Thủ tướng: Đắk Nông có thể phát triển bằng “ba chân” vững chắc
VOV.VN -Từ những lợi thế của địa phương, Thủ tướng gợi ý Đắk Nông có một đặc điểm khác các tỉnh khác, đó là có thể phát triển bằng “ba chân” vững chắc.
Tiếp tục chương trình công tác tại Tây Nguyên, vào chiều nay (9/2), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cùng lãnh đạo một số bộ, ngành làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Đắk Nông. Từ những lợi thế của địa phương, Thủ tướng gợi ý Đắc Nông có một đặc điểm khác các tỉnh khác, đó là có thể phát triển bằng “ba chân” vững chắc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Đắk Nông - Ảnh: VGP/Quang Hiếu. |
Theo báo cáo của tỉnh, năm 2017, kinh tế xã hội đạt và vượt 17/17 chỉ tiêu. Trong đó, tăng trưởng kinh tế đạt 9,47%; thu ngân sách trên 2.000 tỷ đồng, vượt 24% kế hoạch. Toàn tỉnh có trên 2.600 doanh nghiệp. Tuy vậy, với xuất phát điểm thấp, tỷ lệ nghèo đói của tỉnh còn cao, đồng thời chịu áp lực bởi dân di cư tự do tăng mạnh, khiến áp lực lên cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, giáo dục, y tế, đồng thời gây khó khăn cho công tác bảo vệ rừng.
Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có Nhà máy Alumin Nhân Cơ có công suất thiết kế 650.000 tấn, bắt đầu hoạt động thương mại từ tháng 7 năm ngoái, sản lượng đạt trên 500.000 tấn và chủ yếu là xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore… Doanh thu xuất khẩu đạt gần 4.000 tỷ đồng, nộp ngân sách địa phương 236 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho hơn 1.000 người.
Với dự án trọng điểm của tỉnh là nhà máy điện nhôm Đắk Nông có công suất 450.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư 690 triệu USD, được xây dựng tại Khu công nghiệp Nhân Cơ, đến nay hạ tầng và nhà xưởng đã hoàn thành. Dự kiến từ tháng 5/2018, các nhà thầu nước ngoài sẽ triển khai công tác chế tạo, lắp đặt thiết bị và dự kiến từ quý 4/2019 sẽ đi vào sản xuất và cho ra đời sản phẩm nhôm kim loại đầu tiên của Việt Nam.
Cho biết sáng nay đã kiểm tra một số hạng mục, thăm dây truyền và công trình của Nhà máy Alumin Nhân Cơ và Dự án Nhà máy điện phân Nhôm Đắc Nông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo Nhà máy và chính quyền địa phương quan tâm đến điều kiện làm việc an toàn cho công nhân; trong đó có tình trạng tiếng ồn, bụi, tác động đến môi trường.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển, kể cả phát triển du lịch, nhờ thời tiết khí hậu ưu đãi, có 40 dân tộc anh em với nhiều văn hóa truyền thống đặc sắc. Tỉnh cũng nhiều loại tài nguyên, diện tích rừng của tỉnh còn lớn; là vùng đất “trù phú” cho sự phát triển.
Sau 15 năm tách tỉnh, Đắk Nông đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ, hình thành nhiều vùng cây công nghiệp có sản lượng lớn, tiêu biểu như tiêu, cà phê, cao su… Ít có tỉnh nào mà tăng trưởng kinh tế đạt trên 10% như Đắk Nông. Lần đầu tiên, tỉnh đã tăng diện tích che phủ rừng, sau khi thực hiện nghiêm cấm khai thác rừng tự nhiên.
Thủ tướng biểu dương tỉnh đã xử lý nghiêm tình trạng vi phạm trong quản lý, khai thác rừng trên địa bàn. Theo báo cáo của tỉnh, trong 2 năm 2016 – 2017, Đắk Nông đã tập trung điều tra, xử lý, làm rõ trách nhiệm và xử lý kỷ luật nhiều cán bộ, công chức có liên quan đến các vụ phá rừng bằng các hình thức cách chức, buộc thôi việc, khiển trách, cảnh cáo.
Cụ thể, tỉnh đã xử lý kỷ luật 72 lượt cán bộ, công chức; trong đó, công chức thuộc lực lượng kiểm lâm là 45 lượt người, công chức cấp xã là 6 người và Chủ rừng là 11 người.
Tuy vậy, Thủ tướng cũng nêu ra một số tồn tại, trong đó dù tăng trưởng cao nhưng chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của địa phương; thu nhập bình quân đầu người còn thấp, mới 41,26 triệu đồng/người/năm. Số lượng doanh nghiệp còn ít và tỷ lệ người dân trên 1 doanh nghiệp còn cao. Dù có tiến bộ nhưng tỷ lệ che phủ rừng chưa đạt kết quả đề ra. Tình hình phá rừng vẫn phức tạp; tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Môi trường đầu tư kinh doanh còn cần tiếp tục phải cải thiện. Dù nhiều loại cây công nghiệp nhưng lại chưa phát triển công nghiệp chế biến.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tỉnh tiếp tục khai thác tiềm năng lợi thế, có giải pháp đột phá, hành động quyết liệt đồng bộ ngay từ đầu năm 2018. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01 với chủ trương 10 chữ Kỷ cương-Liêm chính- Hành động-Sáng tạo-Hiệu quả, tỉnh cần rà soát các nhiệm vụ để thực hiện chủ trương này.
Đắk Nông cũng cần tiếp tục chỉ đạo tái cơ cấu mạnh mẽ kinh tế ở địa phương, đặc biệt là đẩy mạnh công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, phát triển những sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh.
Từ những tồn tại nêu ra, Thủ tướng yêu cầu tỉnh cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thu hút doanh nghiệp để lấp đầy các khu công nghiệp hiện có. Cùng với đó là đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nhất là những ngành tỉnh có thế mạnh, những sản phẩm để thu hút du lịch…: "Ở Đắk Nông có một đặc điểm khác các tỉnh khác, các đồng chí đi bằng ba chân vững chắc. Một là nông nghiệp thì rõ ràng rồi. Thứ hai công nghiệp chế biến, công nghiệp khoáng sản cần rất cụ thể. Thứ ba là du lịch thành thế mạnh với tiềm năng văn hóa và điều kiện tự nhiên ở đây, kể cả thời tiết khí hậu. Đây có phải mũi nhọn, là bài toán mà các giám đốc Sở ở đây trình cho thường vụ, Ủy ban để triển khai không? Các đồng chí ước mơ làm du lịch ở đây là chính xác, vậy thì làm cái gì ở đây?!"
Trước thực tế số lượng doanh nghiệp của Đắk Nông còn thấp, Thủ tướng yêu cầu tỉnh làm tốt hơn hoạt động khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp để tăng số lượng doanh nghiệp. Bên cạnh đó là cần chú trọng công tác trồng và bảo vệ rừng, nâng cao độ che phủ rừng; sắp xếp hiệu quả các công ty, nông lâm trường; chú trọng công tác giảm nghèo, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh cũng cần tiếp tục đối thoại với dân nhiều hơn để giảm tình trạng khiếu nại tố cáo, nhất là những vướng mắc về đất đai; làm tốt công tác đối ngoại biên giới.
Về tình trạng dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh, Thủ tướng cho biết: "Tôi đồng ý Thủ tướng và một số bộ, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có một hội nghị cùng các tỉnh Tây Nguyên và Tây Bắc để làm rõ hơn mối quan hệ này và giải quyết hiệu quả hiệu lực. Nhưng tôi cũng lưu ý các đồng chí, mà các đồng chí ở đây cũng đã thực hiện rất tốt, mình không khuyến khích việc đi đó, phải có biện pháp mạnh mẽ hơn. Nhưng họ tới đây rồi, dân Bắc, dân Nam, dân Trung, dân nào cũng của mình, thì chúng ta đối xử quan tâm tới người dân của chúng ta."
Về việc quản lý đất đai có nguồn gốc lâm nông trường, liên quan đến quản lý rừng, Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trình cùng các bộ, ngành trình phương án lên Thủ tướng, không để tình trạng đất đai liên quan đến rừng và cổ phần hóa các lâm nông trường ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương.
Trước đó, trong sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm, chúc Tết công nhân Nhà máy Alumin Nhân Cơ, thăm Công trình xây dựng Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông./.
Thủ tướng: “Không để bất cứ gia đình nào đói cơm lạt muối, đứt bữa“