Thủ tướng chỉ đạo xây dựng kế hoạch về vệ sinh an toàn thực phẩm
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 734 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khoá XII về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan phải phối hợp và có trách nhiệm tham gia chặt chẽ với cơ quan chủ trì trong việc xây dựng văn bản và tổ chức thực hiện nội dung của Kế hoạch này.
Cụ thể, giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Trình Quốc hội xem xét và thông qua Luật An toàn thực phẩm.
Giao Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm; dự thảo Nghị định quy định phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm…
Các Bộ tham gia quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư của Bộ, cơ quan ngang Bộ về việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền những văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm để điều chỉnh toàn diện, đồng bộ và thống nhất các vấn đề về quản lý an toàn thực phẩm.
Thủ tướng giao Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin - Truyền thông, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tổ chức, phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp xây dựng chương trình để tuyên truyền thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm một cách thường xuyên với các hình thức đa dạng, phù hợp với từng địa phương; nâng cao ý thức của người tiêu dùng thực phẩm, đạo đức kinh doanh và trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với sức khỏe cộng đồng.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Các đơn vị liên quan cần tích cực hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực chất lượng, vệ sinh an toàn với các nước có phát triển trong cộng đồng các nước thuộc Liên minh Châu âu (EU), Mỹ và một số nước khác nhằm ký kết hiệp định song phương, đa phương công nhận, thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chất lượng, an toàn sản phẩm thực phẩm, tạo điều kiện thuận lợi xuất khẩu, nhập khẩu thực phẩm an toàn đối với các nước mà Việt Nam xuất khẩu nhiều thực phẩm như cộng đồng các nước thuộc châu Âu, Mỹ, Nga./.