Thủ tướng đề nghị Hà Giang trả lời 5 câu hỏi để phát triển du lịch
VOV.VN - Thủ tướng đặt ra 5 câu hỏi về phát triển du lịch ở Hà Giang và đây cũng là bài toán để phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Sáng 27/11, tại Hà Giang, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hà Giang 2017 với chủ đề Hợp tác đầu tư và Phát triển.
Thủ tướng nhấn mạnh Hà Giang phải có sự khác biệt trong phát triển - Ảnh: VGP
Để định hình hướng phát triển của tỉnh, Hà Giang đã hợp tác với Công ty TNHH McKinsey Việt Nam để quy hoạch phát triển du lịch; phối hợp với Viện Y học bản địa để đánh giá bảo tồn, phát triển dược liệu, quy hoạch sản phẩm dược liệu Hà Giang; hợp tác với Đại học Fulbright để chỉ ra các nút thắt và hợp tác giải quyết các nút thắt, đưa tỉnh phát triển.
Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh cho biết, đến nay kịch bản phát triển tỉnh Hà Giang đã cơ bản được hình thành và nhận được sự ủng hộ của nhân dân trong tỉnh.
Lợi thế khí hậu và đất đai của Hà Giang có thể cho phép hình thành các vùng nguyên liệu lớn cho sản xuất và chế biến, như chế biến nông sản với các loại cây có múi, chè, đậu tương; chế biến dược liệu với các loại thảo dược quý là thảo quả, ý dĩ, ấu tẩu, đỗ trọng. Diện tích cây dược liệu toàn tỉnh đã đạt trên 9.000 ha.
Hà Giang còn có lợi thế lớn trong phát triển du lịch khi có 19 dân tộc trên địa bàn giàu bản sắc văn hóa; có Công viên địa chất Đồng Văn đã được UNESCO công nhận là di sản công viên địa chất toàn cầu thứ hai tại Khu vực Đông Nam Á. Dự kiến năm nay, tỉnh thu hút 1 triệt lượt khách du lịch.
Là tỉnh biên giới, Hà Giang có 277km giáp với hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc, có 1 cặp cửa khẩu quốc tế, 3 cặp cửa khẩu phụ, đây là thế mạnh thúc đẩy giao thương hàng hóa.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: VGP) |
Cho biết sáng nay đã đi thăm một số hộ gia đình dân tộc Tày, Thủ tướng vui mừng nhận thấy văn hóa đặc sắc được giữ gìn và phát huy, gắn với phát triển du lịch. Tại đó đã xuất hiện những hợp tác xã làm dịch vụ du lịch. Trong một làng có 120 hộ, gồm cả người Dao, Tày, Nùng… nhưng chỉ có hai hộ nghèo. Thủ tướng cho rằng, đó là hình ảnh xúc động mang một nét mới của vùng cao Việt Nam.
Với định hướng phát triển rõ ràng được nêu ra với các nhà đầu tư tại Hội nghị, Thủ tướng cho rằng, Hà Giang đã tìm được một lối ra, một cách làm từ lợi thế so sánh của tỉnh. Dù dân số ít, nhiều núi non, nhưng nhờ tận dụng tốt các lợi thế, nhất là sản xuất nội địa và kinh tế cửa khẩu, nên tỉnh đã xuất khẩu 2,5 tỷ USD. Năm nay, thu ngân sách của tỉnh ước đạt gần 2.000 tỷ đồng.
Trước các nhà đầu tư, Thủ tướng nêu lên 3 ấn tượng đối với Hà Giang. Đó là công nghệ thông tin đã được áp dụng 60% các dịch vụ của tỉnh. Trong đó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh có hòm thư nóng nối trực tiếp với tất cả các Bí thư chi bộ và trực tuyến qua màn hình đến tất cả các xã của Hà Giang. Điều này tạo thuận lợi cho việc nắm tình hình và chỉ đạo tại địa phương.
Thủ tướng tham quan sơ đồ quy hoạch phát triển tỉnh Hà Giang (Ảnh: VGP) |
Ghi nhận và đánh giá cao các nhà đầu tư trong và ngoài nước vượt đường sá xa xôi về dự hội nghị xúc tiến đầu tư, Thủ tướng cho rằng, điều đó thể hiện tâm huyết, trí tuệ, bản lĩnh của nhà đầu tư. Cùng sự quan tâm của Chính phủ, và sự quyết tâm của nhà đầu tư, sẽ đưa Hà Giang trở thành tỉnh khá giả về kinh tế, hài hòa bền vững về xã hội, môi trường, góp phần xứng đáng vào vẻ đẹp bất tận của Tây Bắc cũng như toàn ngành du lịch Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh, sự đóng góp của các nhà đầu tư để phát triển được Đảng, Nhà nước và Đảng bộ, chính quyền nhân dân Hà Giang ghi nhận, trân trọng. Thủ tướng tin tưởng các nhà đầu tư sẽ vượt mọi gian lao, chinh phục thử thách.
“Tôi nghĩ rằng khi các bạn đã nghiên cứu, các bạn sẽ thu về thành công xứng đáng chính tại nơi này. Những gì các vị làm hôm nay không chỉ góp phần tạo sinh kế bền vững, nâng cao đời sống cho các cộng đồng dân tộc Hà Giang mà còn tạo ra sự phát triển đột phá ở vùng biên giới xa xôi trong tương lai. Chính vì vậy, Hà Giang cần nhiều hơn nữa những doanh nghiệp tầm cỡ, “những con sếu đầu đàn”, những mô hình kinh doanh tốt, những mô hình kinh tế tốt, những dự án đầu tư có tính bao trùm, có khả năng lan tỏa, tạo việc làm, thu nhập bền vững cho người dân địa phương, chính là những điều tiên quyết, mục tiêu hướng tới của Đảng bộ, chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp đến với Hà Giang. Đây cũng chính là chìa khóa cho sự vươn lên của toàn bộ Tây Bắc cũng như Hà Giang nói riêng trong thời gian tới”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà đầu tư vào tỉnh Hà Giang (Ảnh: VGP) |
Nhấn mạnh về lợi thế phát triển du lịch của Hà Giang, Thủ tướng cho rằng, tỉnh hoàn toàn có thể thu hút du khách quanh năm. Muốn làm được điều này, Hà Giang cần làm tốt công tác truyền thông về hình ảnh và bản sắc địa phương, phát triển các hoạt động du lịch cộng đồng, đa dạng hóa các sản phẩm, khôi phục phát huy các giá trị lễ hội, văn hóa truyền thống.
Hà Giang cần góp phần cùng ngành du lịch cả nước trả lời đồng bộ đồng thời 5 câu hỏi. Đó là làm sao để khách đến đông hơn? Làm sao để khách ở lại lâu hơn? Làm sao để khách tiêu nhiều tiền hơn? Làm sao để khách quay trở lại nhiều lần nữa? Làm sao để khách kể về những câu chuyện của Hà Giang trong thời đại internet và mạng xã hội có sức lan tỏa rất nhanh trên toàn cầu. Đây là bài toán đặt ra trong phát triển tỉnh nhà.
Thủ tướng tặng đồng bào nghèo 6 huyện vùng cao mỗi huyện 100 chăn ấm (Ảnh: VGP) |
Tại Hội nghị, UBND tỉnh Hà Giang đã trao 18 quyết định chủ trương đầu tư, 17 biên bản ghi nhớ đầu tư với tổng số vốn 16.100 tỷ đồng cho các nhà đầu tư.
Thủ tướng thăm Hợp tác xã Đồng Quê (Ảnh: VGP) |
Trước đó sáng nay, Thủ tướng đến thăm thôn Hạ Thành, xã Phương Độ, làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới. Thủ tướng thăm mô hình dịch vụ du lịch của Hợp tác xã Đồng Quê và gia đình ông Nguyễn Văn Dựng./.