Thủ tướng: Cần phát triển trung tâm thương mại quốc tế ở Lào Cai
VOV.VN - Sáng 20/7, tại Thành phố Lào Cai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Lào Cai năm 2019.
Hội nghị có gần 500 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và đông đảo các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng cho rằng, bên cạnh phát triển du lịch bền vững và bao trùm, cần xây dựng ở Lào Cai các trung tâm logistic, trung tâm buôn bán quốc tế.
Thông điệp của tỉnh Lào Cai muốn gửi đến doanh nghiệp trong hội nghị này là “Lào Cai - Điểm đến thành công”. Tại hội nghị, các nhà đầu tư đánh giá cao tiềm năng phát triển của Lào Cai, nhưng cũng cho rằng Lào Cai cần phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng kết nối, phát triển mạnh mẽ dịch vụ logistic để hỗ trợ các ngành nghề kinh doanh, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự hài hòa lợi ích giữa các bên...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Lào Cai năm 2019. |
Tại hội nghị, tỉnh Lào Cai sẽ ký kết thỏa thuận hợp tác với 11 đối tác với tổng vốn đầu tư khoảng 124.000 tỷ đồng (tương đương với 5,3 tỉ USD); trao 8 Quyết định chủ trương đầu tư các dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 23.000 tỷ đồng (tương đương 1 tỉ USD).
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Lào Cai theo tiếng H’Mông có nghĩa là Phố Chợ Cũ. Điều này cho thấy nơi đây từng là vùng đất nhộn nhịp và sôi động bởi những hoạt động giao thương buôn bán. Lào Cai ngày nay có điều kiện phát triển rất thuận lợi với thiên nhiên ưu đãi, sông suối dày đặc, có nhiều nguồn suối khoáng nóng, có kho tàng gen thực vật quý chiếm một nửa số loài thực vật quý hiếm của Việt Nam.
Đặc biệt, Lào Cai là vùng đất hội tụ, lưu giữ, lan truyền các giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử và di sản đặc sắc của 25 dân tộc anh em trong vùng núi phía Bắc Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Nơi đây có một Sapa đặc trưng, một thị trấn “trong sương” mang vẻ đẹp cuốn hút, hòa giữa thiên nhiên văn hóa và màu sắc bản địa. Từ cuối thế kỷ 20, người Pháp đã gọi Sapa là “thủ đô” của mùa hè khu vực Bắc kỳ. Bên cạnh sự thành công về du lịch biển, nhưng chúng ta chưa thành công trong du lịch miền núi, nhất là miền núi ở phía Bắc. Do đó lần này chúng ta phải làm tốt hơn để biến vùng núi tiềm năng ở phía Bắc, trong đó có có Sapa, Lào Cai thành địa điểm rất hấp dẫn, rất kỳ thú mà du khách gần xa chưa biết tiềm năng ấy của Việt Nam. Chính vì thế tiềm năng du lịch ở đây rất lớn mà chúng ta cần phải nâng lên, phát triển nhanh hơn, chất lượng hơn".
Nêu lên điều đó, Thủ tướng cho rằng, mức thu hút khách quốc tế đạt 4,3 triệu lượt trong năm ngoái dù cao nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, nhất là khi Sapa có thể phát triển mọi loại hình du lịch như du lịch sinh thái, cộng đồng, mạo hiểm... Nhấn mạnh về những vẻ đẹp riêng có của Sapa, Lào Cai, giúp nơi đây là điểm du lịch lý tưởng, Thủ tướng lưu ý, nếu đánh mất tài nguyên quan trọng này, Lào Cai sẽ mất tất cả.
Để khai thác tốt tiềm năng phát triển du lịch, Thủ tướng nêu lại 5 câu hỏi mà Lào Cai và các tỉnh muốn phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đều phải giải đáp được, đó là: làm sao để khách đến với Lào Cai đông hơn; làm sao để du khách tiêu tiền nhiều hơn; làm sao để du khách lưu trú lâu hơn; làm thế nào để du khách kể câu chuyện đầy thú vị, hứng khởi về Lào Cai với bạn bè, người thân; và làm thế nào để khách quay lại Lào Cai nhiều hơn.
Nhắc lại những câu hỏi đó, Thủ tướng yêu cầu Lào Cai phải hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững và bao trùm.
Trước các nhà đầu tư, Thủ tướng cũng nêu những tiềm năng phát triển khác của Lào Cai như công nghiệp, trong đó có công nghiệp khai khoáng. Song Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ không khuyến khích các nhà đầu tư khai khoáng có tầm nhìn ngắn hạn, sử dụng công nghệ lạc hậu.
Còn về phát triển nông nghiệp, các nhà đầu tư hoàn toàn có thể tạo giá trị từ 200 – 300 triệu đồng/ha hoặc cao hơn nếu ứng dụng sâu công nghệ và kỹ thuật. Thủ tướng gợi ý nông nghiệp Lào Cai cần dựa trên 3 trụ cột là sản xuất theo mô hình hữu cơ, sạch, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến; và liên kết chuỗi giá trị và liên kết theo cụm.
Tán thành với ý kiến các nhà đầu tư, Thủ tướng cho rằng, cùng với hành lang kinh tế Côn Minh- Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng mang lại điều kiện phát triển thuận lợi, thì Lào Cai cần phát triển mạnh kinh tế cửa khẩu.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Có thể xây dựng ở đây các trung tâm logistic, trung tâm buôn bán quốc tế cùng với du lịch quốc tế. Phải hình thành nơi đây một trung tâm thương mại, trong đó có Trung Quốc là đối tác quan trọng để cùng các đối tác khác để phát triển thương mại quốc tế tại khu vực này. Phải tăng cường kiểm tra kiểm soát để chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng; khuyến khích những mặt hàng mang lại quyền lợi người tiêu dùng thông qua trung tâm thương mại ở Lào Cai. Chính vì vậy Chính phủ ưu tiên xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng và các cơ chế chính sách cho trung tâm này. Đặc biệt là sẽ xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội – Côn Minh khổ lớn, phù hợp với thông lệ quốc tế".
Thủ tướng cũng cho rằng, sắp tới, nếu dự án sân bay Lào Cai được đánh giá khả thi và được triển khai, sẽ giúp khơi thông các tiềm năng phát triển của Lào Cai cũng như các tỉnh lân cận rất lớn. Về việc mở rộng tuyến đường từ Thành phố Lào Cai đi Sapa như nhà đầu tư nêu ra, Thủ tướng cho rằng, đây là điều cần thiết mà tỉnh và Bộ Giao thông vận tải cần phối hợp nghiên cứu và có hình thức đầu tư phù hợp.
Nêu lên các tiềm năng phát triển thuận lợi đó, Thủ tướng kêu gọi các nhà đầu tư đến với Lào Cai và Tây Bắc.
Để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư và thúc đẩy phát triển, thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Lào Cai đầu tư mạnh mẽ hơn cho giáo dục, đào tạo chất lượng cao; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thương mại điện tử; tập trung phát triển doanh nghiệp ở địa phương để tiến tới có 20 nghìn doanh nghiệp trên địa bàn thay vì 5.000 doanh nghiệp hiện nay. Theo đó, tỉnh cần đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là tiếp cận đất đai, chất lượng dịch vụ, đào tạo nghề...
Đánh giá cao các nhà đầu tư đến với Lào Cai, Thủ tướng cho rằng, mỗi một đồng vốn của nhà đầu tư, mỗi một sinh kế, việc làm được tạo ra đều rất quý giá. Do đó, bên cạnh mục đích kinh doanh là cả một tấm lòng vì xã hội, vì đồng bào, vì đất nước. Thủ tướng mong muốn các nhà đầu tư cùng lên án hành vi gây ô nhiễm môi trường, hành vi phá vỡ các giá trị văn hóa dân tộc và lịch sử, sử dụng lao động bất hợp pháp, trốn thuế./.
Thủ tướng: Việt Nam cam kết tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Nhật Bản