòng thủ dân sự.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao ý kiến của các thành viên Chính phủ và các đại biểu đại diện các bộ, ngành tại phiên họp. Các ý kiến tập trung, tâm huyết với mong muốn các luật được xây dựng đảm bảo quy trình, tiến độ và chất lượng.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các Bộ trưởng, Trưởng ngành đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác xây dựng thể chế, cơ chế chính sách, quy hoạch, chiến lược phát triển của ngành mình. “Chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa nên phải tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế”.
Theo Thủ tướng, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế phải “bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn và lấy thực tiễn làm thước đo”: “Cần phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn tôn trọng thực tiễn và lấy thực tiễn làm thước đo để chúng ta lãnh đạo, chỉ đạo việc tháo gỡ cơ chế, chính sách, tháo gỡ những nút thắt từ thực tiễn, rồi những bài toán thực tiễn đặt ra, chúng ta phải tháo gỡ cho người dân, cho doanh nghiệp giải quyết thủ tục hành chính, giảm các sách nhiễu phiền hà, tăng cường phân cấp, phân quyền xuống các cấp, đồng thời phải tăng cường phân quyền, tăng cường cái phân quyền thì cũng phải tăng cường giám sát, kiểm tra và phân bổ nguồn lực hợp lý, đồng thời chỉ đạo việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ khi mà phân cấp phân quyền giữa các cấp”.
Cùng với tháo gỡ vướng mắc về chính sách để huy động nguồn lực từ mọi nguồn hợp pháp cho đầu tư phát triển, luật pháp cũng đảm bảo tăng cường quản lý, xiết chặt kỷ luật, kỷ cương và tạo ra khung pháp lý, mở ra cơ hội để tập trung cho sự pháp triển. Thủ tướng chỉ rõ: “Vừa phải tăng cường quản lý nhà nước siết chặt kỷ luật, kỷ cương nhưng mà phải vừa mở ra những cơ chế, chính sách để cho sự phát triển nó được tốt hơn nó phù hợp với tình hình và hoàn cảnh của đất nước ta trong giai đoạn hiện nay, những gì đã "chín", đã rõ, thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì triển khai; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định, những vấn đề thực tiễn đặt ra nhưng cần có thời gian kiểm chứng thì tổ chức tổng kết, đánh giá, mạnh dạn thí điểm; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội”.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các bộ, ngành chủ trì soạn thảo tiếp tục tổ chức các cuộc hội thảo, lấy ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn và các đối tượng được điều chỉnh và tác động bởi chính sách để tranh thủ ý kiến, có luận cứ khoa học xây dựng pháp luật; đồng thời tham khảo bài học, quy định pháp luật của các nước trên thế giới để vận dụng sáng tạo, phù hợp với tình hình Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt lưu ý, các bộ, ngành, cơ quan phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, nhất là các cơ quan thẩm định để chuẩn bị các hồ sơ đảm bảo chất lượng, trình cấp có thẩm quyền. Đặc biệt, trước, trong và sau khi các luật được ban hành, có hiệu lực cần tổ chức truyền thông tốt để cộng đồng xã hội hiểu và ủng hộ. “Kinh nghiệm cho thấy, muốn đưa ra một chính sách mới, nhất là đối với vấn đề khó, còn nhiều ý kiến khách nhau thì phải tăng cường truyền thông để tranh thủ ý kiến và tìm sự đồng thuận”, Thủ tướng nhấn mạnh./.