Thủ tướng: Cấp ngay 137 tỷ cho 9 tỉnh bị thiệt hại do xâm nhập mặn
VOV.VN - Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ cấp ngay 137 tỷ đồng cho 9 tỉnh bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn đã có thống kê và đề xuất hỗ trợ.
Trước tình trạng xâm nhập mặn ngày càng diễn biến phức tạp ở Đồng bằng sông Cửu Long và trở thành đợt thiên tai lịch sử đã, đang và tiếp tục gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và đời sống của người dân, sáng 7/3 tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị với Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để thống nhất hành động ngay các biện pháp cấp bách trước mắt nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại và hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, dứt khoát không để hộ dân nào bị đói do thiên tai cũng như thống nhất các giải pháp lâu dài và xác định nguồn lực nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị
Thiên tai ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ gây thiệt hại nặng nề nhất trong 100 năm gần đây mà đến nay đã trở thành đợt thiên tai nặng nề nhất trong lịch sử. Mặc dù Chính phủ cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương trong vùng đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp để hạn chế thấp nhất thiệt hại gây ra, nhưng đến hôm nay, xâm nhập mặn đã lan sâu vào 9 trong tổng số 13 tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long, nặng nhất là các tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang và Long An.
Xâm nhập mặn sâu đã gây thiệt hại lớn trên diện tích 160.000 ha lúa, gần 127.000 ha cây trồng, đặc biệt là hơn 155.000 hộ dân với trên 700.000 người đang trong tình cảnh thiếu nước sinh hoạt. Vụ lúa hè thu 2016 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nếu khô hạn tiếp tục kéo dài như hiện nay thì toàn vùng dự báo sẽ có khoảng 500.000 ha không thể xuống giống đúng thời vụ, chiếm hơn một nửa diện tích của các tỉnh ven biển và gần 30% diện tích gieo trồng của toàn khu vực.
Bộ trưởng Cao Đức Phát phát biểu tại Hội nghị |
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát nhận định: Nhưng gì đang diễn ra ở Đồng bằng sông Cửu Long mới chỉ là khởi đầu và El Nino sẽ tiếp tục kéo dài ảnh hưởng đến giữa năm nay, diễn biến ngày càng nghiêm trọng hơn…
Tại hội nghị, các bộ, ngành và các địa phương đã đề xuất nhiều biện pháp từ truyền thống như tăng cường các dụng cụ dân dụng để tích trữ nước mưa, khoan giếng nước ngầm, tận dụng nước trữ hồ ao, kênh mương cho gia súc uống hay đắp đập để ngăn mặn, giữ ngọt; nghiên cứu giống và hướng dẫn cơ cấu lại tổng thể mùa vụ phù hợp với thời tiết, đến tập trung đầu tư các công trình hồ, đập cấp bách nhưng phải đảm bảo được tính liên vùng.
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể nêu quan điểm: “Chúng ta đầu tư cho xây dựng cơ bản không nhỏ, tuy nhiên, cách làm hiện nay manh mún quá. Tỉnh nào cũng tranh làm cống, làm đê nhưng các công trình này mang tính chất liên vùng chưa thì xin thưa là chưa ai trả lời được. Nhìn từ góc độ tỉnh, tôi lấy ví dụ Sóc Trăng và Bạc Liêu, hai tỉnh gần kề nhau hiện nay có những mâu thuẫn phải ngồi với nhau giải quyết nhưng rất khó. Bạc Liêu thì cần lấy nước mặn để nuôi trồng thủy sản, còn Sóc Trăng thì lấy nước ngọt, cứ dùng dằng một ông thì mở cửa lấy nước ngọt còn một ông thì chặn cửa lấy nước mặn, như thế thể hiện tính chất manh mún. Nếu chúng ta định hướng được vùng, chỗ nào cần làm cống, chỗ nào không cần làm cống, chỗ nào làm âu để đóng-mở mang tính chất tổng thể thì ngăn mặn, chống hạn mới hiệu quả…”.
Các ý kiến tại hội nghị cũng kiến nghị cần phải có sự quản lý sử dụng hiệu quả nguồn nước ngầm, xây dựng cơ chế vận hành nhà máy nước liên vùng gắn với sử dụng tiết kiệm nguồn nước mặt; sớm nghiên cứu loại giống phù hợp với độ mặn hay hạn hán; sớm triển khai dự án cấp nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long… Trước mắt, Chính phủ cấp ngay kinh phí hỗ trợ các địa phương và có cơ chế, chính sách lâu dài phòng, chống xâm nhập mặn và hạn hán…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo Hội nghị |
Trên cơ sở lắng nghe ý kiến của các bộ, ngành và các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước thách thức rất lớn mà hiện hữu là nước biển dâng, hạn hán và xâm nhập mặn. Riêng 160.000 ha lúa Đông Xuân bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn sâu đã gây thiệt hại tới 5.000 tỷ đồng và liên quan trực tiếp đến 1,5 triệu người dân. Vụ Hè thu tới nếu khô hạn tiếp tục kéo dài thì toàn vùng có tới 500.000 ha không thể xuống giống đúng thời vụ ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 5 triệu người dân. Hơn 750.000 người cũng đang trong tình trạng đang thiếu nước sinh hoạt...
Trước thực trạng này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các tỉnh trong khu vực dù với điều kiện khác nhau nhưng trước hết bằng mọi biện pháp, mọi phương thức dứt khoát phải đảm bảo nước ngọt hợp vệ sinh cho người dân, không để dịch bệnh bùng phát.
Thủ tướng nhấn mạnh: Nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các địa phương hiện nay là chung sức nỗ lực hạn chế thấp nhất thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra đối với hơn 50% diện tích lúa Đông Xuân, 300.000 ha cây ăn trái và diện tích nuôi trồng thủy sản, gắn với hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ cấp ngay 137 tỷ đồng cho 9 tỉnh bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn đã có thống kê và đề xuất hỗ trợ. Các loại kinh phí đã có quy định hỗ trợ thiên tai phải thực hiện đầy đủ. Các địa phương hỗ trợ đúng đối tượng và kịp thời, không để người dân bị thiệt hại phải chờ hỗ trợ của nhà nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo toàn hệ thống khoanh nợ không tính lãi, tiếp tục cho vay đối với các hộ dân bị thiệt hại do thiên tai, đồng thời Ngân hàng chính sách phát huy trách nhiệm hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn, hộ dân rơi vào diện nghèo do thiên tai.
“Trước hết Ngân hàng Nhà nước chỉ thị các ngân hàng thương mại khoanh nợ ngay, không tính lãi đối với các hộ nông dân bị thiệt hại nặng nề do thiên tai lên tới 160.000 ha lúa gắn với xem xét xóa nợ cẩn thận, đúng đối tượng. Đồng thời cho các hộ dân tiếp tục vay vốn luôn để sản xuất vụ tiếp theo. Ngân hàng chính sách phát huy trách nhiệm trong lúc thiên tai lịch sử trên diện rộng như thế này thì số hộ nghèo tăng lên rất lớn...”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các địa phương nắm chắc tình hình, báo cáo và đề xuất Chính phủ cấp ngay các kinh phí đặc thù như đắp đập tạm thời để giữ nước ngọt và ngăn mặn, kinh phí vận chuyển cung cấp nước sạch cho dân. Thủ tướng cũng lưu ý trong thời tiết nắng hạn, các địa phương tăng cường phương án bảo vệ phòng chống cháy rừng; từng tỉnh tập trung rà soát lại quy hoạch cấp nước ngọt, nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân, kể cả nước mặt, nước ngầm, hồ chưa nước.
Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường cập nhật liên tục diễn biến của biến đổi khí hậu, dự báo và xây dựng kịch bản chính xác; trên cơ sở này từng địa phương và từng bộ ngành liên quan rà soát điều chỉnh quy hoạch phát triển các ngành và địa phương mình, nhất là quy hoạch phát triển hạ tầng thủy lợi thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là cơ sở để xây dưng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội chung của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long phù hợp với biến đổi khí hậu.
Thủ tướng thị sát tình trạng xâm nhập mặn ở Sóc Trăng |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Trước mắt để phục vụ kế hoạch 5 năm tới, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát huy được thế mạnh của Đồng bằng sông Cửu Long là nông nghiệp, thủy sản, cây ăn trái thì quy hoạch ngăn mặn, giữ ngọt, chống sạt lở hết sức bức thiết. Quy hoạch này do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm kết hợp với các địa phương và các bộ ngành liên quan rà soát cập nhật lại. Trên cơ sở quy hoạch này mới xếp các dự án ưu tiên liên quan đến đập, cống, đê, hồ chứa nước ngọt và tính toán làm đồng bộ để có hiệu quả...”.
Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các địa phương năng động, sáng tạo, đề xuất, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư các dự án phát triển hạ tầng, nhất là thủy lợi và các dự án thiết thực ứng phó với biến đổi khí hậu. Các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chuyển nhanh tỷ trọng lao động trong nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ để nâng cao năng suất lao động, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản.../.