Thủ tướng chủ trì Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô

VOV.VN - Chiều nay (12/9), tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay.

Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái; các Bộ trưởng, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; các chuyên gia kinh tế; đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức quốc tế tại Việt Nam. 

Trong hơn 1 tháng qua, tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, ảnh hưởng lớn đến Việt Nam, trong bối cảnh đó, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự phối hợp, đồng hành của Quốc hội; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, kịp thời, đúng hướng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự ủng hộ, giúp sức của bạn bè quốc tế; tình hình KTXH Việt Nam tiếp tục phục hồi và phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực. 

Tuy nhiên tình hình thế giới tiếp tục biến động rất nhanh, phức tạp, khó dự báo và tác động, ảnh hưởng sâu sắc trên nhiều phương diện đến kinh tế toàn cầu và từng quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng chỉ rõ, phải luôn luôn đặt con người sự vật trong sự vận động phát triển và quá trình vận động phát triển đó thì bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài và nội tại bên trong thì nó sẽ có những mâu thuẫn mới thách thức mới bắt buộc chúng ta phải giải quyết nó để chúng ta mới tiến lên, để phát triển.

"Một là chúng ta phải đi tìm cái ổn định trong sự bất định. Thứ hai là chúng ta phải đi tìm để chủ động trong một thế bị động. Thứ ba là chúng ta phải đi tìm cái ổn định nhất, quán trong sự chuyển đổi và xáo trộn; chúng ta phải thiết lập một công cụ quản lý rủi ro trong suy thoái khủng hoảng là một thuộc tính không thể thiếu được của kinh tế thị trường, mà chúng ta phải thiết lập một phòng tuyến hợp tác và cạnh tranh kinh tế quốc tế trong điều kiện hội nhập" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thủ tướng đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm, nguyên nhân và khó khăn, thách thức như: sức ép lạm phát lớn; Khu vực sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn; Độ mở của nền kinh tế lớn; Giải ngân đầu tư công chậm được cải thiện; việc triển khai một số chính sách, giải pháp còn chậm.

Thủ tướng nhấn mạnh, cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, định hướng, cơ chế, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bảo đảm sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả, linh hoạt giữa các công cụ chính sách vĩ mô; chú trọng công tác nắm tình hình, luôn bám sát diễn biến quốc tế  trong nước và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Coi trọng công tác phân tích, dự báo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và tăng cường phối hợp chính sách; lắng nghe ý kiến của các đối tượng chính sách, các chủ thế trong xã hội, các chuyên gia, nhà khoa học. Chú trọng sự đoàn kết, thống nhất; bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân, ổn định chính trị - xã hội, an ninh trật tự, đẩy mạnh hội nhập quốc tế; qua đó góp phần tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô nói riêng và quản lý, phát triển KTXH nói chung.

Thủ tướng chỉ rõ 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan, nắm chắc diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, tăng cường năng lực phân tích, dự báo và kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô.

Tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Tiếp tục đổi mới tư duy xây dựng chính sách và chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, có phương án, kịch bản điều hành cụ thể, thường xuyên cập nhập để bảo đảm đáp ứng kịp thời sự biến động nhanh, phức tạp của tình hình quốc tế, trong nước và yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.

Chỉ đạo điều hành có trọng tâm, trọng điểm, xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, công cụ chính sách và giải pháp phù hợp, bảo đảm hiệu quả tổng thể và sự hài hòa, hợp lý giữa mục tiêu, lợi ích trước mắt và lâu dài, vì sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam xác định rõ: ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế là một mục tiêu ưu tiên vừa mang tính cấp bách, vừa mang tầm chiến lược và cũng là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong thời gian còn lại năm 2022 và những năm tiếp theo./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên