Thủ tướng đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước
VOV.VN -Đây là lần thứ ba Thủ tướng dự diễn đàn đối thoại lớn nhất giữa cộng đồng doanh nghiệp với các cơ quan của Chính phủ.
Ngày 9/6, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2015 với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của Doanh nghiệp để hội nhập quốc tế”.
Diễn đàn là một cơ chế đối thoại liên tục và chặt chẽ giữa Chính phủ với cộng đồng các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, nhằm cải thiện các điều kiện kinh doanh, thuận lợi hóa môi trường đầu tư, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam.
Thủ tướng phát biểu tại diễn đàn |
Đây là lần thứ ba Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự diễn đàn đối thoại lớn nhất giữa cộng đồng doanh nghiệp cả trong nước và nước ngoài với các cơ quan của Chính phủ.
Trải qua gần hai thập kỷ, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đã trở thành hoạt động thường niên và được coi là kênh đối thoại đem lại hiệu quả giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả đổi mới thể chế, phương thức quản lý của nhà nước, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của doanh nghiệp.
Với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của Doanh nghiệp để hội nhập quốc tế”, diễn đàn lần này tập trung vào một vấn đề nóng hiện nay khi Việt Nam đã và sẽ ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước cũng như các tổ chức trên thế giới.
Các đại biểu đề cập đến 6 lĩnh vực chính là thương mại, du lịch, đầu tư, ngân hàng, thị trường vốn và cơ sở hạ tầng đều là những nội dung gắn bó mật thiết với yêu cầu đổi mới cũng như tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp.
Trong bài phát biểu khai mạc, ông Kyle F.Kelhofer – Giám đốc khu vực Tổ chức Tài chính Quốc tế và bà Viginia B.Foote đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam đều đánh giá cao các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam thời gian qua trong việc cải thiện các điều kiện kinh doanh, đặc biệt là Nghị quyết số 19 năm 2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 – 2016.
Toàn cảnh diễn đàn |
Bà Viginia B.Foote chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng đối với những cam kết đưa ra trong Nghị quyết số 19 của Chính phủ Việt Nam và năm 2014 những thay đổi to lớn với việc ban hành một số luật quan trọng trong đó có Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp cũng như Luật Đất đai và Luật Bất động sản. Bên cạnh đó cũng vẫn còn một số quan ngại về thực thi các luật này và chúng tôi hy vọng rằng trong cuộc trao đổi này chúng ta có thể chỉ ra một số những vấn đề còn tồn tại và một số đề xuất bổ sung mà chúng tôi mong muốn đưa ra để tiếp tục tiến trình cải cách ở Việt Nam. Chúng tôi cũng chúc mừng mục tiêu của Chính phủ đã đề ra là sẽ đạt được những tiêu chuẩn, chuẩn mực của ASEAN 6 và chúng tôi hy vọng rằng chủ đề và những đóng góp ngày hôm nay sẽ có thể đóng góp cho quá trình chuyển đổi của Việt Nam từ một nền kinh tế dựa trên các yếu tố đầu vào, nguyên liệu thô trở thành một nền kinh tế dựa trên hiệu suất và hiệu quả như các nước khác trong ASEAN 6”.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi thẳng thắn, cởi mở với các thành viên Chính phủ cũng như đại diện các bộ, ngành về những nội dung liên quan đến thực thi các quy định mới; quy định ngành nghề kinh doanh có điều kiện; cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan; quy định quản lý giá; lao động và tiền lương cũng như thủ tục cấp visa cho người nước ngoài….
Trên cơ sở lắng nghe các ý kiến tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh, cảm ơn và đánh giá cao các khuyến nghị thiết thực mang tính xây dựng của các đại biểu, các hiệp hội, nhóm nghiên cứu trên các lĩnh vực với mục đích nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần tăng cường hiệu lực, nâng cao hiệu quả quản lý điều hành của Chính phủ.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối tổng hợp các ý kiến tại diễn đàn đồng thời yêu cầu các bộ, ngành liên quan đề xuất phương án xử lý cụ thể các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp.
Thủ tướng cho rằng, tình hình kinh tế xã hội 5 tháng đầu năm nay hiệu quả và vững chắc hơn có sự đồng hành, ủng hộ của các doanh nghiệp, các hiệp hội và các đối tác quốc tế.
Tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn chưa thực sự bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Việt Nam.
Chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực khắc phục những khó khăn, tồn tại, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả hơn nữa các giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và trước mắt là phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ đã đề ra trong cả năm nay.
Thủ tướng khẳng định: Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cụ thể, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, đầu tư mạnh mẽ hơn nữa nhằm đạt tăng trưởng kinh tế ở cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, phấn đấu năm 2015 tăng trưởng GDP khoảng 6,2%, tạo tiền đề trong 5 năm tiếp theo tăng trưởng của Việt Nam từ 6,5 đến 7%/năm.
Cùng với thúc đẩy tăng trưởng, Chính phủ cũng sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng đầu tư công, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gắn với giảm phần vốn nhà nước ở những lĩnh vực không cần chi phối, đồng thời đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, các tổ chức tài chính, đưa nợ xấu đạt mức thông thường trong nền kinh tế thị trường…
Một biện pháp quan trọng nữa mà Chính phủ Việt Nam đã, đang và tiếp tục đẩy mạnh, đó là chủ động đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế thông qua thực hiện nghiêm túc các hiệp định thương mại tự do FTA đã ký, đồng thời đẩy mạnh đàm phán tiến tới sớm ký kết các hiệp định FTA đang trong quá trình đàm phán để nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với nền kinh tế thế giới, cạnh tranh bình đẳng và phát triển bền vững.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Việt Nam đã cam kết và thực hiện rất nghiêm túc từ WTO cho đến các hiệp định thương mại song phương và đa phương. Mới đây chúng tôi đã ký thêm hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á Âu gồm 5 nước và hiện nay Việt Nam đang đàm phán ở giai đoạn cuối để ký hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu âu và chỉ còn một vài vấn đề kỹ thuật nữa là có thể ký kết. Chúng ta cũng đang đàm phán ở giai đoạn cuối Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 12 nước. Nếu như vậy, Việt Nam sẽ hoàn tất 14 hiệp định thương mại tự do và sẽ có quan hệ thương mại tự do với 55 đối tác trong đó có 15 thành viên G20. Tôi cho đây là nền tảng quan trọng để tạo ra thị trường, môi trường đầu tư phát triển kinh doanh thuận lợi không chỉ cho doanh nghiệp Việt Nam mà cả doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ở Việt Nam”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định, Việt Nam đang tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược là cải cách thể chế, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng cho các nhu cầu phát triển. Trong đó đặc biệt lưu ý đến tập trung cải cách thể chế kinh tế thị trường.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Tôi xin nhấn mạnh lại là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, thực hiện đầy đủ thể chế kinh tế thị trường nhưng đi liền với đó là phải bằng nguồn lực nhà nước, bằng chính sách của nhà nước nhằm bảo đảm phát triển văn hóa, bảo đảm tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, từng bước cải thiện đời sống người dân và thực hiện xóa đói giảm nghèo. Mục tiêu chúng tôi đưa ra mỗi năm giảm hộ nghèo từ 1,7 đến 2% một năm. Không phải chỉ trong năm 2015 này mà cho cả các năm tới. Chúng tôi tập trung hoàn thiện thể chế là bảo đảm nhà nước pháp quyền của dân do dân, vì dân, bảo đảm quyền dân chủ tự do của người dân như Hiến pháp quy định. Trong đó quyền kinh tế phải thực hiện theo kinh tế thị trường, phải hoàn thiện các luật pháp và thực thi theo luật pháp. Và theo hướng Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào cộng đồng quốc tế thì luật pháp Việt Nam cũng phải tiếp cận, tiếp thu những tinh hoa, tiến bộ, phù hợp của luật pháp quốc tế và thực thi nghiêm túc luật pháp trong xã hội…”
Trước cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội và các tổ chức quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong hội nhập quốc tế là nhiệm vụ khó khăn, lâu dài, cùng với nỗ lực của mình, Chính phủ Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự chung tay, hợp tác hiệu quả của các quốc gia, các đối tác phát triển và của cả cộng đồng doanh nghiệp vì lợi ích và thịnh vượng chung trên con đường phát triển./.