Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương
VOV.VN - Hội nghị nhằm triển khai Nghị của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển KTXH và dự toán NSNN năm 2016
Ngày 28/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương nhằm triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển KTXH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Các ý kiến tại hội nghị là cơ sở để Chính phủ tiếp thu, hoàn thiện và ban hành Nghị quyết với các biện pháp đồng bộ, sát với thực tiễn để triển khai ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm tới nhằm phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra trong cả năm 2016, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển KTXH trong những năm tới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương. (Ảnh: VGP) |
Thảo luận về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015, các ý kiến phát biểu tại hội nghị cùng chung nhận định, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có những chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực, nhất là kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững, lạm phát ít biến động, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp. Công tác quản lý thu - chi ngân sách nhà nước được tăng cường, thu cả năm ước vượt dự toán. Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt và duy trì thị trường tài chính ổn định...
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định: “Trong suốt 4 năm qua, lạm phát của chúng ta luôn được kiểm soát ở mức độ thấp, điều này tạo ra điều kiện hết sức thuận lợi để chúng ta đạt được các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác. Trên cơ sở lạm phát ổn định thì việc điều hành chính sách tiền tệ cũng có những thuận lợi, vừa góp phần kiềm chế lạm phát nhưng cũng có điều kiện để hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển. Có thể nói năm 2015 mặt bằng lãi xuất của chúng ta đã đưa về mức mặt bằng lãi suất được cho là tốt nhất trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế của Việt Nam. Nhờ đó mà hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế đã được phục hồi và trên cơ sở đó chúng ta đạt được mức độ tăng trưởng rất cao có thể nói là cao nhất trong nhiều năm qua là ở mức khoảng gần 6,7%...”
GDP năm nay ước đạt gần 6,7%, không chỉ là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 8 năm qua mà còn vượt mục tiêu đề ra, góp phần cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát đề ra trong cả 5 năm qua. Nổi bật, sản xuất công nghiệp có mức tăng cao hơn nhiều so với các năm trước trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả nước. Cùng với nhiều kết quả tích cực trong cơ cấu lại nền kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh, chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của nước ta cũng được cải thiện đáng kể; trong bối cảnh còn khó khăn nhưng Chính phủ kiên quyết không cắt giảm bất cứ nguồn lực nào cho công tác an sinh, phúc lợi xã hội. Công tác đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế đạt nhiều kết quả tích cực; tiềm lực quốc phòng an ninh được tăng cường, bảo đảm giữ vững độc lập, chủ quyền và tăng cường đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội...
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh chia sẻ: “Có rất nhiều nguyên nhân giúp Chính phủ điều hành có hiệu quả nền kinh tế trong năm 2015, tôi nghĩ rằng cái chung nhất là sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ. Phải nói rất quyết liệt như thực hiện Nghị quyết 19, sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng đến từng bộ, từng ngành yêu cầu báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 19 để cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, điều này rất tốt, làm cho các doanh nghiệp phấn khởi, kể cả doanh nghiệp FDI, kể cả doanh nghiệp trong nước chúng ta để đầu tư cho sản xuất. Điều thứ 2 là sự phối hợp giữa các bộ ngành và các địa phương, đặc biệt là các bộ ngành. Một trong những thắng lợi là Quyết định 1317 của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề thành lập tổ công tác điều hành kinh tế vĩ mô tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Ngân hàng Nhà nước phối hợp với nhau để tham mưu cho Chính phủ khi có những biến động lớn về mặt tài chính kinh tế của thế giới, thí dụ như vấn đề giá dầu, đồng nhân dân tệ phá giá, về mặt biến động của những dự báo về phát triển của kinh tế…rất nhiều các vấn đề mà tổ này phải đưa ra thảo luận để tham mưu cho Chính phủ. Những tham mưu này rất kịp thời, có thể nói là chúng ta chọn hướng đúng. Đấy là vấn đề rất quan trọng”.
Hội nghị giữa Chính phủ với các địa phương đã lắng nghe các ý kiến đưa ra nhiều biện pháp nhằm khắc phục những hạn chế và thách thức đối với nền kinh tế, nhất là liên quan đến giá xuất khẩu các mặt hàng nguyên liệu và hàng nông, thủy sản giảm; cân đối ngân sách trung ương khó khăn do giá dầu thô xuống thấp; tiến trình sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước vẫn chậm so với mục tiêu đề ra; cơ chế đầu tư phát triển các khu công nghệ cao, phát triển công nghiệp hỗ trợ; quan điểm và biện pháp giảm quá tải bệnh viện gắn với nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản cũng như hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt khi Việt Nam đã, đang và tiếp tục thực hiện hàng loạt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cả song phương và đa phương.
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng: “Chúng ta tận dụng những ưu đãi do những hiệp định này mang lại và cũng tìm mọi biện pháp để giảm thiểu mặt tác động bất lợi cho sản xuất và cho tiêu thụ sản phẩm thì nó sẽ góp phần tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của chúng ta. Việc xuất khẩu không phải chỉ do bản thân các doanh nghiệp làm ra được mà còn là kết quả phối hợp rất chặt chẽ và đồng bộ giữa các bộ, các ngành các lĩnh vực có liên quan. Ví dụ vấn đề hoạt động của các ngân hàng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hàng hoá thuận lợi hơn trong tiếp cận tín dụng, rồi tỷ giá như thế nào cho nó phù hợp, vấn đề các thủ tục hành chính nhất là thủ tục liên quan đến xuất nhập khẩu, liên quan đến kiểm tra, kiểm soát... nếu thuận lợi cho doanh nghiệp cũng sẽ giúp cho doanh nghiệp giảm bớt được chi phí, rút ngắn thời gian làm thủ tục qua đó làm cho khả năng cạnh tranh của Việt Nam lớn lên. Các doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn trong tìm kiếm thị trường, thực hiện các biện pháp xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, kết hợp nhuần nhuyễn và đồng bộ tất cả những biện pháp đó thì tôi nghĩ rằng chúng ta vẫn có thể hy vọng đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% trong năm 2016…”.
Tại hội nghị, các thành viên Chính phủ và lãnh đạo các địa phương đều thể hiện quyết tâm cao nhất, cùng nỗ lực vượt qua khó khăn và thách thức, tiếp tục phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KTXH năm 2016 và các năm tiếp theo. Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương sẽ kết thúc vào ngày mai (29/12)./.