Thủ tướng đồng ý dừng thu phí đường bộ với xe máy từ 1/1/2016
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Chính phủ yêu cầu dừng thu phí đường bộ từ 1/1/2016 đối với mô tô, xe máy.
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương thúc đẩy tăng trưởng; đẩy mạnh triển khai các giải pháp kết nối thị trường cả trong và ngoài nước; đẩy mạnh xã hội hóa cung cấp các dịch vụ công... phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015.
Trạm thu phí Tam Kỳ (Quảng Nam). |
Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng
Cụ thể, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi sát diễn biến thị trường, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, tỷ giá, thúc đẩy xuất khẩu; thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng gắn với bảo đảm chất lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý; đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém, tăng cường kiểm soát và xử lý nợ xấu.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn, nhất là các chương trình, dự án quan trọng, cấp bách sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường triển khai quyết liệt việc thực hiện các nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước trong những tháng còn lại của năm 2015; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng nguồn vốn vay; thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý chặt chẽ nợ công; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là dịp cuối năm.
Phát triển chuỗi liên kết sản xuất, phân phối, tiêu thụ sản phẩm
Bộ Công Thương đẩy mạnh triển khai các giải pháp kết nối thị trường cả trong và ngoài nước; dự báo, đánh giá và thông tin kịp thời nhu cầu thị trường nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và phát triển nông thôn; thúc đẩy phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, phân phối, tiêu thụ sản phẩm; tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản; tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi; chủ động nguồn cung thực phẩm phục vụ nhu cầu cuối năm.
Đẩy mạnh xã hội hóa cung cấp các dịch vụ công
Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và các Đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; khẩn trương triển khai có hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đẩy mạnh xã hội hóa cung cấp các dịch vụ công.
Các thành viên Chính phủ chủ động theo dõi những vấn đề dư luận xã hội và cử tri quan tâm, chủ động giải trình, trả lời kiến nghị cử tri, chất vấn của Đại biểu Quốc hội; rà soát, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các nội dung đã cam kết trước Quốc hội...
Đẩy mạnh thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước
Tại Nghị quyết này, Chính phủ đã thống nhất đẩy mạnh triển khai hình thức thuê doanh nghiệp công nghệ thông tin thực hiện dịch vụ cho thuê từng phần hoặc thuê trọn gói, bao gồm: phần cứng, phần mềm, đường truyền, giải pháp… để cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Để bảo đảm an ninh thông tin, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được chỉ định thầu; xác định giá thuê tạm thời ngắn hạn (dưới 12 tháng) nếu chưa đủ điều kiện cần thiết để xác định giá thuê ổn định.
Tính tiền lương vào giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế
Chính phủ cũng thống nhất tính tiền lương, phụ cấp đặc thù vào giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Ngân sách nhà nước tiếp tục hỗ trợ cho các cơ sở khám, chữa bệnh trong trường hợp số thu tiền lương theo mức đã kết cấu trong giá dịch vụ không đủ chi tiền lương theo chế độ.
Chính phủ giao Bộ Y tế và Bộ Tài chính khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế thống nhất giữa các bệnh viện cùng hạng, được áp dụng cho cả cơ sở khám, chữa bệnh không gọi là bệnh viện hoặc là bệnh viện nhưng chưa được phân hạng để thực hiện vào cuối năm 2015 theo lộ trình linh hoạt. Khuyến khích các cơ sở khám, chữa bệnh công tự bảo đảm chi hoạt động thường xuyên và đầu tư được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán theo mức giá tính đầy đủ chi phí.
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Tài chính đẩy mạnh tuyên truyền việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế thanh toán bảo hiểm y tế gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh và chính sách hỗ trợ của Nhà nước với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người dân vùng biển, đảo, trẻ em dưới 6 tuổi, người cận nghèo, người có thu nhập trung bình tham gia bảo hiểm y tế.
Dừng thu phí đường bộ từ 1/1/2016
Cùng với đó, Chính phủ cũng thống nhất tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện đối với xe mô tô kể từ ngày 1/1/2016.
Bộ Giao thông vận tải sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 và Nghị định số 56/2014/NĐ-CP ngày 30/5/2014.
Chỉ quy định trần 30% số lượng kênh chương trình nước ngoài
Cho ý kiến về dự thảo Nghị định về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh truyền hình, Chính phủ thống nhất phương án: chỉ quy định trần 30% số lượng kênh chương trình nước ngoài trên tổng số kênh chương trình khai thác trên dịch vụ phát thanh truyền hình trả tiền; không quy định thêm trần 20% đối với các chương trình phát thanh truyền hình thực tế có bản quyền, định dạng nước ngoài trên tổng thời lượng phát sóng và trần 30% đối với số lượng kênh chương trình liên kết trên tổng số kênh, chương trình cơ quan báo chí được cấp phép sản xuất; không cho phép liên kết các chương trình thời sự chính trị.
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành.
Giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp
Nghị định về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước vừa được Chính phủ ban hành.
Việc giám sát giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhằm đánh giá việc tuân thủ quy định về vi phạm vi, quy trình, thủ tục, thẩm quyền và hiệu quả đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, đánh giá đầy đủ, kịp thời tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp để có biện pháp khắc phục tồn tại, hoàn thành mục tiêu, kế hoạch kinh doanh, nhiệm vụ công ích, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và khả năng cạnh tranh.
Đồng thời, giúp nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu kịp thời phát hiện các yếu kém trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cảnh báo và đề ra biện pháp chấn chỉnh; nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quản lý và sử dụng vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.
Nghị định quy định cụ thể về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp. Theo đó, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện việc giám sát tình hình đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp của các cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Nội dung giám sát hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại các Khoản 2, 3, 4, 5, 6 Điều 51 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp thực hiện bằng phương thức giám sát trực tiếp, giám sát gián tiếp, giám sát trước, giám sát trong, giám sát sau, trong đó tập trung việc giám sát trước và giám sát sau.
Quý IV năm trước, Bộ Tài chính lập Kế hoạch giám sát hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, công bố trước ngày 31 tháng 1 hằng năm. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện Kế hoạch giám sát hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp đã được công bố.
Trường hợp phát hiện vi phạm của cơ quan đại diện chủ sở hữu về phạm vi đầu tư vốn, trình tự, thủ tục và thẩm quyền quyết định đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý theo quy định của pháp luật.
Thành lập Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm Chủ tịch Ủy ban. Phó Chủ tịch Ủy ban là Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Theo Quyết định này, các Ủy viên gồm Thứ trưởng các Bộ: Nội vụ; Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Tư pháp; Y tế; Giáo dục và Đào tạo; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Xây dựng; Giao thông vận tải; Thông tin và Truyền thông; Khoa học và Công nghệ.
Ngoài ra, mời đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, Hội người mù Việt Nam, Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam làm Ủy viên Ủy ban Quốc gia.
Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc giải quyết những vấn đề liên quan về cơ chế, chính sách để thực hiện công tác người khuyết tật.
Cụ thể, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam nghiên cứu, đề xuất phương hướng, kế hoạch 5 năm và hàng năm, nhiệm vụ, các giải pháp thực hiện công tác người khuyết tật; chỉ đạo, phối hợp hoạt động giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện công tác người khuyết tật; chỉ đạo thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về người khuyết tật; thúc đẩy thực hiện Công ước của liên hợp quốc về quyền người khuyết tật và các khuyến nghị thập kỷ châu Á - Thái Bình Dương về người khuyết tật; đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Luật Người khuyết tật và các chế độ, chính sách hỗ trợ người khuyết tật, người làm công tác người khuyết tật...Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực của Ủy ban.
Giảm khoảng cách giới, nâng cao vị thế của phụ nữ
Giảm khoảng cách giới và nâng cao vị thế của phụ nữ trong một số lĩnh vực, ngành, vùng, địa phương có bất bình đẳng giới hoặc có nguy cơ bất bình đẳng giới cao, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020.
Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 - 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Một trong nội dung chính của Chương trình là truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới. Cụ thể, nâng cao năng lực truyền thông về bình đẳng giới cho các cơ quan truyền thông, đội ngũ báo cáo viên, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên, đội ngũ cán bộ thông tin cơ sở; xây dựng mô hình thí điểm áp dụng Bộ chỉ số về giới trong truyền thông ở một số cơ quan báo chí.
Bên cạnh đó, mở rộng việc thực hiện các hình thức truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới phù hợp với đặc thù từng nhóm đối tượng, địa bàn dân cư dưới hình thức văn hóa, nghệ thuật và nhiều hình thức khác; thí điểm lồng ghép nội dung về bình đẳng giới vào nội dung sinh hoạt của các Câu lạc bộ tại cấp xã, phường và trong trường học, các doanh nghiệp, các khu công nghiệp tại một số địa phương; xây dựng, duy trì và phát triển đa dạng các chương trình, sản phẩm truyền thông về bình đẳng giới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó chú trọng chương trình thông tin cơ sở; tổ chức các chiến dịch truyền thông thu hút nam giới và trẻ em trai tham gia thúc đẩy bình đẳng giới, chia sẻ trách nhiệm gia đình, xóa bỏ bất bình đẳng giới trong cộng đồng và xã hội…
Hằng năm triển khai thực hiện “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới” từ ngày 15/11 đến ngày 15/12 với các hoạt động chính sau: Xây dựng chủ đề và thông điệp truyền thông cho tháng hành động; tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.
Nâng cao năng lực đội ngũ nữ đại biểu dân cử các cấp
Nội dung khác của Chương trình là nâng cao năng lực cho đội ngũ nữ đại biểu dân cử các cấp, nữ cán bộ quản lý, nữ lãnh đạo các cấp, nữ cán bộ thuộc diện quy hoạch. Trong đó, khảo sát, đánh giá định kỳ về thực trạng tình hình đội ngũ nữ cán bộ quản lý, nữ lãnh đạo các cấp từ trung ương đến địa phương; kiến nghị kịp thời các biện pháp, chính sách có liên quan đến công tác tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ nữ bao gồm cả đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Nâng cao năng lực cho các cơ quan tham mưu trong công tác hoạch định, tổ chức triển khai các chính sách tác động trực tiếp đến công tác cán bộ nữ; mở rộng quy mô và nội dung các hoạt động về nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo các cấp và năng lực của đội ngũ cán bộ trong diện quy hoạch vào các chức danh quản lý, lãnh đạo trong các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị sự nghiệp; tạo nguồn tham gia các cấp ủy Đảng, các cơ quan dân cử và tổ chức chính trị - xã hội.
Khuyến khích các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức xây dựng, thực hiện các mô hình tăng cường sự tham gia của phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới trong những lĩnh vực có nguy cơ bất bình đẳng giới cao như: sửa đổi quy ước, hương ước bảo đảm các nguyên tắc bình đẳng giới, mô hình “Câu lạc bộ nữ công nhân nhà trọ” tại khu công nghiệp, khu chế xuất; mô hình “Vận dụng các nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ trong thực hiện bình đẳng giới” tại doanh nghiệp; Trung tâm công tác xã hội thực hiện cung cấp dịch vụ về bình đẳng giới và các mô hình khác phù hợp với tình hình thực tế và xu thế hội nhập quốc tế.
Xử lý vi phạm trong sản xuất phân bón tại Công ty Thuận Phong
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia) giao Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương - Phó Trưởng BCĐ 389 quốc gia tổng hợp các tài liệu và trực tiếp làm việc với các Bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh Đồng Nai về việc xử lý vi phạm tại Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Thuận Phong.
Đồng thời, Thứ trưởng Lê Quý Vương chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ của Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai điều tra, làm rõ các vi phạm, đảm bảo đúng quy định của pháp luật; báo cáo Phó Thủ tướng - Trưởng BCĐ 389 quốc gia kết quả trong tháng 10 này.
Trước đó, Văn phòng thường trực BCĐ 389 quốc gia đã phối hợp với Ban chỉ đạo 389 Đồng Nai xác minh thông tin tố giác liên quan đến “hoạt động sản xuất phân bón giả” của Công ty cổ phần Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Thuận Phong tại địa chỉ Khu phố 7, phường Long Bình, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Được biết, tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện hành vi sang chiết, đóng chai phân bón (dạng nước) mang nhãn hiệu VITOL, làm giả nguồn gốc, xuất xứ “MADE IN USA” của Công ty Thuận Phong. Ngoài ra, theo thông báo kết quả giám định của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, trong 29 mẫu phân bón Đoàn liên ngành 389 gửi đi giám định chất lượng có 19 mẫu có kết quả kiểm tra các chỉ tiêu không phù hợp với mức đăng ký chất lượng trên bao bì sản phẩm.
Khắc phục triệt để hằn lún vệt bánh xe trên QL5
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương chỉ đạo khắc phục triệt để hiện tượng hằn lún vệt bánh xe trên Dự án sửa chữa, khôi phục quốc lộ 5 (QL5) đoạn Km11+135 - Km104+600.
Đồng thời chủ động tiến hành kiểm tra, rà soát các công trình, dự án khác để phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp tương tự nhằm bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Trước đó, Phó Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải làm rõ nguyên nhân hư hỏng "hằn lún vệt bánh xe" Dự án cải tạo, khôi phục mặt đường QL5, xác định trách nhiệm của các đơn vị liên quan (Ban Quản lý dự án, tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công...), làm rõ nguồn kinh phí cho việc sửa chữa khắc phục hư hỏng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Xử lý nợ để chuyển đổi Nông trường Sông Hậu
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa có ý kiến về xử lý nợ để chuyển đổi Nông trường Sông Hậu.
Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ căn cứ Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ chỉ đạo Nông trường Sông Hậu lập Đề án về sắp xếp, đổi mới Nông trường Sông Hậu và xây dựng Phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp trực thuộc Thành phố, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính căn cứ Khoản 6 Điều 23 Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ để xử lý các khoản nợ vay của Nông trường Sông Hậu tại các tổ chức tín dụng theo quy định.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan có giải pháp tái cơ cấu nợ, hỗ trợ xử lý khó khăn về tài chính để thực hiện chuyển đổi Nông trường Sông Hậu theo quy định.
Giám sát TCty Lương thực Miền Nam
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa có ý kiến về về việc giám sát tài chính năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015 của Tổng công ty Lương thực Miền Nam.
Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện ngay các biện pháp giám sát chặt chẽ đối với Tổng công ty Lương thực Miền Nam, đặc biệt là giám sát về tiêu thụ sản phẩm tồn đọng, thu hồi công nợ phải thu khó đòi, tái cơ cấu ngành nghề sản xuất kinh doanh (đặc biệt là ngành nuôi trồng, chế biến thủy sản); công tác thoái vốn đầu tư tại các doanh nghiệp khác theo tiến độ, đề án đã được duyệt và tăng cường quản lý vốn, tài sản và bảo toàn vốn Nhà nước tại Tổng công ty theo quy định.
Bên cạnh đó, chỉ đạo Tổng công ty Lương thực Miền Nam khẩn trương hoàn thành các thủ tục để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa Tổng công ty theo quy định.
Tiếp tục hỗ trợ gạo cho học sinh đặc biệt khó khăn
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh giao Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan và các địa phương tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trong năm học 2015-2016 theo đúng quy định hiện hành.
Phó Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách tích hợp hỗ trợ học sinh vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để áp dụng từ năm học 2016-2017.
Theo Bộ Tài chính, thực hiện Quyết định 36/2013/QĐ-TTg ngày 18/6/2013, năm học 2014 - 2015 đã xuất cấp 65.741.602 kg gạo (giá trị khoảng 664 tỷ đồng) hỗ trợ cho 482.000 học sinh của 49 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Gạo được xuất, cấp kịp thời, đúng đối tượng, đúng mục đích; phần lớn các trường bán trú tổ chức nấu bếp ăn tập thể cho học sinh, công tác tổ chức thực hiện đầy đủ, thuận tiện, bảo đảm số lượng, chất lượng gạo, thời gian quy định.
Xây dựng chế độ phụ cấp đối với nghề kiểm ngư
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa có ý kiến chỉ đạo về chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề đối với kiểm ngư viên và phụ cấp ưu đãi nghề đối với thuyền viên tàu kiểm ngư.
Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức rà soát, đánh giá, xác định rõ các nghề, công việc đặc thù thuộc ngành nông, lâm, ngư nghiệp, trên cơ sở đó xây dựng, hoàn thiện các chế độ phụ cấp đối với công việc kiểm ngư bảo đảm công bằng, hợp lý với các nghề, công việc có điều kiện làm việc tương tự, lấy ý kiến các cơ quan liên quan trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Triển khai tiêm vaccine viêm não Nhật Bản cho trẻ 6-14 tuổi
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý với đề nghị của Bộ Y tế về việc triển khai chiến dịch tiêm vaccine viêm não Nhật Bản cho trẻ từ 6 đến 14 tuổi bằng vaccine tiếp nhận viện trợ của Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng.
Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện việc tiếp nhận viện trợ vaccine viêm não Nhật Bản của Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng theo quy định.
Theo Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, vaccine viêm não Nhật Bản đã được triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 1997 cho trẻ từ 1-5 tuổi; diện triển khai vaccine này được mở rộng dần qua các năm. Năm 2014 vaccine viêm não Nhật Bản được thực hiện tại các tất cả các địa phương trên toàn quốc thông qua hình thức tổ chức chiến dịch. Đến nay đã có hàng chục triệu lượt trẻ được tiêm chủng vaccine này.
Theo báo cáo của các địa phương, trong năm 2014 tỷ lệ trẻ được tiêm hai mũi vaccine viêm não Nhật Bản đạt xấp xỉ 93,7%. Việc vắc xin này được đưa vào tiêm chủng thường xuyên hàng tháng sẽ giúp cho trẻ được tiêm sớm vaccine này ngay khi đủ 12 tháng tuổi.
Thống kê tại một số bệnh viện các năm gần đây, trong số bệnh nhân viêm não có nguyên nhân do vi rút, viêm não Nhật Bản chiếm khoảng 8-13%, giảm nhiều so với những năm trước khi triển khai vắc xin khoảng 50-60%.
Thực tế trên cho thấy, việc tiêm phòng vaccine viêm não Nhật Bản cho trẻ em trong các chiến dịch do Chương trình tiêm chủng mở rộng triển khai trong các năm qua đã góp phần phòng bệnh hiệu quả trong cộng đồng. Từ năm 2015, vaccine này được đưa vào tiêm chủng thường xuyên sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao tỷ lệ trẻ được tiêm chủng phòng bệnh viêm não Nhật Bản./.