Thủ tướng chủ trì cuộc gặp mặt đại diện doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam
VOV.VN - Ngày 4/10, tại trụ sở Chính phủ, Thường trực Chính phủ gặp mặt đại diện doanh nhân, nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Cùng dự có các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các doanh nhân, đại diện lãnh đạo doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp.
Phát biểu mở đầu buổi gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, buổi gặp này là dịp để tri ân, vinh danh các doanh nghiệp, doanh nhân có đóng góp vào sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đã đóng góp rất quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của đất nước.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng gửi đến toàn thể các đại biểu và doanh nhân lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Thủ tướng cho biết, ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư tới giới công thương Việt Nam vào ngày 13/10/1945 nhằm khuyến khích sự phát triển và nhấn mạnh vai trò của giới công thương đối với nền kinh tế quốc gia: “Hiện nay công thương cứu quốc đoàn đương hoạt động để làm được nhiều việc ích quốc lợi dân. Tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt. Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng…”.
Kế thừa và phát huy tư tưởng của Người, cách đây 20 năm, ngày 13/10 hàng năm đã được chọn là ngày Doanh nhân Việt Nam (theo quyết định số 990/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải ký ngày 20/9/2004), với ý nghĩa chính là khuyến khích và tôn vinh vai trò của những nhà doanh nhân đã cống hiến nhiều thành tựu cho Tổ quốc và cho nhân dân.
Thủ tướng chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay của nước ta, với chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả, chúng ta khẳng định, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về khuyến khích phát triển, phát huy vai trò, trách nhiệm của doanh nhân Việt Nam đối với sự thịnh vượng của đất nước vẫn còn nguyên giá trị sâu sắc và tính thời sự nóng hổi, đặc biệt là trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc ta.
Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn trân trọng hoan nghênh, chào đón các nhà doanh nhân Việt Nam - những người đầy tài năng, tâm huyết, có ý thức sâu sắc và đúng đắn về trách nhiệm then chốt, vai trò tiên phong của mình trong góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế của đất nước.
Cổ nhân có câu: "Phi công bất phú, phi thương bất hoạt" để nói nên tầm quan trọng, không thể thiếu của đội ngũ doanh nhân đối với sự phát triển. Không có đội ngũ doanh nhân giỏi thì dòng chảy kinh tế sẽ ngưng trệ và đất nước sẽ không thể thịnh vượng.
Hiện nay, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, kế thừa truyền thống yêu nước, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cống hiến cho dân tộc; ngày càng khẳng định vai trò, đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế; một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thủ tướng mong các nhà doanh nhân chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ, nguyện vọng về sự phát triển của doanh nghiệp, tập đoàn của quý vị nói riêng và của đất nước ta, đặc biệt trong kỷ nguyên mới của dân tộc. Bối cảnh, thời cơ, khó khăn, thách thức, nhiệm vụ, giải pháp?
Thủ tướng mong rằng buổi gặp mặt này sẽ được lắng nghe những ý kiến chia sẻ tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn và chân tình từ các đại biểu để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có thêm cơ sở xây dựng và ban hành các quyết sách khơi thông nguồn lực, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp Việt Nam phát triển đột phá, đội ngũ doanh nhân Việt Nam trưởng thành lớn mạnh, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tinh thần là “cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển; cùng niềm vui, niềm hạnh phúc và sự tự hào”.