Thủ tướng: Đầu tư nhiều hơn cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn
VOV.VN - Sáng 29/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai kế hoạch năm 2022 của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Dự hội nghị tại đầu cầu Hà Nội có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội ở Trung ương. Dự tại đầu cầu các địa phương có Bí thư, Chủ tịch UBND một số tỉnh, thành phố và lãnh đạo ngành NN&PTNT 63 tỉnh, thành phố.
Năm 2021, ngành Nông nghiệp và PTNT tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; trong đó, đặc biệt là sự tác động lớn của dịch bệnh Covid- 19 đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản... Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành và địa phương; sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, các HTX, bà con nông dân và những đồng hành của các cơ quan báo chí, truyền thông đã tạo nên bước tăng trưởng vượt bậc, đạt “mục tiêu kép; vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa đẩy mạnh sản xuất phát triển, phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Năm 2021, giá trị gia tăng toàn ngành tăng 2,85-2,9%, trong đó nông nghiệp tăng trên 3,18%, lâm nghiệp tăng trên 3,85%, thủy sản tăng trên 1,85%; tỷ lệ che phủ rừng 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới 68,2%; kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 48,6 tỷ USD. Nhiều chỉ tiêu phát triển của ngành đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Năm 2022, toàn ngành tập trung thực hiện quyết liệt cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới nhằm hướng tới xây dựng nền “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Chỉ tiêu cơ bản năm 2022 của ngành là: Tốc độ tăng trưởng toàn ngành 2,8 - 2,9%; Tốc độ tăng giá trị sản xuất NLTS 2,9 - 3,0%; Tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS khoảng 49 tỷ USD.
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận tại hội nghị, kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực, cố gắng vượt khó và những kết quả đạt được của ngành, của các địa phương và đặc biệt là của bà con nông dân và cộng đồng doanh nghiệp, đóng góp quan trọng vào thành tích chung của cả nước.
Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta chuẩn bị kết thúc năm 2021, một năm đầy khó khăn, thử thách do đại dịch covid -19. Tuy nhiên nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu rất quan trọng. Trong thành công chung của cả nước có sự đóng góp hết sức quan trọng của ngành nông nghiệp, của bà con nông dân và cộng đồng doanh nghiệp. Nông nghiệp vẫn luôn khẳng định vai trò bệ đỡ, là cứu cánh góp phần ổn định đời sống người dân trong những lúc khó khăn và còn bảo đảm lương thực cho một phần thế giới.
Năm 2021, trong khó khăn nhưng GDP toàn ngành tăng khoảng 2,85%; Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt hơn 48,6 tỷ USD là mức cao kỷ lục (vượt 6,6 tỷ USD so với chỉ tiêu được giao). Có 10 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, trong đó 06 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu hơn 3 tỷ USD, đặc biệt là gỗ và các sản phẩm từ gỗ đạt gần 15 tỷ USD. Thặng dư thương mại toàn ngành đạt hơn 6,4 tỷ USD, góp phần quan trọng vào xuất siêu của cả nước.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra những bất cập, hạn chế của ngành nông nghiệp, như phát triển chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của ngành; công tác dự báo còn nhiều hạn chế; phát triển chưa bền vững chưa dựa nhiều vào công nghệ và chuyển đổi số; chưa chủ động, linh hoạt thích ứng với diễn biến mới; thị trường xuất khẩu chưa đa dạng…
Về nhiệm vụ năm 2022, Thủ tướng đề nghị toàn ngành cần quán triệt nhiệm vụ thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của Nhân dân cùng tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp. Tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển KTXH, phát triển ngành nông nghiệp trong trạng thái bình thường mới.
Về mục tiêu năm 2022 Thủ tướng yêu cầu cần đặt ra mục tiêu cao hơn năm trước: Tốc độ tăng trưởng GDP ngành khoảng 3%; Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 50 tỷ USD.
Đẩy mạnh quá trình đô thị hóa, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng lao động công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng lao động trong nông nghiệp; song song với đó, trên tinh thần chung là đầu tư nhiều hơn cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, phải không ngừng nâng cao giá trị tuyệt đối của ngành nông nghiệp, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân và ở khu vực nông thôn. Nông dân phải là trung tâm, nông thôn là nền tảng và nông nghiệp là động lực. Người nông dân phải là chủ thể, là trung tâm. Mọi hoạt động của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phải xoay quanh người nông dân, phải nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho họ.
Bộ cần làm tốt vai trò quản lý, hướng dẫn, thúc đẩy, tạo điều kiện để các địa phương tự lực phát huy tốt nhất các tiềm năng, lợi thế nông nghiệp của mình.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu: Trước hết phải tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển KTXH 2021 - 2025. Quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội và Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế nhằm tăng cường quản lý nhà nước, đồng thời cắt giảm thủ tục hành chính không thật sự cần thiết để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, để người nông dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác hiệu quả, bền vững đất, nước và rừng. Xác định rõ các nội dung cần chỉnh sửa, thẩm quyền để tiến hành sửa ngay nhằm tháo gỡ những nút thắt về chính sách, giải phóng nguồn lực và thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh huy động nguồn lực bằng hình thức hợp tác công tư trên nguyên tắc cân bằng lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa 3 chủ thể: người dân, Nhà nước, doanh nghiệp.
Khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt các Chiến lược, Quy hoạch, nhất là 4 quy hoạch ngành quốc gia, một số quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành có liên quan trực tiếp đến phát triển KTXH.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp phân quyền; xây dựng sản phẩm thương hiệu thúc đẩy cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp quốc gia, khai thác tối đa FTA; nâng cao năng lực chế biến; sản xuất các sản phẩm chính ngạch; tổ chức lại sản xuất, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn và nhu cầu thị trường; đổi mới mạnh mẽ hơn nữa tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi từ phát triển về số lượng sang chất lượng, gắn với quá trình chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển mạnh mẽ, hợp lý, phù hợp, phát triển hệ thống hợp tác xã, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; tổng kết lý luận về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tổng kết thực tiễn, bám sát thực tiễn, nhu cầu của thị trường, nhân rộng các mô hình hiệu quả cao, những cách làm hay để điều chỉnh sản xuất phù hợp nhằm mang lại giá trị gia tăng, mục tiêu là nâng cao thu nhập cho người sản xuất chứ không phải chỉ chạy theo sản lượng. Đặc biệt chú trọng chuyển đổi số trong nông nghiệp, nhất là để thúc đẩy thương mại điện tử, kết nối cung cầu, giúp người nông dân có thể “không cần ly nông, không phải ly hương vẫn có thể đưa nông sản đi xa, thoát nghèo và làm giàu từ đất, từ nước, từ rừng, từ những sản vật do chính mình làm ra”.
Đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng KHCN, công nghệ cao, thông minh, tự động hóa và chuyển đổi số trong nông nghiệp; phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, tăng tỷ trọng chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm; phát triển các cụm liên kết chế biến gắn với vùng nguyên liệu, các hình thức hợp tác liên kết sản xuất, chế biến kết nối với hệ thống tiêu thụ trong nước và quốc tế.
Làm tốt dự báo cung cầu, thông tin về tình hình thị trường, kết nối giữa người sản xuất với tiêu dùng, tranh thủ lợi thế từ các FTAs, nhất là EVFTA, CTPPP để cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan tăng cường đàm phán, tháo gỡ rào cản để thẩm nhập thị trường mới và mở rộng các mặt hàng xuất khẩu chính ngạch, hạn chế đến mức thấp nhất xuất khẩu tiểu ngạch; triển khai đồng bộ giải pháp nhằm ngăn chặn có hiệu quả gian lận thương mại. Đồng thời coi trọng thị trường nội địa, có chiến lược đưa hàng hóa từ nông thôn về thành thị, xây dựng thương hiệu nông sản Việt.
Phát triển kinh tế biển, đẩy mạnh nuôi biển và khai thác hải sản bền vững; giải quyết dứt điểm các khuyến nghị của EC, gỡ “Thẻ vàng”, ngăn chặn, xử lý nghiêm tầu cá khai thác trái phép, đồng thời xử lý tốt vấn đề môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Nghiên cứu, đề xuất trích lập Quỹ phát triển hạ tầng thủy sản.
Tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; rà soát đảm bảo sự thống nhất giữa số liệu trong hồ sơ, sổ sách với thực tế, với số liệu của ngành tài nguyên và môi trường. Theo dõi diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động chỉ đạo sản xuất, phòng, chống thiên tai kịp thời, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ. Tập trung chỉ đạo sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022 thắng lợi, khôi phục sản xuất ở các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng do mưa lũ vừa qua,…
Đẩy nhanh thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; khẩn trương phối hợp với Bộ KHĐT hoàn thành việc thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, thực chất Chương trình làm sao xây dựng nông thôn mới phải đi đôi với tạo điều kiện phát triển kinh tế nông thôn, tạo điều kiện nâng cao đời sống, thu nhập của người dân, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá của từng vùng miền, gắn với đô thị hóa, tránh làm theo phong trào, hình thức, lãng phí.
Đẩy mạnh hội nhập, hợp tác quốc tế để phát triển nông nghiệp, nông thôn, đồng thời chủ động đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích của quốc gia, bảo vệ hàng hóa nông sản Việt Nam. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai các cam kết của Việt Nam tại COP26, đề xuất các dự án ưu tiên để giảm phát thải khí nhà kính, khí Mê tan.
Thủ tướng tin tưởng rằng, ngành nông nghiệp nước ta trong năm 2022 và thời gian tới sẽ chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa, trở thành một nước có nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Nông dân sẽ ngày càng giàu có, văn minh hơn, người nông dân có thể giàu có trên chính mảnh đất quê hương mình, nông thôn sẽ ngày càng hiện đại, phồn vinh, thân thiện và đáng sống hơn./.